Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/12/2022
19/12/2022 | 15:43Phát động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian"; Lễ hội Văn hóa & Du lịch Hàn Quốc - Việt Nam 2022; TP. Hồ Chí Minh vượt mốc 100 HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- TTXVN ngày 19/12 đưa tin:
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khai trương phòng Hàn Quốc
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022), chiều 17/12, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đã khai mạc trưng bày "Phòng Hàn Quốc". Phòng Hàn Quốc trưng bày giới thiệu câu chuyện về cuộc sống thường ngày của người Hàn Quốc thông qua tái hiện nhà truyền thống Hanok thời Joseon và chung cư – loại hình nhà ở phố biến nhất thời hiện đại.
Hội thảo Văn hóa 2022: Cần có chính sách huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cho văn hóa
Chiều 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" tiếp tục với Phiên toàn thể. Sau phần phát biểu tham luận, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn về: Nguồn lực đầu tư cho ngành văn hóa. Tại phiên thảo luận này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thực hiện chủ trương của Đảng nhất là từ sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì năm 2021, các bộ ngành địa phương đã ưu tiên đầu tư cho văn hóa.
Khai mạc không gian hoa Đà Lạt
Sáng 17/12, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khai mạc Không gian hoa xung quanh hồ Xuân Hương và trên các tuyến phố chính cùng Trưng bày, triển lãm hoa, cây có hoa quốc tế năm 2022. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: Trưng bày, triển lãm hoa và cây có hoa quốc tế năm 2022; xây dựng không gian hoa trên các tuyến phố là một trong những chương trình chính của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022. Triển lãm trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, loài cây, hoa, bon sai, non bộ, tiểu cảnh, cây hoa mới lạ do các đơn vị, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh dày công chăm sóc, ưu tầm, nhân giống để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mới lạ, phục vụ nhân dân, du khách đến thưởng lãm nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt.
-Báo Tin tức ngày 18/12 đưa tin:
Cần có cơ chế chính sách đặc thù phát hiện, bồi dưỡng nhân tài văn hoá, nghệ thuật
Tiếp tục chương trình Hội thảo Văn hóa 2022, ngày 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, các đại biểu đã đề xuất nhiều nội dung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa. Các đại biểu đề xuất cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...
Triển lãm nghệ thuật 'Tiếp bước tiến' thu hút 40 tác phẩm độc đáo và mới lạ
Từ ngày 17 - 18/12, triển lãm nghệ thuật "Tiếp bước tiến" mở cửa đón khách tham quan tại Ants Studio (Quận 2, TP Hồ Chí Minh). Triển lãm quy tụ 40 tác phẩm nghệ thuật đa màu sắc của 40 nghệ sĩ trẻ đa ngành nghề cùng chung niềm tự hào và đam mê, thích di chuyển và khám phá. 40 tác phẩm độc đáo, 40 góc nhìn độc lập của 40 nghệ sĩ thể hiện rõ những bản chất đa sắc màu của giới trẻ nhưng cùng chung một niềm tự hào về hành trình chuyển mình đầy ngoạn mục của Việt Nam sau 40 năm.
- Báo Hà Nội mới ngày 19/12 đưa tin:
Khai mạc tuần phim nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân
Tối 18-12, Điện ảnh Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khai mạc Tuần phim kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2022), tại Rạp Điện ảnh Quân đội nhân dân (17 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Các tác phẩm chiếu trong tuần phim hướng tới đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng và hậu chiến, khắc họa hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cả nước có 238 hiện vật, nhóm hiện vật là Bảo vật quốc gia
Thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến nay, cả nước có trên 40 nghìn di tích được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trong đó có trên 10 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.591 di tích cấp quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó là khoảng 70 nghìn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, với 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, đã có 22 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể.
Nhiều đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô
Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022), nhiều đơn vị nghệ thuật của Hà Nội tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô tại trung tâm các quận, huyện, thị xã. Cụ thể, Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn nghệ thuật tại quận Ba Đình vào tối 18-12 và tại khu vực hồ Hoàn Kiếm vào tối 22-12. Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ biểu diễn tại quận Cầu Giấy vào tối 22-12. Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn nghệ thuật tại huyện Thanh Trì vào tối 22-12. Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội cũng đem đến chương trình biểu diễn đặc sắc tại quận Đống Đa vào tối 22-12. Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội sẽ biểu diễn chương trình nghệ thuật tại quận Hà Đông vào tối 19-12 và tại tuyến phố đi bộ thị xã Sơn Tây vào tối 22-12.
- Báo Nhân Dân ngày 19/12 đưa tin:
Phát huy giá trị văn hóa Champa xứ Huế
Thừa Thiên Huế hiện có một hệ thống các di tích và hiện vật Champa phong phú và đa dạng, phản ánh rõ nét về giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời và đáng tự hào này. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng để phát huy bản sắc văn hóa Huế - một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam. Di sản văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế được nhìn nhận không chỉ là những di sản vật chất mà còn bao hàm cả giá trị văn hóa tinh thần và tâm linh.
Trao giải cuộc thi ảnh "Về miền Di tích, danh thắng xứ Thanh"
Tối 18/12, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa tổng kết, trao giải cuộc thi ảnh và khai trương triển lãm ảnh nghệ thuật "Về miền Di tích, danh thắng xứ Thanh". Sau 4 tháng phát động thi ảnh nghệ thuật có chủ đề "Về miền Di tích, danh thắng xứ Thanh, Ban Tổ chức đã nhận được 735 tác phẩm của 110 tác giả dự thi, trong đó có 661 tác phẩm ở hạng mục máy ảnh kỹ thuật số và 74 tác phẩm ở hạng mục Smartphone ở cả hai thể loại ảnh đơn và ảnh bộ.
Ký ức những năm tháng lịch sử từ "Máu và hoa"
Những năm tháng lịch sử, những ký ức của cuộc chiến đấu 12 ngày đêm oanh liệt của quân và dân Hà Nội đã được kể lại qua những câu chuyện, những hiện vật và cả những nhân chứng tại triển lãm "Máu và Hoa - Hà Nội 12 ngày đêm" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tôn Đản, Hà Nội. Triển lãm nhằm giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ; giá trị của niềm tin, sự đoàn kết quân, dân một lòng quyết tâm vượt lên những đau thương, mất mát, sự đổ máu, hy sinh làm nên chiến thắng để có được Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình hôm nay.
- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 18/12 đưa tin:
Nhiều vấn đề về thể chế, chính sách, nguồn lực cần được giải quyết để phát triển văn hóa
Trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022, Toạ đàm bàn tròn chiều 17/12, nhà báo Lê Quang Minh – Tổng Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội đã điều phối thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá. Câu chuyện về hành trình đàm phán "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tiếp tục được các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa năm 2022 nhắc đến. Theo Thứ trưởng, câu chuyện đưa cổ vật hồi hương chịu sự tác động và điều chỉnh bởi những quy định quốc tế, mối quan hệ với nước bạn, hình thức phối hợp tư nhân với nhà nước. Thời gian tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu để có những thay đổi, hoàn thiện về thể chế, chính sách, như vấn đề ưu đãi thuế để tạo điều kiện thuận lợi, huy động được nguồn lực thực hiện việc đưa cổ vật "hồi hương".
Dâng hương kỷ niệm 234 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, xuất binh đại phá quân Thanh
Sáng 18/12, tại Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ (phường An Tây, TP Huế) đã diễn ra Lễ dâng hương và kỷ niệm 234 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh. Theo sử sách ghi lại đầu tháng 12/1788, 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta. Ngày 22/12/1788, tại núi Bân, Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc tiến ra Bắc. Đại quân Tây Sơn có hơn 10 vạn người, trong đó phần lớn được tuyển chọn ở Thuận Hóa được xem là quân chủ lực xung kích tác chiến.
Lần đầu tiên Hội An tổ chức lễ hội văn hóa trà Việt
Lễ hội văn hóa trà Việt Nam lần thứ nhất 2022 với chủ đề "Tinh hoa trà Việt" sẽ được tổ chức tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) từ ngày 30/12/2022 đến 1/1/2023. Đây là sự kiện nhằm góp phần tôn vinh giá trị lịch sử và nét văn hóa đặc sắc về trà và sản phẩm liên quan đến trà Việt; là nơi giao lưu học hỏi, trao đổi giữa các làng nghề trà, nghệ nhân trà, đơn vị cung cấp sản phẩm về trà và các sản phẩm văn hóa khác liên quan đến trà như: Trà cụ, ẩm thực, … đến với công chúng và du khách trong, ngoài nước.
-Báo Nhân Dân, báo Hà Nội mới, báo điện tử Tổ Quốc và nhiều báo khác ngày 19/12 đưa tin: "Phát động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian": Phát huy các thành tựu, kiến tạo tác phẩm mới" cho biết: Tối 18/12, tại TP Hải Phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian". Lễ Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" giai đoạn 2022 - 2025 được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2030) và 85 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2030). Hoạt động nhằm thu hút, phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn.
Lễ Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" giai đoạn 2022 - 2025 dành cho những tác giả, tập thể tác giả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong nước và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam đều có thể tham gia. Các thể loại sáng tác tham gia dự thi phong phú đa dạng như: đối với văn học là tiểu thuyết và trường ca; sân khấu là kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, ca kịch; âm nhạc là giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch; múa là thơ múa, tổ khúc và kịch múa.
2.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Nhân Dân ngày 19/12 đưa tin:
Du lịch Việt trở lại ấn tượng, tìm kiếm những đột phá
Sau hơn hai năm ngưng trệ do dịch Covid-19, năm 2022, du lịch Việt Nam trở lại rất ấn tượng, với 96,3 triệu lượt khách du lịch nội địa sau 11 tháng, vượt xa mọi dự báo. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2023 và vài năm tiếp theo để có thể đạt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch vào năm 2025. Ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2022 phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa và năm triệu lượt khách quốc tế.
Thêm nhiều tour làng hoa truyền thống dịp Festival hoa Đà Lạt 2022
Ngày 18/12, Làng hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức chương trình tham quan, hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX-năm 2022. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Đà Lạt Lê Anh Kiệt cho biết, cùng ngày, bốn làng hoa truyền thống khác của thành phố, gồm Hà Đông, Thái Phiên, Xuân Thành, Đa Thiện đều tổ chức khai trương chương trình tham quan, hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt năm 2022. Trong đó, thành phố Đà Lạt tổ chức ba tour tham quan Làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên và Xuân Thành.
Khắc phục bất cập trong chính sách thị thực
Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế khá sớm và đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, nhưng đến thời điểm chỉ còn hai tuần nữa là hết năm, mới chỉ đón được xấp xỉ 3 triệu lượt. Một trong các nguyên nhân được lý giải là do chính sách thị thực (visa) của chúng ta thiếu sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực (Singapore miễn 158 nước, Malaysia miễn 155 nước, Thái Lan miễn 64 nước). Đến nay Việt Nam mới miễn visa cho công dân của 25 nước.
- TTXVN ngày 19/12 đưa tin:
Sôi động khai mạc Lễ hội Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc 2022
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022) và để thúc đẩy phục hồi du lịch giữa hai quốc gia, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tổ chức khai mạc chương trình "Lễ hội Văn hóa & Du lịch Hàn Quốc - Việt Nam 2022" vào tối ngày 17/12 tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố đi bộ Hoàn Kiếm Hà Nội. ông Kim Jangsil, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cho biết: Việt Nam là quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hàn Quốc trong lĩnh vực du lịch. Khi Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, lượng khách du lịch của Việt Nam đến Hàn Quốc chỉ đạt 6.922 người, nhưng đến năm 2019, con số này đã lên đến hơn 550.000 người, tăng khoảng 80 lần so với thời điểm bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao.
Lần đầu tiên ra mắt tour đêm du lịch văn học 'chữ Tâm, chữ Tài'
Tối ngày 18/12, Bảo tàng Văn học Việt Nam phối hợp cùng Công ty Du lịch bền vững Vietnam S.T.I.D lần đầu tiên giới thiệu tour đêm "Du lịch văn học chữ "Tâm" và chữ "Tài". Đây là lần đầu tiên du khách được trải nghiệm tour du lịch văn học độc đáo, trải nghiệm sự đặc sắc của văn học Việt Nam qua các thời kỳ văn học Cổ - Trung đại đến nay thông qua một hình thức trải nghiệm nhẹ nhàng, giải trí, khám phá, cuốn hút trong một không gian đầy cảm xúc mà du khách dành cho tác giả, câu chuyện, nhân vật mà mình yêu thích.
Quảng Bình: Tổ chức nhiều hoạt động du lịch trong dịp Tết Dương lịch 2023
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ tổ chức nhiều hoạt động du lịch trong dịp Tết Dương lịch 2023 tại các điểm du lịch nổi tiếng của địa phương. Chương trình biểu diễn nghệ thuật Chào đón năm mới 2023 sẽ diễn ra tại phố đi bộ thành phố Đồng Hới từ 20 giờ đến 22 giờ ngày 31/12/2022 với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, các ca khúc sôi động, hấp dẫn dành cho giới trẻ nhằm thu hút khách du lịch, giới thiệu phố đi bộ thành phố Đồng Hới đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 19/12 đưa tin:
Tập huấn kiến thức du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc Cơ Tu
Ngày 18/12, Phòng VH&TT huyện Nam Đông cho biết, đơn vị đang tổ chức khóa tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế). Theo đó, lớp tập huấn được tổ chức trong thời gian 3 ngày (từ ngày 16-18/12/2022) nhằm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên truyền tải, quảng bá được những giá trị văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện đến với bạn bè và du khách.
Những lý do để Yên Bái xây dựng thành công thương hiệu du lịch nổi tiếng
Mới đây, tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), Báo Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái – Cơ hội và bứt phá. Trong thời gian qua, thị trường bất động sản tỉnh Yên Bái đã hình thành và đang đà phát triển; hạ tầng du lịch là nhu cầu quan trọng và đi trước một bước trong phát triển du lịch đã được rất nhiều các Nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Phát động thi đua báo chí chất lượng cao viết về văn hóa du lịch Vĩnh Phúc năm 2022
Mới đây, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức "Tọa đàm báo chí viết về văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc". Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 25 năm tái lập tỉnh, đồng thời nêu những định hướng lớn về phát triển Văn hóa, Du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Chủ tịch ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về văn hóa, du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua.
-Báo Hà Nội mới ngày 19/12 đưa tin:
Khơi tiềm năng du lịch thể thao ở Đà Bắc
Đà Bắc là huyện vùng cao, nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hòa Bình, cách thành phố Hà Nội khoảng 90km. Với điều kiện tự nhiên đặc thù, bị chia cắt mạnh mẽ bởi núi, đồi, sông, suối nên phần lớn đất đai ở Đà Bắc là đất lâm nghiệp (chiếm 65%), đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện thuận lợi để Đà Bắc phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; đặc biệt, tiềm năng du lịch thể thao, giải trí dưới nước được đánh giá là "bước đà" giúp du lịch Đà Bắc phát triển.
Tập huấn ứng xử văn minh du lịch trước Lễ hội chùa Hương 2023
Sở Du lịch Hà Nội vừa phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Hội nghị nhằm tập huấn cho người dân các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, ứng xử văn minh du lịch trước mùa lễ hội chùa Hương năm 2023. Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức có thể làm phong phú thêm sản phẩm địa phương bằng cách nắm bắt tâm lý du khách, tạo thêm nhiều cảnh điểm để khách chụp ảnh; giữ gìn môi trường sạch đẹp; khuyến khích người dân phát triển du lịch cộng đồng.
Du lịch Tết Nguyên đán 2023: Kỳ vọng sức bật mới
Với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài 7 ngày, thị trường du lịch Tết 2023 đang sôi động, với nhiều chương trình hấp dẫn được mời chào, quảng bá. Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, du lịch nước ngoài sẽ là xu thế chính của năm nay, du lịch nội địa vẫn tập trung ở các sản phẩm truyền thống. Hiện, lượng khách đặt tour Tết đang tăng dần, kỳ vọng mang đến sức bật mới cho du lịch Việt vào đầu năm 2023.
3.Lĩnh vực Thể thao
-TTXVN ngày 19/12 đưa tin:
Đại hội Thể thao toàn quốc 2022: Đội Quân đội thi đấu ấn tượng ở môn Quần vợt
Tiếp tục chương trình thi đấu môn Quần vợt tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, sáng 19/12, trận chung kết nội dung đơn nữ giữa đội Quân đội và Bình Dương đã diễn ra tại Cụm sân Quần vợt Hanaka Paris Ocean Park, phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Kết quả, đội Quân đội chiến thắng áp đảo với tỷ số 2-0, giành Huy chương Vàng. rận đấu cuối cùng là trận chung kết nội dung đơn nam giữa tay vợt số 1 Lý Hoàng Nam của đội Tây Ninh gặp Phạm Minh Tuấn của đội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào trưa 19/12.
Đại hội Thể thao toàn quốc 2022: TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu Bóng đá nữ
Chiều 18/12/2022, trên sân vận động Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã diễn ra 2 trận đấu trong khuôn khổ môn bóng đá nữ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Ngày 20/12/2022, môn Bóng đá nữ sẽ thi đấu lượt trận cuối cùng. TP Hồ Chí Minh đang dẫn đầu bảng xếp hạng với thành tích 7 điểm sau 3 trận và hiệu số bàn thắng bại là +8.
Đoàn An Giang giành 3 HCV trong ngày thi đấu thứ 4 môn Xe đạp đường trường
Ngày 18/12, tại tỉnh Vĩnh Phúc, môn Xe đạp đường trường trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX bước sang ngày thi đấu thứ 4 với các nội dung: Chung kết nội dung tính giờ cá nhân và đồng đội nữ, nam và chung kết 500m tốc độ nữ, nam. Ngày 19/12, các vận động viên tiếp tục thi đấu ở các nội dung Chung kết 100km xuất phát đồng hành nữ.
-Báo Tin tức ngày 19/12 đưa tin:
Các nữ kiếm thủ Hải Phòng giành HCV đầu tiên tại Đại hội Thể thao toàn quốc
Ngày 18/12, tại Nhà thi đấu Núi Béo, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, các vận động viên môn Đấu kiếm của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX – 2022 bắt đầu bước vào thi đấu ở các nội dung đồng đội. Không thi đấu thành công ở các nội dung cá nhân, song ở nội dung đồng đội kiếm chém, các nữ vận động viên của đoàn Hải Phòng (Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Vi Cầm, Ngô Thị Hương và Đỗ Thị Tâm) xuất sắc giành Huy chương Vàng. Đoàn Bắc Ninh giành Huy chương Bạc. Hai đoàn Công an nhân dân và Hà Nội cùng giành Huy chương Đồng.
AFF Cup 2022: Quang Hải và những cầu thủ nào đáng xem nhất?
Quang Hải của Việt Nam là một trong 8 cầu thủ được ban tổ chức AFF Cup 2022 đánh giá có thể cạnh tranh cho danh hiệu cá nhân Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Ở kỳ AFF Cup 2020, Chanathip Songkrasin đã được nhận danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất giải" (MVP). Đó là lần thứ 3 cầu thủ người Thái Lan nhận được danh hiệu cá nhân này tại giải AFF Cup. Đối với Việt nam, có 3 cầu thủ từng nhận danh hiệu này gồm Nguyễn Hồng Sơn (1998), Dương Hồng Sơn (2008) và Nguyễn Quang Hải (2018). Tại AFF Cup 2022, Chanathip không góp mặt. Vì thế, Quang Hải của Việt Nam là một trong những ứng viên nổi bật cho danh hiệu này. Ngoài ra, AFF Cup 2022 còn đánh giá cao 7 cầu thủ khác.
Hà Nội vững vàng ngôi đầu bảng môn Cầu mây tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX
Sau 8 ngày tranh tài, vị trí nhất toàn đoàn môn Cầu mây tại Đại hội Thể thao toàn quốc thuộc về Hà Nội với 6 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Giải Cầu mây trong chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022 được tổ chức tại Thanh Hóa từ ngày 10/12 có sự tham dự của 221 VĐV thuộc 12 tỉnh, thành, ngành trên cả nước như Hà Nội, Bắc Giang, Công an nhân dân, Thanh Hóa, Đồng Nai, Sóc Trăng, TPHCM, Vĩnh Long…
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 18/12 đưa tin:
Đồng Tháp nhất bảng môn Đá cầu
Ngày 18/12, môn Đá cầu trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX đã khép lại với các trận chung kết ở nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ. Ở nội dung đồng đội nam, với lực lượng đồng đều gồm Hồ Phước Sang, Trần Thanh Điền, Ngô Minh Hiền,.. đã đóng góp nhiều thành tích cho Đá cầu Việt Nam trên các đấu trường thể thao quốc tế, đoàn Đồng Tháp đã không gặp nhiều khó khăn để giành chiến thắng ở các trận vòng bảng, qua đó giành quyền vào thi đấu vòng Bán kết.
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX: TP. HCM vượt mốc 100 HCV
Với những tấm HCV giành được ở các môn thi đấu trong ngày 18/12, đoàn TP. HCM đã có tổng số 105 HCV, tạm xếp vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng. Trong ngày thi đấu 18/12, Cờ tướng, 3 môn phối hợp, Bóng bàn, Đấu kiếm, Kursah và một số môn thể thao đã diễn ra các nội dung chung kết cuối cùng. Ở môn bóng bàn, trận chung kết đơn nữ giữa tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang (TP. HCM) với Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) đã diễn ra với một kịch bản rượt đuổi rất gay cấn. Với bản lĩnh cùng kinh nghiệm thi đấu, Mỹ Trang đã giành chiến thắng chung cuộc 4-3 (11-6, 6-11, 11-6, 11-9, 8-11, 8-11, 15-13), qua đó, giành tấm HCV duy nhất cho bóng bàn TPHCM.
- Báo Hà Nội mới ngày 19/12 đưa tin:
Hà Nội xếp thứ hai toàn đoàn môn điền kinh
Ngày 18-12, ngày thi đấu cuối cùng của môn điền kinh tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022. Các vận động viên tranh tài ở 4 nội dung chung kết cuối cùng và đã có thêm các kỷ lục quốc gia, kỷ lục đại hội được phá, thiết lập mới. Kết thúc môn thi đấu điền kinh tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, đoàn Quân đội xếp vị trí nhất toàn đoàn với 10 Huy chương vàng, 5 Huy chương bạc và 7 Huy chương đồng; đoàn Hà Nội đứng thứ hai với 5 Huy chương vàng, 13 Huy chương bạc và 10 Huy chương đồng; vị trí thứ ba thuộc về đoàn Đà Nẵng giành được 5 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng.
Bộ môn Vật Việt Nam: Hướng ra ''sân chơi'' lớn
Những năm gần đây, dù được đánh giá cao về chuyên môn, song thành tích của đội tuyển vật Việt Nam tại các đấu trường châu lục và thế giới không ổn định. Vì thế, cần có sự đầu tư bài bản để giúp vật Việt Nam có những bước tiến đột phá, hướng tới "sân chơi" châu lục và thế giới. Phụ trách Bộ môn Vật, Tổng cục Thể dục - Thể thao Tạ Tùng Đức cho biết thêm, một trong những phương án được tính tới là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có việc mời gọi các đội tuyển vật mạnh ở châu lục và thế giới đến thi đấu, tập huấn tại Việt Nam.
Vòng chung kết Giải bóng đá vô địch U21 quốc gia 2022 khởi tranh
Chiều 17-12, vòng chung kết Giải bóng đá vô địch U21 quốc gia Thanh niên 2022 đã khai mạc tại sân vận động Vinh (Nghệ An). Giải đấu do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Truyền thông Thanh Niên phối hợp tổ chức. Sau lễ khai mạc đã diễn ra trận đấu giữa đội chủ nhà U21 Sông Lam Nghệ An và U21 Đà Nẵng. Với lợi thế sân nhà cùng dàn cầu thủ đồng đều chất lượng, U21 Sông Lam Nghệ An đã giành chiến thắng trước U21 Đà Nẵng với tỷ số 4-1.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Văn Hóa ngày 18/12 đưa tin: "Gia đình hạnh phúc giúp giảm vấn nạn mua bán người" cho biết: Như nhiều thiếu nữ dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, cô bé Dang (người Mông, Yên Bái) không được đi học. Hoàn cảnh quá khó khăn nên ước mơ cắp sách đến trường của Dang phải nhường chỗ cho trách nhiệm với gia đình từ rất sớm. Mười mấy tuổi đầu Dang đã bước chân đi lấy chồng, nhưng cuộc sống không hạnh phúc khiến cô trở thành nạn nhân mua bán người… Về nguyên nhân khiến tình trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, bà Hoàng Phương Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái nhận định: "Qua các nghiên cứu và thực tiễn rút ra từ hoạt động của dự án Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19, các thông tin ghi nhận chỉ ra rằng, người dân trở nên dễ bị tổn thương hơn do ảnh hưởng từ áp lực kinh tế, nhu cầu tìm kiếm việc làm và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, tảo hôn". Do đó, nhằm chấm dứt nạn mua bán người dưới mọi hình thức, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã phối hợp với tổ chức Hagar Việt Nam và một số tổ chức quốc tế khác thực hiện nhiều sự kiện truyền thông trực tiếp và trên mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về các dấu hiệu, hình thức mua bán người cũng như những kênh liên hệ hỗ trợ đã tác động được tới hàng chục nghìn người ở các thôn, bản. Đồng thời, hỗ trợ chị em phụ nữ và nam giới xây dựng hạnh phúc gia đình, giảm bạo lực gia đình và hỗ trợ kinh tế, nâng cao vị thế của phụ nữ, tiến tới xóa bỏ nạn mua, bán người.