Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/8/2023
17/08/2023 | 13:59Tiếp tục bảo tồn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch; Hôm nay 17/8, khởi tranh giải U23 Đông Nam Á 2023; Hà Nội lọt tốp 21 điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ mùa đông là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-TTXVN ngày 17/8 đưa tin:
Chương trình múa cổ điển Ấn Độ - Kuchipudi tại Đắk Lắk
Tối 16/8, Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn Đắk Lắk tổ chức chương trình múa cổ điển Ấn Độ - múa Kuchipudi.Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Xin chào Việt Nam năm 2023 của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh.Chương trình múa cổ điển Ấn Độ - múa Kuchipudi sẽ là nền tảng để hai bên tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu văn hóa, đối ngoại nhân dân nhằm thúc đẩy du lịch, thương mại, qua đó đưa nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới.
Xúc động đêm thơ nhạc kịch 'Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi'
Tối 16/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra đêm thơ nhạc kịch "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh tác giả Lưu Quang Vũ, 35 ngày mất của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương, kịch nghệ Việt Nam. Đêm nghệ thuật bao gồm 4 chương, với tựa đề là những câu thơ và tác phẩm nổi tiếng của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật, chương trình tái hiện lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình yêu và khao khát sống đẹp, sống ý nghĩa của cây bút tài năng một thời - người được mệnh danh là nhà biên kịch tiên phong trong nền kịch nghệ Việt Nam ở thời Đổi Mới.
Chương trình nghệ thuật 'Ơn nghĩa sinh thành 2023'
Chương trình nghệ thuật đặc biệt báo hiếu cha mẹ trong mùa Vu lan với chủ đề "Ơn nghĩa sinh thành 2023" sẽ diễn ra vào 20 giờ 10 phút ngày 24/8/2023 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt- Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình gồm 3 chương, theo đó, Chương 1 sẽ đưa khán giả đến không gian của "Mùa hiếu hạnh" với giọng đọc truyền cảm, lôi cuốn của NSƯT Lê Chức thông qua hoạt cảnh. Chương 2 gồm các ca khúc, câu chuyện xúc động ca ngợi công ơn sinh dưỡng của cha mẹ với các ca khúc: Lòng mẹ, Mẹ yêu con, Nơi ấy có cha...Chương 3 gồm các ca khúc: Con nợ mẹ, Nhật ký của mẹ, Ơn nghĩa sinh thành... khẳng định bến đỗ bình yên của gia đình sau mọi sóng gió, nghịch cảnh.
-Báo Văn Hóa ngày 17/8 đưa tin:
Bảo tồn và phát huy nghề chế tác khèn Mông ở Tủa Chùa
Bảo tàng tỉnh Điện Biên vừa tổ chức lớp truyền dạy nghề chế tác khèn của dân tộc Mông với sự tham gia của các nghệ nhân và học viên dân tộc Mông tại thôn Háng Đề Dê, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa nhằm góp phần để nghệ thuật chế tác khèn luôn được lưu truyền và lan tỏa, trở thành sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Tại Tủa Chùa đời sống văn hóa tinh thần của người Mông rất phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc tộc người và dường như ít bị pha tạp, ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác. Từ các loại hình dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian đến âm nhạc và nhạc cụ của người Mông đều thể hiện những nét đặc trưng riêng biệt.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại TP.HCM: Thiếu, không đồng bộ và xuống cấp
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Sở VHTT TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) tại TP.HCM. Trước đó, đoàn cũng đã có buổi làm việc, khảo sát thực tế tại một số đơn vị cơ sở như Trung tâm Văn hóa TP.HCM, Trung tâm TDTT quận 7, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Bình Chánh, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP, Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B, các nhà văn hóa lao động, nhà thiếu nhi,…
Phát hiện con đường cổ từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn xưa
Quá trình thăm dò khảo cổ tại phế tích ở khu vực tháp K, khu đền tháp Mỹ Sơn, lần đầu tiên đã phát lộ một con đường cổ dẫn từ tháp K vào khu trung tâm đền tháp. Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) vừa phối hợp với Viện Khảo cổ do TS Nguyễn Ngọc Quý chủ trì tiến hành khai quật thăm dò khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở khu vực tháp K Mỹ Sơn. Báo cáo kết quả sơ bộ sau một tháng tiến hành khai quật cho biết, đoàn đã mở 5 hố thăm dò khảo cổ, mỗi hố có diện tích 4m2, hướng hố được đặt theo hướng của di tích.
-Báo Hà Nội mới ngày 17/8 đưa tin:
Tiếp tục tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 15-8
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành công tác bảo dưỡng, tu bổ định kỳ năm 2023. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được tiếp tục tổ chức từ ngày 15-8-2023. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng thông báo để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, nhân dân và người nước ngoài biết.
Hòa nhạc "Đất nước niềm vui" và "Giao hưởng Tháng Tám"
Hai chương trình "Đất nước niềm vui" và "Hòa nhạc Giao hưởng Tháng Tám" quy tụ các nghệ sĩ xuất sắc, sẽ được tổ chức vào các tối 17 và 18-8, tại Nhà hát Hồ Gươm - công trình văn hóa do Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội đầu tư tại địa chỉ 40-40A Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình hòa nhạc "Đất nước niềm vui" do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn, với sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji; sự tham gia của Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy (violin), Nghệ sĩ ưu tú Lệ Giang (đàn bầu), nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung cùng các giọng ca: Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 17/8 đưa tin:
Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nhân loại
Các danh hiệu của UNESCO không chỉ minh chứng cho một Việt Nam tươi đẹp, đa dạng cảnh quan, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời mà còn là điểm đến thu hút hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm. Việt Nam cũng được UNESCO đánh giá là quốc gia tích cực trong bảo tồn di sản. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản nhân loại tại Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần hình thành thương hiệu quốc gia và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Điện Kiến Trung dần thành hình hài sau gần 5 năm "đại trùng tu"
Sau gần 5 năm từ thời điểm khởi công, dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung" đang dần hoàn thiện các hạng mục, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Điện Kiến Trung là một cung điện quan trọng trong hệ thống các cung điện của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm 1921 đến năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Qua nhiều năm hoang phế, tháng 2/2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ khởi công dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung". Tổng mức kinh phí đầu tư cho dự án hơn 123 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Việc tiến hành tu bổ, phục hồi và tôn tạo lại di tích này là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa, từ lâu đã được nhiều người mong đợi.
Tối 18/8, khán giả sẽ được thưởng thức hệ thống âm thanh hiện đại bậc nhất thế giới của Nhà hát Hồ Gươm
19h30 tối 18/8, chương trình Hòa nhạc Giao hưởng Tháng Tám do Bộ Công An tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, với sự tham gia trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) cùng bốn nghệ sỹ hàng đầu thế giới. Đây là chương trình đặc biệt chào mừng 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, cũng là buổi hòa nhạc quốc tế đầu tiên khai màn công trình nhà hát đẳng cấp quốc tế vừa được Bộ Công an và thành phố Hà Nội khánh thành đầu tháng 7 vừa qua.
-Báo Người Lao động ngày 17/8 đưa tin:
Những nét mới của sân khấu kịch
Theo các nhà chuyên môn, sàn diễn cần nhiều vở diễn mang tính hiện đại để hướng đến những vấn đề công chúng quan tâm. Vở kịch thể nghiệm "Mình nói chuyện mình" (tác giả, đạo diễn Đoàn Khoa) đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt sau 5 suất diễn tại Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TP HCM. Cùng với kịch thể nghiệm "Mình nói chuyện mình", sàn diễn TP HCM vừa có thêm một loại hình kịch mới - kịch phi lý. Nghệ sĩ Chinh Ba đã giới thiệu đến khán giả TP HCM thể loại kịch phi lý với vở diễn mang tên "Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn" (vừa công diễn tại một phim trường ở quận Bình Thạnh, TP HCM), vở diễn này cũng đã được đông đảo khán giả đón nhận.
Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có trình độ và tài năng
Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường... thành phố cũng chú trọng việc bảo tồn, bảo vệ, phát triển, phát huy các giá trị văn hóa. Ngày 15-8, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) TP HCM đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo "Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045".
-TTXVN, báo Văn Hóa và nhiều báo khác ngày 17/8 đưa tin: "Tiếp tục bảo tồn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch" cho biết: Chiều 16.8, UBND tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2018 – 2022; triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 – 2027. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý đồng chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, nhóm chuyên gia tư vấn của UNESCO và các đại biểu đánh giá cao thành công bước đầu trong phát triển du lịch, thu hút du khách của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Hội nghị đánh giá cao thành công bước đầu trong phát triển du lịch, thu hút du khách của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về Công viên địa chất được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy trí trị Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Hà Giang phấn đấu giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn qua các kỳ tái đánh giá. Hoàn thành các tiêu chí và khuyến nghị của chuyên gia. Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia.
2.Lĩnh vực Du lịch
-TTXVN ngày 17/8 đưa tin:
Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình: Khai thác nét đẹp văn hóa trên sông
Du lịch văn hóa là hình thức dựa trên việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách và góp phần bảo tồn văn hóa. Sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả, giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người nơi đây. Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đưa du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Đa dạng sản phẩm, hành trình thu hút khách du lịch
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay với 4 ngày nghỉ liên tiếp là cơ hội để các điểm du lịch đón lượng lớn du khách, đặc biệt là du khách trong nước. Các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú khu vực phía Nam đã thông tin, quảng bá nhiều sản phẩm du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, các tour, tuyến hấp dẫn để du khách lựa chọn. Cùng với chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, nhân lực để phục vụ du khách dự kiến tăng cao trong 4 ngày nghỉ Quốc khánh 2/9, nhiều địa phương, điểm đến tăng cường quảng bá tới các thị trường, thu hút nhiều hơn du khách quốc tế trong thời gian tới.
Hà Nội: Xử lý việc tái diễn kinh doanh phố cà phê đường tàu
Ngày 16/8, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trước tình trạng các hành vi vi phạm kinh doanh trong hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn quận có dấu hiệu tái diễn, đặc biệt là khu vực đường tàu đoạn Trần Phú, Phùng Hưng, UBND quận đã yêu cầu tăng cường xử lý các hành vi vi phạm. Quận Hoàn Kiếm yêu cầu Công an quận chỉ đạo Công an các phường tiếp tục lập rào chắn, biển cảnh báo và tổ chức lực lượng chốt trực không để khách du lịch đi vào ăn uống, quay phim, chụp ảnh... tại khu vực trên. Phòng Tài chính - Kế hoạch quận phối hợp với UBND các phường thiết lập hồ sơ xử lý thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh vi phạm quy định.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 17/8 đưa tin:
Người dân và du khách khi vui chơi, tắm biển ở Đà Nẵng cần lưu ý điều này
Ngày 16/8, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (thuộc Sở Du lịch Đà Nẵng) cho biết đã có khuyến cáo tới người dân và du khách về việc bảo quản tài sản đề phòng mất cắp khi tham quan, tắm biển, vui chơi giải trí các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, bãi biển Đà Nẵng được du khách đánh giá là bãi biển an toàn, sạch đẹp và thân thiện. Vì vậy, du khách cũng như người dân địa phương khi đến tắm biển, đi dạo, vui chơi giải trí tại bãi biển Đà Nẵng đều có tâm lý chủ quan. Rất nhiều người dân, du khách thỏa mái để lại tư trang như túi xách, điện thoại, ví tiền trên bãi cát để tắm biển, vui chơi mà không có người trông giữ, quan sát.
Nhiều hoạt động nỗ lực giảm rác thải nhựa ở các điểm du lịch tại Huế
Ngày 16/8, thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" - được xây dựng với sự tài trợ của WWF- Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP Huế tổ chức khánh thành và đưa vào vận hành nhà chờ du khách và trạm cấp nước tại 3 địa điểm di tích do đơn vị quản lý. Việc khánh thành và đưa vào vận hành trạm cấp nước tại các địa điểm di tích Huế góp phần trong công tác giảm rác thải nhựa ở các điểm du lịch.
-Báo Nhân Dân ngày 17/8 đưa tin:
Hà Nội lọt tốp 21 điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ mùa đông
Theo U.S. News & World Report - Công ty truyền thông của Mỹ có trụ sở tại Washington, danh sách các điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ đông đã được Công ty tổng hợp và đưa ra dựa trên phân tích của chuyên gia và bình chọn của độc giả. Và mùa đông Hà Nội được đánh giá là nơi có khí hậu lạnh nhưng vẫn mang lại cảm giác dễ chịu, thi thoảng xuất hiện cơn mưa rào.
Hải Phòng thay đổi giờ chạy phà biển ra đảo du lịch Cát Bà và ngược lại
Theo thông báo của Công ty cổ phần bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng, từ ngày 25/8, lịch chạy phà từ bến Gót-Cái Viềng và ngược lại - nút giao thông quan trọng trên tuyến đường bộ từ đất liền ra khu du lịch Cát Bà (Hải Phòng) có sự điều chỉnh theo khung giờ mới. Theo đó, kể từ ngày 25/8, tuyến phà này sẽ chạy theo khung giờ mới, với thời gian chuyến đầu tiên muộn hơn và chuyến cuối cùng sớm hơn so lịch chạy mùa hè trước đó. Trong đó, phà bắt đầu hoạt động từ 5 giờ và kết thúc lúc 18 giờ 30 phút hằng ngày; trong các khung giờ cao điểm, phà chạy 30 phút/chuyến...Những ngày đông khách, bến phà chủ động bố trí tăng thêm số chuyến trong lịch chạy phà để phục vụ hành khách.
Bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh du lịch
Trong 2 ngày 16-17/8, tại Ninh Bình, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh du lịch cho hơn 60 học viên đến từ hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ văn hóa các xã. Lớp học diễn ra trong 2 ngày, với nhiều kinh nghiệm được các giảng viên đến từ Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn được đúc kết, hệ thống hóa thông qua những thí dụ sinh động, để các học viên dễ tiếp cận, từ đó trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng trong giao tiếp và ứng xử văn minh du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước được tốt hơn khi về với Ninh Bình.
-Báo Văn Hóa ngày 17/8 đưa tin:
Bình Định: Phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm chủ đạo
Ðể triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chương trình hành động về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025, Ban Chỉ đạo xác định, giải pháp tiếp tục vẫn đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó, trọng tâm phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Đó là giải pháp trọng tâm của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch Bình Định giai đoạn 2020 – 2025 đề ra tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025 do Tỉnh ủy Bình Định vừa tổ chức diễn ra ngày 16.8.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch
Lãnh đạo Tập đoàn BRG vừa có cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với mong muốn tiếp tục phát triển hệ thống sân golf tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, thúc đẩy phát triển du lịch golf, hệ thống cơ sở lưu trú tại Việt Nam. Tập đoàn BRG mong muốn sẽ được đồng hành và nhận được sự ủng hộ của ngành Du lịch để đẩy mạnh phát triển hơn nữa những lĩnh vực liên quan đến du lịch mà Tập đoàn đang đầu tư phát triển, qua đó góp phần phát triển ngành Du lịch Việt Nam, kinh tế xã hội các địa phương nói chung.
Ra đảo 5 không
"Cô Tô đang hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên và môi trường xã hội với 5 không: Không có người nghèo, không có ăn xin, không trộm cắp, không ma túy, không mại dâm", ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết. Nhận thức rõ du lịch là thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều biện pháp để phát triển, đem lại hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, rác thải nhựa đang một trong những thách thức lớn đối với Cô Tô. Để giữ được môi trường xanh - sạch - đẹp, tiếp tục phát triển và giữ vững được những nét đẹp vốn có.
Đề nghị xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam
Tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững, đại diện các địa phương cho biết đã đang triển khai nhiều kế hoạch, chương trình sau khi Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định liên quan đến phát triển du lịch được Bộ VHTTDL ban hành. Hiện nay, các địa phương trong đó có Thành phố Hà Nội gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng chính sách đặc thù để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch thiết yếu (như: bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, khu bán sản phẩm quà tặng du lịch …) tại các khu, điểm du lịch; các khu du lịch cộng đồng, nông nghiệp do chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, đề nghị Bộ VHTTDL sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các khu du lịch cộng đồng, nông nghiệp nhằm cụ thể hóa điều 5 Luật Du lịch 2017, qua đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương có thể chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch.
-Báo Vietnamplus ngày 17/8 đưa tin:
Các tỉnh phía Nam: Đa dạng sản phẩm thu hút du khách dịp nghỉ lễ 2/9
Các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú khu vực phía Nam đã quảng bá nhiều sản phẩm du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, các tour, tuyến hấp dẫn để du khách lựa chọn trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ghi nhận của một số doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đến giữa tháng 8, lượng khách đặt tour, phòng nghỉ cho dịp Quốc khánh có tăng so với ngày thường nhưng chưa thực sự "bùng nổ."
Thúc đẩy kết nối đưa Phú Quốc thành điểm đến quốc tế đặc sắc
Phú Quốc (Kiên Giang) có cảnh quan thiên nhiên độc đáo và vị trí chiến lược, gần các thành phố lớn ở Đông Nam Á, đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 xác định mục tiêu phát triển Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc. Ngành Du lịch được định hướng là hoạt động kinh tế quan trọng của Phú Quốc và đang từng bước phát triển, song quá trình này phải đối mặt với những thách thức trong việc xây dựng hình ảnh một điểm đến quốc tế
Du lịch Tiền Giang kỳ vọng "đòn bẩy" phát triển từ chính sách visa mới
Ngành du lịch tỉnh Tiền Giang kỳ vọng chính sách visa mới có hiệu lực từ ngày 15/8 sẽ "đòn bẩy" thúc đẩy tăng trưởng du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến địa phương. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong 10 năm gần đây (2013-2022), có trên 12,9 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang, trong đó có trên 5,1 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 5.202 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đón 578.200 lượt khách du lịch, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 150.500 lượt, tăng 5 lần so với năm 2022.
3.Lĩnh vực Thể thao
-TTXVN ngày 17/8 đưa tin:
Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ IX: Khai mạc môn Bóng đá nam và Jujitsu tại Cần Thơ
Chiều 16/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức khai mạc thi đấu môn Bóng đá nam và môn Jujitsu trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX – Hậu Giang 2023. Hoạt động thi đấu trong Đại hội thể thao còn tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện, thi đấu cọ sát, kiểm tra chuyên môn và rà soát lực lượng của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị tham gia các giải Quốc gia và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X vào năm 2026 đạt kết quả cao.
Khai mạc Giải Vô địch các Câu lạc bộ Karate Quốc gia
Ngày 16/8, Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Giải Vô địch các Câu lạc bộ Karate Quốc gia lần thứ XXIII năm 2023. Tham dự giải có 1.020 vận động viên của 61 đoàn đến từ 44 tỉnh, thành phố, ngành trên cả nước. Các võ sĩ thi đấu tranh 85 bộ huy chương ở các nội dung: Kata (biểu diễn) cá nhân nam, nữ; kata đồng đội nam, nữ; kata đồng đội hỗn hợp nam, nữ; kumite (đối kháng) cá nhân nam, nữ thuộc các nhóm tuổi 10 - 11, 12 - 14, 15 - 17, 18 tuổi trở lên và 36 tuổi trở lên.
Trên 270 VĐV tham gia Giải bơi - lặn vô địch các Câu lạc bộ Quốc gia
Ngày 16/8, tại hồ bơi Hải Đăng (tỉnh Tây Ninh) đã diễn ra cuộc tranh tài đầu tiên của Giải bơi - lặn vô địch các Câu lạc bộ Quốc gia năm 2023. Giải do Hiệp Hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, đây là giải đấu thường niên nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia nhằm đánh giá công tác đào tạo vận động viên trẻ môn bơi - lặn tại các địa phương và ngành. Đồng thời, phát hiện, tuyển chọn những tài năng, vận động viên trẻ có thành tích xuất sắc nhằm bồi dưỡng vào đội tuyển bơi, lặn quốc gia để chuẩn bị lực lượng tham dự giải đấu quốc tế.
-Báo Hà Nội mới ngày 17/8 đưa tin:
6 đội đầu tiên vào vòng chung kết Giải vô địch các CLB golf Hà Nội mở rộng 2023
Ngày 16-8, tại sân golf Sky Lake (Hà Nội), ngày thi đấu đầu tiên của Vòng loại Giải vô địch các câu lạc bộ (CLB) golf Hà Nội mở rộng lần thứ 6 - BIDV Cup 2023 đã diễn ra. Hơn 120 vận động viên đến từ 10 CLB đã thi đấu hết sức mình dưới thời tiết nắng nóng. Top 6 đội tuyển vượt qua vòng loại thứ nhất gồm: CLB R77 Open; Royal Golf Club; Mulsea Golf Club; CLB C&L 92-95; CLB Đại Lâm Mộc; CLB Ciputra.
Xác định được 8 đội vào tứ kết Giải Bóng đá U9 toàn quốc năm 2023
Ngày 16-8, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bắc Ninh diễn ra lượt trận cuối của vòng bảng Giải bóng đá U9 toàn quốc Toyota Cup 2023 và đã xác định được 8 đội giành quyền tham dự vòng tứ kết. Với tính chất cạnh tranh trực tiếp nên các trận đấu đều diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, kịch tính đến những giây cuối cùng. Như vậy, sau 3 lượt đấu (vòng loại) đã xác định được 8 cái tên xuất sắc nhất ở 4 bảng đấu lọt vào tứ kết gồm: Sông Lam Nghệ An, Bắc Ninh, H.Y.S Hà Nội, Thuận An Bình Dương, CLB bóng đá Hà Nội, Kon Tum, Văn Tâm Đồng Nai và Việt Hùng Thanh Hóa.
Viettel, Đông Á Thanh Hóa giành quyền vào chơi chung kết Cup Quốc gia 2023
Tối 16-8, Câu lạc bộ Viettel (Viettel FC) có cuộc tiếp đón Topeland Bình Định trên sân nhà trong khuôn khổ Bán kết Cup Quốc gia 2023. Phút 90 + 2, xuất phát từ quả đá phạt góc của Viettel, bóng được đẩy ra và Xuân Kiên treo bóng vào vòng cấm để cầu thủ vào sân thay người Đức Chiến đánh đầu cực hiểm. Bóng chạm mép dưới xà ngang rồi bay vào lưới Topeland Bình Định, mở tỷ số cho trận đấu. Khoảng thời gian còn lại là không đủ để Topeland Bình Định có được bàn gỡ. Chiến thắng tối thiểu giúp Viettel FC giành quyền vào chơi trận chung kết.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 17/8 đưa tin:
Chiến thắng vang dội, CLB Hải Phòng mang về điểm số quan trọng cho bóng đá Việt Nam trên BXH châu Á
CLB Hải Phòng có chuyến làm khách trên sân của Hong Kong Rangers FC (Hong Kong, Trung Quốc). Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm rơi vào thế khó khi bị đối phương chọc thủng lưới ở phút 41. Nhưng nỗ lực vượt bậc đã giúp Hải Phòng lội ngược dòng thắng 4-1 để giành quyền đi tiếp. Chiến thắng không chỉ giúp đội bóng đất cảng lọt vào vòng sơ loại cuối cùng AFC Champions League mà còn mang về 0,600 điểm cho bóng đá Việt Nam trên BXH Sức cạnh tranh cấp CLB châu Á.
HLV Malaysia nhắc lại thất bại trước Việt Nam, ra tuyên bố đầy bất ngờ trước giải Đông Nam Á
HLV đội U23 Malaysia đã nhắc lại ký ức về thất bại ở SEA Games 32 trước khi bước vào giải đấu được dự báo đầy khó khăn tại giải U23 Đông Nam Á. HLV E. Elavarasan của U23 Malaysia vừa đưa ra những phát biểu đầy bất ngờ trước thềm giải U23 Đông Nam Á chuẩn bị khởi tranh tại Thái Lan. Trả lời hãng truyền thông New Straits Times, nhà cầm quân 61 tuổi đã nhắc lại về thất bại của đội U22 Malaysia trước U22 Việt Nam và Thái Lan ở vòng bảng SEA Games 32, đồng thời cho rằng đội bóng của ông không thể sớm nghĩ tới chức vô địch ngay cả khi có HLV nổi tiếng thế giới Jose Mourinho.
-Báo Văn Hóa ngày 17/8 đưa tin:
Sắp diễn ra Giải chạy Gia Lai City Trail 2023 "Giấc mơ đại ngàn"
Chiều 15.8, tại TP. Pleiku (Gia Lai), UBND TP. Pleiku phối hợp với UBND huyện Chư Păh và Công ty cổ phần VietRace365, Câu lạc bộ Gia Lai Marathon tổ chức họp báo công bố Giải chạy Gia Lai City Trail 2023 với chủ đề "Giấc mơ đại ngàn". Theo BTC, Giải chạy bộ "Gia Lai City trail 2023" với chủ đề "Giấc mơ đại ngàn" sẽ được tổ chức trong 2 ngày 18 – 19.11 với bốn cự ly: 42,195km, 25 km, 10 km và 5 km. Đường chạy các cự ly của giải sẽ là đường chạy hỗn hợp nhiều địa hình, kết hợp giữa chạy đường phố (road) và đường mòn, đồi dốc (trail) thuộc địa phận TP. Pleiku và huyện Chư Păh. Dự kiến giải sẽ thu hút khoảng 2.000 - 4.000 VĐV cả nước tham gia tranh tài.
Cờ tướng hướng đến Asiad 19: Phấn đấu tranh chấp HCV
Đội tuyển cờ tướng Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho Asiad 19 diễn ra vào tháng 9 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đây là giải đấu quan trọng hàng đầu của cờ tướng Việt Nam trong năm nay, đồng thời là sân chơi mà các kỳ thủ của chúng ta được kỳ vọng sẽ tranh chấp HCV. Các kỳ thủ Việt Nam vừa thi đấu xong và đạt thành tích khá ấn tượng tại 3 giải quốc tế gần nhất, đó là SEA Games 32, cúp Phương Trang và giải châu Á. Đó sẽ là khâu chuẩn bị quan trọng và là hàng trang cần thiết để các học trò của HLV Hoàng Đình Hồng hướng đến kỳ đại hội thể thao châu lục với quyết tâm cao, thi đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.
"Quả ngọt" trong công tác xã hội hoá TDTT tại Bình Dương
Bình Dương thời gian gần đây nổi lên như một thành phố mới với nhịp phát triển các hoạt đông công nghiệp vô cùng sôi động, cùng với đó các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) phục vụ đời sống xã hội cũng thu được những kết quả rất tích cực, trong những thành tựu ấy phải kể đến kết quả từ phong trào xã hội hóa TDTT tại Bình Dương. Sau thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 với 8 HCV, 12 HCB và 22 HCĐ xếp vị trí 21/65 tỉnh, thành, ngành tham dự, lãnh đạo UBND tỉnh và Ngành TDTT Bình Dương sớm xác định để phát huy thành tích này trong những năm tiếp theo, đặc biệt là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, ngoài việc dùng ngân sách của tỉnh đầu tư cho các hoạt động TDTT thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa TDTT tại tỉnh nhà. Từ đó, phát triển sâu rộng thể thao quần chúng làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.
-Báo điện tử VOV ngày 17/8 đưa tin:
Hôm nay 17/8, khởi tranh giải U23 Đông Nam Á 2023
Hôm nay 17/8, giải U23 Đông Nam Á 2023 sẽ khởi tranh với 2 cặp đấu U23 Campuchia - U23 Brunei và U23 Thái Lan - U23 Myanmar. Ở giải đấu này, U23 Việt Nam đang là đương kim vô địch còn U23 Thái Lan là đương kim á quân. Trong trận chung kết năm 2022, U23 Việt Nam đã thắng U23 Thái Lan 1-0 nhờ pha làm bàn của Trần Bảo Toàn.
Theo kế hoạch, giải U23 Đông Nam Á 2023 sẽ diễn ra từ ngày 17/8 đến 26/8 tại thành phố Rayong, Thái Lan. Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng ở mỗi bảng để chọn ra 3 đội nhất bảng và 1 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất đi tiếp. Hai đội thắng ở bán kết sẽ thi đấu chung kết tranh vô địch, hai đội thua ở bán kết gặp nhau trong trận tranh hạng Ba.
Chung kết Cúp Quốc gia 2023: Viettel FC và Thanh Hoá đứng trước cột mốc lịch sử
Viettel FC và Thanh Hoá đều đứng trước cơ hội giành chức vô địch đầu tiên trong lịch sử đội bóng, khi lọt vào chung kết Cúp Quốc gia 2023. Trận chung kết Cúp Quốc gia 2023 sẽ diễn ra lúc 18h00 ngày 20/8 trên sân vận động Thanh Hoá. Hai đội bóng Viettel FC và Thanh Hoá đều đang có cơ hội giành chức vô địch đầu tiên của họ tại giải đấu này. Viettel FC từng vào chung kết Cúp Quốc gia năm 2020 và thua Hà Nội FC 1-2. Nếu tính thêm cả thành tích của Thể Công trong quá khứ, thì họ cũng chưa từng vô địch mà có 3 lần về nhì vào các năm 1992, 2004 và 2009.
U23 Việt Nam bất ngờ thay đổi kế hoạch trước trận ra quân U23 Đông Nam Á 2023
U23 Việt Nam bất ngờ điều thay đổi hoạch trước trận ra quân U23 Đông Nam Á 2023 diễn ra trên đất Thái Lan. Theo kế hoạch, U23 Việt Nam sau khi ổn định nơi đóng quân sẽ có buổi tập vào chiều nay. Tuy nhiên, căn cứ vào sức khỏe của học trò, đồng thời các cầu thủ cũng vừa thi đấu ở trận giao hữu với U23 Bahrain nên HLV Hoàng Anh Tuấn đã thay đổi kế hoạch. Theo đó, U23 Việt Nam không ra sân tập mà ở khách sạn tập gym và hồi phục tại bể bơi. Điều này giúp các cầu thủ có thể hồi phục lại thể lực để bước vào những buổi tập kế tiếp.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 16/8 đưa tin: Cần "lên tiếng" trước các hành vi bạo lực gia đình cho biết: Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực tế là vấn nạn bạo lực gia đình vẫn diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho nạn nhân là thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người. Để có hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, rất cần phối hợp các cấp các ngành, để cùng phòng chống bạo lực gia đình, không coi đó là việc của riêng ai mà đó là việc chung của cả hệ thống. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể… cũng như của từng thành viên trong các gia đình, cộng đồng dân cư ở các địa phương, thời gian tới hy vọng có thể giảm bớt vấn nạn bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội giàu mạnh.