Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/4/2022

15/04/2022 | 15:35

Khai mạc Giải dù lượn đường trường Putaleng quốc tế mở rộng; Trưng bày, giới thiệu 1.000 cuốn sách trong Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022; 10 vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam rước đuốc tại SEA Games 31 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 15/4 đưa tin:

Trưng bày, giới thiệu 1.000 cuốn sách trong Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc" đã chính thức khai mạc sáng 15/4 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2022 gồm nhiều hoạt động trực tiếp, kết hợp livestream trực tuyến, hoạt động từ xa, phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và bạn đọc trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm

Ngày 15/4, tại xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm (1946) nhân kỷ niệm 76 năm Ngày diễn ra Trận Giồng Bốm (15/4/1946 - 15/4/2022). Địa điểm Trận Giồng Bốm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày diễn ra Trận Giồng Bốm (15/4/1946 – 15/4/2022), đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhất là các chức sắc, tín đồ Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo.

Tìm kiếm các sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả từ hoạt động văn hóa ở cơ sở

Sáng 14/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Cuộc thi "Sáng kiến, mô hình phổ biến giáp dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở". Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".

Phát hành bộ tem 'Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322)'

Ngày 14/4, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã phát hành bộ tem "Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322)" nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của Ông đối với nền sử học Việt Nam, đồng thời để tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến của danh nhân văn hóa Việt. Bộ tem gồm 1 mẫu, được thiết kế trên khổ 32 x 43 (mm). Nội dung tem là chân dung nhà sử học Lê Văn Hưu, được họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Với phương pháp đồ họa vẽ nét chì trên giấy ganh, chân dung nhà sử học được khắc họa giản dị trong tư thế đứng, trang phục áo dài, đầu đội khăn vấn, tay cầm bút lông.

Triển lãm tranh, ảnh 'Cực bắc Hà Giang và Biển đảo Việt Nam'

Trong hai ngày 13-14/4, tại trung tâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Huyện Đoàn Mèo Vạc phối hợp tổ chức triển lãm tranh, ảnh mang tên: "Cực bắc Hà Giang và Biển đảo Việt Nam". Triển lãm thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách.

-Báo Nhân Dân ngày 15/4 đưa tin:

"Ngày hội Sách - Phố sách sinh viên" diễn ra trong 3 ngày

Với nhiều hoạt động được tích hợp như Cuộc thi "Trang sách trẻ Thủ đô" lần thứ nhất, cuộc thi xếp sách nghệ thuật, minigame với giải thưởng là những đầu sách giá trị... "Ngày hội Sách - Phố sách Sinh viên" đã khai mạc ngày 15/4 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hoạt động điểm nhấn của chương trình là Cuộc thi "Trang sách trẻ Thủ đô" lần thứ nhất, năm 2022, do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan triển khai, nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Khởi động Cuộc thi ảnh thanh niên ASEAN "Đoàn kết vì lợi ích chung"

Nhận lời mời của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Campuchia, tới đây, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tuyển chọn 5 tác phẩm đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi ảnh thanh niên ASEAN. Với chủ đề "Đoàn kết vì lợi ích chung", Cuộc thi đặt mục tiêu cung cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN cơ hội chia sẻ nền văn hóa, tín ngưỡng và sự thống nhất thông qua các bức ảnh; khuyến khích, trao quyền để thanh niên ASEAN tài năng thúc đẩy bản sắc dân tộc, trách nhiệm xã hội; tăng cường nhận thức và các giá trị về ASEAN.

Kết nối các di sản thiên nhiên ở Ninh Thuận

Với sự kiện Vườn quốc gia Núi Chúa đón Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy trở thành Di tích quốc gia, Ninh Thuận giờ đây đã hình thành một mạng lưới di sản thiên nhiên rừng-biển với Hang Rái, công viên đá Mỹ Hòa, các bãi biển bãi biển Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình, đồi cát Nam Cương, đồi cát Mũi Dinh…, cùng nhiều di sản văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể khác.

Trao giải cuộc thi ảnh "Ninh Thuận - Miền Di sản"

26 tác phẩm ảnh bộ và ảnh đơn của cuộc thi ảnh "Ninh Thuận - Miền Di sản" đã được trao các giải thưởng nhất, nhì, ba và khuyến khích. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn từ 550 tác phầm của 118 tác giả dự thi. Cuộc thi do tạp chí Heritage (Vietnam Airlines) và Mekong One phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 8/3 đến ngày 10/4, với các chủ đề phong cảnh, kiến trúc, văn hóa di sản, tĩnh vật, chân dung, sinh họa đời thường…

Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận hơn 600 đơn vị hiện vật

Sáng 14/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp nhận hiện vật từ các tổ chức, người dân hiến tặng cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thời gian qua, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành khảo sát, sưu tầm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tổ chức 3 hội nghị tiếp nhận hiến tặng, với hàng nghìn tài liệu, hiện vật có giá trị được đóng góp, nhất là đã sưu tầm được hàng trăm tài liệu, hiện vật, kỷ vật chiến tranh

-Báo Hà Nội mới ngày 15/4 đưa tin:

Đề xuất tổ chức không gian đi bộ đêm tại khu vực hồ Ngọc Khánh

UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét và chấp thuận việc tổ chức Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh). Nếu được chấp thuận, quận sẽ sớm triển khai, đưa vào phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách.

Cửu đỉnh - bảo vật quốc gia

Gần 200 năm tồn tại, bộ Cửu đỉnh hầu như vẫn vẹn nguyên, ghi dấu ấn tuyệt tác điêu khắc của người xưa và thể hiện tư tưởng hòa bình, độc lập, thống nhất của vương triều Nguyễn. Cửu đỉnh là bộ 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại Kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Việc đúc Cửu đỉnh được bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi (1835) và hoàn thành đầu năm 1837. Đỉnh được coi là biểu tượng uy quyền của triều đình quân chủ, tượng trưng cho đế nghiệp muôn đời bền vững.

Họa sĩ Lê Thiết Cương ''phổ họa'' vào ''Truyện Kiều''

Họa sĩ Lê Thiết Cương đem đến một cái nhìn mới về "Truyện Kiều" qua cuốn sách "Truyện Kiều - Nguyễn Du/Lê Thiết Cương - 24 tranh" và trưng bày "Vẽ Kiều" tại Gallery Thăng Long (41 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Phần đầu giới thiệu 24 bức tranh được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ trên cảm hứng từ những câu Kiều, kèm theo dẫn giải của họa sĩ, để người đọc, người xem khám phá thêm vẻ đẹp của "Truyện Kiều".

Tổ chức diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn"

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2022 (đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm), sáng 14-4, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ đã phối hợp tổ chức diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn". Tại diễn đàn, việc phân tích hiện trạng và mục tiêu chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí có uy tín tại Việt Nam hiện nay được đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đó, nhiều tham luận được trình bày tại diễn dàn đã tập trung các chủ đề "nóng", như: "Chuyển đổi số báo chí", "Chuyển đổi số vì bạn đọc", "Giải pháp công nghệ phục vụ quản trị và phát triển nội dung dành cho báo điện tử", "Công nghệ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động báo chí như thế nào"…

Nhiều hoạt động hấp dẫn nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn được tổ chức trên cả nước nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (21-4-2022), trọng tâm là Hội sách tại thành phố Hồ Chí Minh và Hội sách trực tuyến quốc gia, nhằm tôn vinh sách và đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới. Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên trong cuộc họp báo Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức sáng 14-4, tại Hà Nội.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 15/4 đưa tin:

Nuôi dưỡng tình yêu sách và văn hóa đọc

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - 2022 diễn ra từ ngày 19 đến 24-4 tại đường Nguyễn Huệ, cùng nhiều nơi khác trên địa bàn TP HCM và TP Thủ Đức. Tại địa điểm trung tâm của TP HCM sẽ là không gian "Thành phố sách" - trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại; đặc biệt còn có không gian chuyển đổi số giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, sách 3D…

Học lịch sử Việt qua cải lương

Hiểu biết lịch sử nước nhà cũng là cách thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm với tổ tiên, với quốc gia. Sân khấu cải lương xã hội hóa (XHH) của NSƯT Vũ Luân đang chuẩn bị dàn dựng vở "Quang Trung hoàng đế". Theo NSƯT Vũ Luân, việc đầu tư vở tuồng mới có chủ đề sử Việt là trọng trách cao quý của người nghệ sĩ.

TP HCM: Ra mắt bộ sách dày hơn 2.300 trang về tổ chức mặt trận

Bộ sách về tổ chức mặt trận miền Nam Việt Nam là những trang hồi ký kháng chiến nóng bỏng tình cảm cách mạng của các nhân chứng sống đã từng nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử trên chiến trường từ mặt trận Bình Trị Thiên, Tây Nguyên đến những vùng đất thép ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Truyền hình Việt thiếu dòng phim "chữa lành"

Dòng phim "chữa lành" (healing) của Hàn Quốc chinh phục khán giả nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, song truyền hình nước ta lại thiếu vắng dòng phim này. Phim truyền hình "chữa lành" nở rộ ở Hàn Quốc và thông qua một số kênh phát hành lan tỏa đến nhiều nước. Các phim này hướng đến sự tươi sáng, tích cực, lan tỏa thông điệp nhân văn qua câu chuyện nhẹ nhàng, không nhiều cao trào, kịch tính nhưng thu hút nhờ sự gần gũi, đời thường.

Tưởng nhớ nhạc sĩ Phú Quang, Hồng Đăng trong đêm "Hà Nội phố"

Những giai điệu đẹp của nhạc sĩ Phú Quang, Hồng Đăng sẽ vang lên trong đêm "Hà Nội phố" như một cách những người yêu mến tưởng nhớ hai nhạc sĩ đã có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam. Những nhạc phẩm hay nhất về Hà Nội sẽ được giới thiệu với khán giả trong đêm "Hà Nội phố" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 21-4. Đêm nhạc cũng sẽ dành sự tôn vinh đặc biệt đối với những nhạc sĩ đã có đóng góp lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, kể cả những người đã đi xa.

Thiếu "biên kịch vàng" cho điện ảnh, truyền hình Việt

Kịch bản là khâu quan trọng để góp phần tạo ra tác phẩm điện ảnh, truyền hình có chất lượng nhưng bao lâu nay người biên kịch ở nước ta vẫn chưa có được thù lao và vị thế tương xứng như các biên kịch tại các nước trong khu vực. Đây được cho là nguyên nhân khiến điện ảnh, truyền hình Việt chưa có được những kịch bản đột phá, sáng tạo với đội ngũ "biên kịch vàng" gắn liền các tác phẩm chinh phục khán giả.

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Nhân Dân, TTXVN và nhiều báo khác ngày 15/4 đưa tin: "Khai mạc Giải dù lượn đường trường Putaleng quốc tế mở rộng" cho biết: Nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022 với chủ đề "Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ", tại bản Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường, UBND tỉnh Lai Châu đã khai mạc Giải dù lượn đường trường Putaleng quốc tế mở rộng lần thứ 3. Giải dù lượn năm nay quy tụ 100 phi công trong đó 3 phi công nước ngoài đến từ Anh và Singapore với 2 nội dung thi đấu: đường trường và hạ cánh chính xác. Điểm xuất phát tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), điểm hạ cánh tại sân vận động thị trấn Tam Đường.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/4/2022 - Ảnh 1.

Giải dù lượn lần này thu hút hơn 100 vận động viên tham gia trong đó có cả các vận động viên quốc tế - Ảnh: báo Nhân Dân

Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Quốc tế mở rộng lần thứ III diễn ra trong 3 ngày (14-16/4). Giải được tổ chức là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Lai Châu tới mọi du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần mời gọi các nhà đầu tư, xây dựng Lai Châu trở thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn, từ đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của Lai Châu.

- TTXVN ngày 15/4 đưa tin:

Bình Dương: Kết nối phục hồi du lịch nội địa

Góp phần chung sức phát triển du lịch Việt Nam, vượt qua khó khăn để phục hồi ngành du lịch trong tình hình mới, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chương trình kết nối, phục hồi du lịch nội địa, phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn; đồng thời tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm thu hút du khách đến tỉnh.

Đẩy mạnh liên kết hợp tác, kích cầu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đẩy mạnh liên kết hợp tác, kích cầu du lịch nội địa là những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ 2022-2027 đưa ra tại Đại hội lần thứ IV, tổ chức ngày 14/4, tại Cần Thơ. Hiệp hội sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa để thu hút khách đến Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện bình thường mới, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh: Cập nhật quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành Du lịch

Ngày 14/4, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức cập nhật quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Để sẵn sàng chuẩn bị và đảm bảo nguồn nhân lực, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chuỗi hoạt động tăng cường, cập nhật kiến thức nghiệp vụ cho các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Hầu hết các cơ sở lưu trú trên đảo Phú Quốc hết phòng nghỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, đảo Phú Quốc cơ bản khôi phục hoạt động du lịch trở lại bình thường. Hiện lượng khách du lịch đến Phú Quốc là hơn 1.000 người/ngày và đang tiếp tục tăng, đặc biệt là khách quốc tế khá đông. Hầu hết các cơ sở lưu trú trên đảo đều được đặt hết phòng nghỉ trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Từ nay đến dịp nghỉ lễ, các tuyến bay đến Phú Quốc từ 90 chuyến/ngày trở lên và ngược lại.

-Báo Hà Nội mới ngày 15/4 đưa tin:

Liên kết du lịch: Thêm sản phẩm, bền vững hơn

Kể từ khi Chính phủ cho phép hoạt động du lịch mở cửa trở lại từ ngày 15-3, đồng thời hướng tới các sự kiện lớn chuẩn bị diễn ra tại Thủ đô, trong đó có Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), ngành Du lịch Hà Nội đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh việc chuẩn bị nhiều sản phẩm "độc, lạ", Hà Nội còn tăng cường liên kết với nhiều tỉnh, thành phố để tạo thêm những tour, tuyến du lịch mới, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn mang tính bền vững.

Hà Nội và Kon Tum phối hợp tập huấn quản lý du lịch

Sáng 14-4, Sở Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức lớp tập huấn kiến thức quản lý nhà nước về du lịch năm 2022 tại thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum, với sự tham gia của gần 50 cán bộ, chuyên viên văn hóa, du lịch của các quận, huyện, thị xã của Hà Nội và tỉnh Kon Tum.

-Báo Nhân Dân ngày 15/4 đưa tin:

Để du lịch "Đất chín rồng" cất cánh

Ðồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn bậc nhất nước, mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và ngoài nước. Thế nhưng du lịch nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong khi tiềm năng khai thác rất lớn. Ðể du lịch "Ðất chín rồng" tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch tránh bị trùng lặp, ngay sau khi kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng triển khai các chương trình xúc tiến phát triển du lịch để từng bước khẳng định vị trí quan trọng của vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Việt Nam là thị trường quan trọng của du lịch Singapore

Tổng cục Du lịch Singapore (STB) vừa tổ chức sự kiện tái khởi động du lịch nhằm giới thiệu cập nhật chương trình SingapoReimagine (tạm dịch: Hình dung lại những trải nghiệm du lịch tại Singapore), cũng như các quy định nhập cảnh đến Singapore và giới thiệu địa điểm vui chơi cho du khách Việt Nam. Theo mô hình du lịch mới triển khai, du khách đến Singapore không cần thực hiện xét nghiệm khi nhập cảnh. Người đã tiêm chủng đầy đủ và trẻ em dưới 12 tuổi được nhập cảnh khi xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 được thực hiện trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành.

Kích thích du lịch hè, Hy Lạp dỡ bỏ nhiều quy định phòng dịch

Nhằm thu hút du khách trong mùa du lịch hè sắp đến, Chính phủ Hy Lạp, ngày 13/4, thông báo sẽ dỡ bỏ các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang trong nhà, chứng nhận Covid-19 và cân nhắc tái áp dụng các quy định vào tháng 9. Bộ trưởng Y tế Thanos Plevris cho biết, quyết định nới lỏng các hạn chế là "dựa trên dữ liệu dịch tễ học và đề xuất từ các chuyên gia".

- Báo điện tử VOV ngày 15/4 đưa tin:

Du lịch Quảng Nam sau đại dịch có gì hấp dẫn?

Ngay sau Lễ khai mạc "Năm Du lịch quốc gia 2022", tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch độc, lạ, tạo sức hút mạnh mẽ để thu hút du khách bốn phương. Đẩy mạnh phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Quảng Nam đang chủ động mở rộng không gian du lịch ở khu vực miền núi phía Tây và khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Ngay sau Lễ khai mạc "Năm Du lịch quốc gia 2022", tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch độc, lạ, tạo sức hút mạnh mẽ để thu hút du khách bốn phương.

Thái Nguyên đưa ra nhiều sản phẩm mới lạ đón du khách trở lại

Thái Nguyên chính thức khởi động lại hoạt động du lịch trên địa bàn và chào đón du khách với những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn. Tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức sự kiện mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và ra mắt sản phẩm du lịch giáo dục "Trải nghiệm về nguồn - ATK Thủ đô gió ngàn". Ngay sau mở cửa là chuỗi các hoạt động để kích cầu du lịch và chào đón du khách trở lại Thái Nguyên, tiêu biểu là quảng bá du lịch Thái Nguyên tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch Việt Bắc (từ ngày 15 – 17/4), và chương trình Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên 2022 (ngày 23 – 24/4).

Những tín hiệu vui trong khôi phục du lịch ở Yên Bái

Những ngày đầu tháng 4, ghi nhận tại một số khu du lịch, nghỉ dưỡng ở Yên Bái khá nhiều nơi kín khách đặt phòng, báo hiệu sự phục hồi của du lịch địa phương sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Sau khi du lịch được mở cửa hoàn toàn, tâm lý nhiều người dân mong muốn là tìm về những điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hay du lịch mạo hiểm để xả hơi, sau một thời gian dài bị kìm nén do dịch bệnh. Đây lại là những thế mạnh của du lịch Yên Bái.

Du lịch Quảng Bình thích ứng theo hướng tăng trưởng xanh

Khách du lịch có xu hướng gia tăng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe... Quảng Bình cần chuyển đổi số trong phát triển du lịch, trong đó đáng lưu ý là vấn đề du lịch thích ứng theo hướng tăng trưởng xanh. 3 tháng đầu năm nay, tỉnh Quảng Bình đón hơn 145.000 lượt khách du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 812 tỷ đồng. Riêng trong tháng 1 và tháng 2, lượng khách du lịch đến với Quảng Bình có xu hướng tăng so với năm 2021. Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong năm 2022.

Hàn Quốc dỡ bỏ cảnh báo "chú ý đặc biệt về du lịch", dần thu hút khách

Hôm 14/4, ngày đầu tiên Hàn Quốc thực hiện việc dỡ bỏ cảnh báo "chú ý đặc biệt về du lịch" áp dụng với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới sau hai năm. Theo đó, Hàn Quốc chuyển sang áp dụng hệ thống cảnh báo du lịch theo từng quốc gia và vùng lãnh thổ như trước. Có 22 quốc gia như Singapore, Canada, Australia, Hà Lan... được hạ cảnh báo du lịch xuống mức 1 "chú ý khi du lịch", 129 quốc gia được hạ cảnh báo xuống mức 2 (hạn chế du lịch) như Anh, Đức, Pháp.

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 15/4 đưa tin:

SEA Games 31: Quảng Ninh tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Trong tháng 5 tới, tại Quảng Ninh, 7 môn thi đấu tại Đại hội thể thao Đông Nam Á- SEA Games 31 và nhiều sự kiện văn hóa du lịch thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế sẽ diễn ra. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông được tỉnh Quảng Ninh chú trọng để các sự kiện diễn ra thành công.

SEA Games 31: Chuẩn bị tốt công tác tổ chức thi đấu môn quần vợt

Ngày 14/4, tại thành phố Từ Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh triển khai công tác tổ chức thi đấu môn quần vợt trong khuôn khổ SEA Games 31. Nhằm phục vụ thi đấu môn quần vợt tại Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka đã thi công Nhà thi đấu có mái che quy mô gần 2.000 chỗ ngồi với hệ thống mái che tự động và đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; thi công cụm 6 sân ngoài trời được kết nối liên hoàn với sức chứa từ 200 - 400 ghế ngồi mỗi sân. Đến nay, tất cả các sân đã hoàn thiện, đảm bảo cho việc tổ chức thi đấu.

Hà Nội: Chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ SEA Games 31

Theo kế hoạch, từ ngày 12 - 23/5, tại Hà Nội và các địa phương lân cận sẽ diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Để đảm bảo cho sự kiện quan trọng này, Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn từ sớm, từ xa, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để xảy ra sai sót dù nhỏ nhất...

-Báo Hà Nội mới ngày 15/4 đưa tin:

Bảo đảm tổ chức thành công môn vật tại SEA Games 31

Nhà thi đấu Gia Lâm (huyện Gia Lâm) được chọn là địa điểm tổ chức môn đấu vật của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Hà Nội. Hiện tại, huyện Gia Lâm đã hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và lễ tân, khánh tiết, sẵn sàng phục vụ Đại hội. Với sức chứa 2.500 chỗ ngồi, nhà thi đấu Gia Lâm là một trong những địa điểm được đánh giá có cơ sở vật chất khá khang trang, hiện đại. Đây cũng là địa điểm từng được lựa chọn để tổ chức nhiều giải bóng chuyền quốc gia và quốc tế,

Công bố lịch thi đấu chính thức môn bóng đá tại SEA Games 31

Tại SEA Games 31, các trận đấu của đội tuyển nam U23 Việt Nam cũng như đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đều diễn ra vào khung giờ đẹp tại vòng bảng. Cụ thể, đối với môn bóng đá nam, tại vòng bảng, U23 Việt Nam sẽ ra quân trận đầu gặp U23 Indonesia vào lúc 19h ngày 6-5. Tiếp đó, đội chủ nhà Việt Nam gặp các đối thủ Philippines (lúc 19h ngày 8-5); Myanmar (lúc 19h ngày 13-5) và Timor Leste (lúc 19h ngày 15-5).

Các trận đấu đều diễn ra trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ). Lễ trao giải diễn ra ngày 22-5.

-Báo Nhân Dân ngày 15/4 đưa tin:

10 vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam rước đuốc tại SEA Games 31

10 vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam từng giành huy chương tại Olympic, ASIAD và SEA Games sẽ thực hiện nghi thức rước đuốc tại lễ khai mạc SEA Games 31. Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 12/5 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Buổi lễ dự kiến kết thúc vào lúc 22 giờ với 3 chương, gồm: Việt Nam thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ và Đông Nam Á tỏa sáng.

Đội tuyển nữ U18 Việt Nam hứng khởi trong ngày tập đầu tiên

Ngày 14/4, đội tuyển nữ U18 Việt Nam bắt đầu buổi tập đầu tiên trong giai đoạn tập trung tập huấn, chuẩn bị cho Giải bóng đá vô địch U18 nữ Đông Nam Á 2022. Trong danh sách các cầu thủ tập trung lần này, bên cạnh các cầu thủ U18 được lựa chọn từ các câu lạc bộ và địa phương, Ban Huấn luyện cũng quyết định bổ sung thêm 8 cầu thủ thuộc đội Dự tuyển U17 nữ trẻ quốc gia.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 15/4 đưa tin:

Khán giả háo hức chờ AFC Champions League

Bất chấp phong độ không tốt của CLB HAGL ở sân chơi quốc nội, khán giả vẫn xếp hàng dài ở sân Thống Nhất (TP HCM) vào sáng 14-4 để chờ mua vé xem thầy trò HLV Kiatisuk đối đầu Yokohama F Marinos lúc 18 giờ ngày 16-4. Chỉ chưa đầy 1 giờ, toàn bộ 1.000 vé khán đài A2-A3 đã được thông báo bán hết, nhiều khán giả phải tìm mua vé khán đài B, C và D.

Tuyển nữ quyết đoạt HCV SEA Games 31

Đội tuyển nữ Việt Nam đã gây bất ngờ khi đánh bại đội tuyển nữ Hàn Quốc trong trận đấu giao hữu ngày 12-4. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá nữ Việt Nam giành chiến thắng trước đương kim á quân châu Á. Kết quả của một trận đấu giao hữu chưa thể đánh giá đúng thực lực của 2 đội nhưng việc tuyển nữ Việt Nam bất ngờ giành chiến thắng trước đội tuyển nữ Hàn Quốc trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho SEA Games 31 cho thấy sự tiến bộ về năng lực chuyên môn của thầy trò HLV Mai Đức Chung.

Lý Hoàng Nam đánh bại tay vợt 25 tuổi người Mỹ

Được phân loại hạt giống số 3 tại Giải M15 Chiang Rai (Thái Lan) 2022, Lý Hoàng Nam giành chiến thắng ấn tượng trước đối thủ 25 tuổi người Mỹ Colin Markes. Lý Hoàng Nam chiến thắng đối thủ Colin Markes ở vòng 2 với tỉ số 6-4, 6-3 hôm 14-4. Hoàng Nam đang sở hữu 5 danh hiệu vô địch các giải đấu nhà nghề và thứ hạng của anh sẽ tiếp tục được cải thiện nếu vô địch Giải M15 Chiang Rai 2022.

Cúp Truyền hình TP HCM 2022: "Thương binh" Tấn Hoài thắng chặng, Áo xanh đổi chủ

Dù phải khâu hơn 10 mũi và gãy 1 chiếc răng sau cú té ngã ở Hà Nội song Nguyễn Tấn Hoài tiếp tục khẳng định mình khi về nhất chặng TP Vinh - Phong Nha dài 206 km sáng 14-4. Trong khi đó, Trần Tuấn Kiệt với thành tích hạng 4 của chặng đã tạm thời đoạt chiếc Áo xanh.

Bóng chuyền nam chọn bảng của Indonesia

Được quyền lựa chọn các đối thủ ở vòng bảng với tư cách chủ nhà, tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã quyết định sẽ đối đầu sớm với ĐKVĐ Indonesia, đồng thời tăng cường mức độ cọ xát ở bảng đấu có đến 4 đội. Đây là chủ trương của HLV trưởng Li Huan-ning thay vì cho phép các học trò của mình nhàn nhã hơn ở bảng đấu còn lại chỉ 3 đội, lại chắc chắn có sự hiện diện của đương kim á quân Philippines cùng cựu vô địch Thái Lan.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 15/4 đưa tin: "Ngày hội Gia đình tiêu biểu tỉnh Kiên Giang sẽ diễn ra trong tháng 6" cho biết: Ngày hội Gia đình tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần thứ II diễn ra từ ngày 24 đến 26.6 tại huyện Vĩnh Thuận. Đây là hoạt động do Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh tổ chức nhằm hưởng ứng kỷ niệm 21 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001-28.6.2022) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Ngày hội Gia đình tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần thứ II là sự kiện văn hóa - gia đình tiêu biểu của tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò trong việc xây dựng gia đình Việt Nam; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, hướng đến "Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình".

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×