Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 13/1/2023

13/01/2023 | 15:16

Trận chung kết lượt đi giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ diễn ra trên sân Mỹ Đình lúc 19 giờ 30 phút tối nay (13/1); Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, Gia Lai khai mạc Hội báo Xuân Quý Mão 2023; Sớm thống nhất giải pháp khi đón khách Trung Quốc là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-Báo Nhân Dân ngày 13/1 đưa tin:

Ứng dụng công nghệ số bảo tồn trang phục truyền thống

Cuộc sống hiện đại và sự du nhập, giao thoa văn hóa đang làm mai một và biến đổi các yếu tố văn hóa bản địa mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ số 4.0 là giải pháp hiệu quả trong bảo tồn giá trị và bản sắc trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. Thực tế, cần nhìn nhận sự phát triển của công nghệ thông tin là cơ hội và phương tiện để bảo tồn và lưu giữ di sản văn hóa hiệu quả, dùng làm tư liệu phục chế và phổ biến, quảng bá giá trị di sản khi cần đến.

Khánh Hòa khai mạc Hội Báo Xuân Quý Mão-2023

Chiều 12/1, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa khai mạc Hội Báo Xuân Quý Mão năm 2023. Hội Báo Xuân Khánh Hòa năm nay thu hút sự tham gia của hơn 200 đầu báo và gần 2.300 ấn phẩm báo chí xuất bản của tỉnh Khánh Hòa và của cả nước trong dịp Tết. Bên cạnh việc trưng bày các ấn phẩm báo Xuân, Hội Báo Xuân tiếp tục trưng bày các tài liệu về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhằm đưa Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đến với sâu rộng quần chúng nhân dân.

Khai mạc Hội báo Xuân Quý Mão - Hà Nội năm 2023

Sáng 12/1, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Quý Mão - Hà Nội 2023 và trao Giải báo chí Ngô Tất Tố năm 2022. Tham gia Hội báo năm nay có các gian trưng bày báo Xuân của 18 cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành và các cơ quan báo, tạp chí, bản tin của thành phố Hà Nội. Với thiết kế trang bìa đẹp, bắt mắt, cách trình bày ấn tượng và nội dung phong phú, các ấn phẩm báo Xuân phản ánh đậm nét, sinh động những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật của đất nước cũng như của Thủ đô trong năm vừa qua…

- Báo Hà Nội mới ngày 13/1 đưa tin:

Lễ hội xuân 2023: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu du xuân, trẩy hội của nhân dân

Chiều 12-1, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc họp triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội xuân 2023. Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã; ban quản lý di tích có lễ hội đầu xuân, nhất là những lễ hội trọng điểm đã báo cáo kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn; tiến độ triển khai các nhiệm vụ cũng như phương án dự phòng…, hạn chế tối đa những nguy cơ, phát sinh, làm ảnh hưởng đến nhu cầu du xuân, thưởng Tết của người dân và giá trị lễ hội.

Nhiều hoạt động văn hóa dịp Tết Nguyên đán phục vụ nhân dân

Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng, mừng xuân mới 2023, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trang trí, cổ động trực quan nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân Thủ đô. Theo đó, công tác tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn thành phố đã được triển khai đồng bộ. Các điểm di tích trọng điểm trên địa bàn như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn… mở cửa xuyên Tết Nguyên đán, phục vụ nhu cầu du xuân, tham quan của nhân dân và du khách.

Phố sách Xuân Quý Mão 2023 sẽ mở từ ngày 25 tháng Chạp

Với chủ đề "Ươm mầm tri thức - Nảy lộc sắc xuân", Phố sách Xuân Quý Mão 2023 sẽ mở từ ngày 16-1 đến ngày 29-1 (tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm). Đây là năm thứ hai, Phố sách Xuân được tổ chức xuyên Tết nhằm thêm nhiều thời gian cho độc giả, người dân và du khách tham quan, trải nghiệm không gian tri thức này.

-Báo Tin tức ngày 13/1 đưa tin:

Gia Lai: Khai mạc Hội Báo Xuân Quý Mão 2023

Ngày 13/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ khai mạc Hội Báo Xuân Quý Mão 2023.Hội Báo xuân đã giới thiệu đến công chúng trên 900 ấn phẩm với nhiều kích cỡ, nhiều bài viết hội tụ đầy đủ các gam màu ấn tượng về bức tranh tổng thể kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng… của đất nước trong năm qua.

Ra mắt sách nghiên cứu về lịch sử sân khấu cải lương

Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức ra mắt quyển sách "Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975". Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, cuốn sách là công trình nghiên cứu, tập hợp nhiều tài liệu lịch sử về sân khấu Cải lương ở Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975, góp phần hoàn chỉnh tiến trình lịch sử, hệ thống lý luận học thuật về sân khấu Cải lương.

Sân khấu TP Hồ Chí Minh vào mùa kịch Tết Quý Mão 2023

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2023, thời điểm này, nhiều sân khấu tại TP Hồ Chí Minh đang tất bật chuẩn bị các vở diễn có nội dung phong phú, hấp dẫn, nhằm mang đến cho công chúng những sản phẩm văn hóa, giải trí hữu ích vào dịp Tết. Bên cạnh các vở diễn đã quen thuộc ở những mùa Tết trước, các sân khấu kịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động thay đổi, đưa ra nhiều vở diễn mới, mang yếu tố bất ngờ. Đa số các sân khấu đều chọn ngày mùng 1 Tết là ngày để mở màn cho các suất diễn.

Phát huy giá trị các lễ hội ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nằm ở phía Nam đất nước, trải qua quá trình hình thành và phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có kho tàng lễ hội phong phú, thể hiện đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên vùng đồng bằng châu thổ. Coi trọng bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương, trong đó có các lễ hội, coi đây là nguồn lực quý góp phần phát triển kinh tế - xã hội với quan điểm phát triển kinh tế gắn kết với phát triển văn hóa là định hướng đã và đang được các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 13/1 đưa tin:

Ngày thơ Việt Nam 2023: Lan tỏa thơ ca đến khán giả bằng mọi cách thức, cung bậc

Sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung, vào dịp Tết Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, từ ngày 4-5/2 (tức ngày 14 và Rằm tháng Giêng), Ngày thơ Việt Nam sẽ trở lại với nhiều sự kiện và cách làm mới mẻ hơn trước. Đây là thông tin được Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cung cấp tại họp báo nhân Ngày thơ Việt Nam diễn ra sáng 12/1 tại Hà Nội.

Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng

Tối 11/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam đã tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai công tác năm 2023 và công bố tổ chức Liên hoan phim (LHP) châu Á - Đà Nẵng. LHP do UBND TP Đà Nẵng bảo trợ và chỉ đạo, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng thực hiện từ ngày 9 – 13/5/ 2023. Đây là hoạt động chủ động hội nhập quốc tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời đưa Luật Điện ảnh sửa đổi vào thực tế, cụ thể là quy định mới tại Điều 38 của Luật Điện ảnh về tổ chức LHP.

Trăm năm Nguyễn Tư Nghiêm: Tôn vinh sự nghiệp hội họa của một họa sĩ tài năng

Chiều ngày 11/1, triển lãm "Trăm năm Nguyễn Tư Nghiêm" đã diễn ra tại Ngàn Phố Gallery. Đây cũng là triển lãm lần thứ tư về danh họa nổi tiếng này. Nguyễn Tư Nghiêm (sinh năm 1922, trong một số tư liệu có nói ông sinh năm 1918) là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở Nam Đàn (Nghệ An). Ông là nhân vật cuối cùng của bộ tứ họa sĩ huyền thoại Việt Nam 'Phái - Sáng - Liên – Nghiêm' (Bùi Xuân Phái - Nguyễn Sáng - Dương Bích Liên - Nguyễn Tư Nghiêm), ông qua đời ngày 15/6/2016.

- Báo Văn Hóa ngày 13/1 đưa tin:

Thư viện Kiên Giang trưng bày và giới thiệu sách tại lễ hội chị Sứ

Nằm trong chuỗi các sự kiện của lễ hội kỷ niệm 61 năm ngày hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Thị Ràng (chị Sứ), Thư viện tỉnh Kiên Giang tổ chức trưng bày và giới thiệu sách, đã thu hút trên 1.200 lượt bạn đọc đến tham quan và đọc sách. Với mục đích nhằm phục vụ nhân dân địa phương và khách tham quan về việc đọc sách và tìm hiểu kiến thức, kỹ năng, lịch sử, văn hóa qua sách. Tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh tới tham quan, đọc sách tại gian trưng bày. Từ đó lan tỏa được giá trị của sách đối với cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Thư viện tỉnh Kiên Giang đã mang tới hơn 5.000 bản sách và được trưng bày theo chủ đề, gồm: Địa chí Kiên Giang, Lịch sử Việt Nam, sách viết về Bác Hồ, sách kỹ năng, sách văn học, sách biển đảo và sách thiếu nhi.

Người trẻ nặng lòng với cổ vật

Khi nhiều nhà sưu tập cổ vật đang rất lo lắng vì không tìm được "truyền nhân", thì thời gian gần đây, độ tuổi các nhà sưu tập đã dần được trẻ hóa. Như trong chuyên đề trưng bày "Thanh ngoạn" tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM mới đây nhất, bốn nhà sưu tập trẻ lần đầu tiên ra mắt giới thiệu đến công chúng ngỡ ngàng với những hiện vật tiêu biểu mà họ đang sở hữu. Có thể thấy, chính họ là những người góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ những giá trị di sản của tiền nhân để lại.

Chương trình "Cùng bạn đọc sách" hưởng ứng "Xuân đoàn kết - Tết biên cương"

Đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn, chương trình Cùng bạn đọc sách đã tham gia chương trình Xuân đoàn kết - Tết biên cương tại xã Tân Minh (huyện tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Theo đó, chương trình đã trao tặng hơn 600 cuốn sách cho bộ đội biên phòng, phụ nữ 2 xã vùng biên. Những cuốn sách cùng hàng trăm chiếc áo, mũ từ chương trình đã góp phần làm phong phú thêm phiên chợ "0 đồng" cho đồng bào DTTS miền biên giới; giúp bà con có thêm đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần.

2.Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN ngày 13/1 đưa tin:

Triển vọng mới cho du lịch vùng đất Tổ

Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm, xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao để kích cầu… là nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh triển khai để đưa hoạt động du lịch tăng trưởng trở lại, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh và bền vững.

Sớm thống nhất giải pháp khi đón khách Trung Quốc

Theo Tổng cục Du lịch, từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc cho phép mở lại các hoạt động du lịch. Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng trên thế giới. Để khai thác thị trường này trong thời gian tới đòi hỏi Việt Nam có những giải pháp thống nhất để hạn chế tồn tại trước đây, mang lại hiệu quả kinh tế hơn.

Du lịch nội địa trong bối cảnh mới : Nhiều cơ hội phát triển ổn định, bền vững

Năm 2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt được kết quả vượt xa tất cả các dự báo với 101,3 triệu lượt khách. Lượng khách tăng hơn 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, đồng thời vượt mốc 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch). Sự tăng trưởng thần kỳ của du lịch nội địa sau dịch COVID-19 là một điểm sáng, khẳng định vai trò của thị trường này trong sự phát triển chung khi du lịch quốc tế còn nhiều khó khăn. Qua đó có thể thấy ngành du lịch cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường này, phát triển đồng đều cả 2 chân - du lịch nội địa và du lịch quốc tế.

-Báo Văn Hóa ngày 13/1 đưa tin:

Quảng Ngãi: Lấy du lịch biển đảo và văn hóa lịch sử làm sản phẩm chủ đạo để thu hút du khách

Chiều 12.1, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và gặp mặt doanh nghiệp du lịch Quảng Ngãi. Tại Hội nghị, ông Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, năm 2022 trong điều kiện bình thường mới ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã nhanh chóng thích ứng, an toàn, hiệu quả… có sự chuẩn bị tốt từ chủ trương của ngành đến công tác triển khai cụ thể của địa phương của doanh nghiệp, đem lại niềm tin cho khách du lịch. Nắm bắt được thái độ và hành vi ứng xử của du khách sau dịch nhiều hãng lữ hành đã sáng tạo đưa ra những sản phẩm độc đáo hấp dẫn cho từng phân khúc thị trường và đã đạt được thành công đáng kể.

TP.HCM: Thêm hàng loạt sản phẩm du lịch mới dịp xuân Quý Mão

Dịp Tết cổ truyền này, người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động vui xuân, đón Tết Quý Mão 2023 đầy ý nghĩa, đậm chất Nam Bộ tại TP.HCM. Từ đầu năm 2023, TP.HCM đã tổ chức đa dạng các hoạt động vui chơi, tham quan và thiết kế nhiều địa điểm, chương trình đặc biệt để đón du khách. Tiêu biểu có thể kể đến: Tham quan, trải nghiệm gắn với chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng"; Chương trình vui chơi, giải trí tại các điểm đến du lịch như: Công viên Văn hóa Suối Tiên, Bảo tàng Áo dài; Thêm nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi của nhà hàng khách sạn…

-Báo điện tử VOV ngày 13/1 đưa tin:

Quốc gia nào đón lượng khách quốc tế lớn nhất?

Theo GlobalData, từ năm 2022 đến năm 2025, Pháp sẽ tiếp tục là quốc gia đứng đầu thế giới về lượng khách quốc tế đến. Trước đại dịch Covid-19, Pháp là quốc gia được ghé thăm nhiều nhất thế giới với 88,1 triệu du khách vào năm 2019. Bị Tây Ban Nha "soán ngôi" vào năm 2021, tuy nhiên Pháp đã lấy lại vị trí dẫn đầu thế giới năm 2022 với 66,6 triệu lượt khách quốc tế. Ước tính lượng khách quốc tế đến Pháp sẽ tăng khoảng 12,1% mỗi năm, GlobalData cho rằng Pháp sẽ thu hút 93,7 triệu du khách quốc tế vào năm 2025 và tiếp tục đứng đầu thế giới về lượng khách.

Phố đi bộ Hà Nội, nở rộ nhưng không đồng đều

Thước đo quan trọng nhất để phố đi bộ thành công là nhu cầu của công chúng. Việc đáp ứng nguyện vọng của người dân sẽ giúp phố đi bộ hoạt động hợp lý và khả thi. Vậy những phố đi bộ ở Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu của người dân như thế nào? Nếu lấy tiêu chí đông người tham gia, thì phố đi bộ quanh hồ Gươm đã đạt được kỳ vọng. Nhiều lúc phố đi bộ Hồ Gươm như hội chợ, hoặc trở thành sân khấu ca nhạc hấp dẫn. Người dân đến đây có thể vui chơi ở nhiều địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như Nhà hát Lớn, tháp Rùa, cầu Thê Húc, đến được phố cổ, la cà quán xá, thưởng thức những món đặc sản thủ đô.

"Yêu cầu xét nghiệm với khách Trung Quốc sẽ kéo lùi du lịch thế giới"

Người đứng đầu Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) phản đối mạnh mẽ việc áp dụng các hạn chế và biện pháp kiểm dịch với khách du lịch quốc tế từ Trung Quốc. Trong một tuyên bố phản ứng việc một số quốc gia áp dụng hạn chế đi lại với du khách từ Trung Quốc, bà Julia Simpson – Chủ tịch & Giám đốc điều hành WTTC lo ngại đây có thể là "bước thụt lùi" với ngành du lịch và lữ hành toàn cầu.

-Báo Vietnamplus ngày 12/1 đưa tin:

TP.HCM: Phát huy lợi thế hội tụ ẩm thực để gia tăng giá trị du lịch

TP Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều nhà hàng 4-5 sao, đồng thời đã quy hoạch 22 tuyến phố ẩm thực, đây là động lực phát triển, phục vụ đa dạng ẩm thực từ trung đến cao cấp cho đối tượng là khách quốc tế. Diễn đàn Ẩm thực Việt Nam 2023 với chủ đề "Kinh tế Đêm và Ẩm thực phát triển," được Ban Tổ chức kỳ vọng là "nhịp cầu" kết nối cộng đồng ngành F&B (loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống), doanh nghiệp "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo," nhượng quyền thương hiệu..., mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển thương hiệu Việt ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Tạo dấu ấn khác biệt cho Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ đạt chất lượng, có nhiều dấu ấn khác biệt so với những lần tổ chức trước. Tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm và khám phá sản phẩm du lịch mới, biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam Săn" phục vụ du khách. So với Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có ba hoạt động mới: Lễ hội ánh sáng, Cuộc thi video clip giới thiệu về càphê Buôn Ma Thuột, biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam Săn."

Hà Nội chuẩn bị cho một mùa lễ hội giàu bản sắc và lành mạnh

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm các lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội tưng bừng khai hội. Sau nhiều năm gián đoạn bởi dịch COVID-19, năm nay hứa hẹn diễn ra một mùa lễ hội đông vui, nhộn nhịp. Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa. Ngành Văn hóa Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố nhằm quản lý tốt hơn hoạt động của lễ hội.

3.Lĩnh vực Thể thao

-Báo Nhân Dân, TTXVN và nhiều báo khác ngày 13/1 đưa tin: "Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2022: Việt Nam quyết thắng để giành lợi thế" cho biết: Tối nay (13/1), hai đội tuyển là Việt Nam và Thái Lan bước vào trận chung kết lượt đi trên sân Mỹ Đình. Đây là hai đội bóng mạnh nhất của khu vực, xếp thứ nhất, nhì khu vực theo bảng xếp hạng FIFA. Cả hai đội đều xuất sắc vượt qua các trận đấu tại giải, cùng ghi nhiều bàn thắng nhất. Trong khi Thái Lan để thủng lưới ba bàn thì Việt Nam chưa để thua bàn nào. Chính vì vậy, trận chung kết hứa hẹn sẽ hấp dẫn và kịch tính, xứng đáng là cuộc đối đầu đỉnh cao của bóng đá khu vực. Việc hai đội tuyển Việt Nam và Thái Lan giành quyền vào chơi trận chung kết AFF Cup 2022 là điều được đông đảo người hâm mộ mong đợi. Lịch sử đối đầu trong nhiều năm qua cho thấy ưu thế thuộc về Thái Lan, nhưng điều đó không còn nhiều ý nghĩa bởi "các chiến binh Sao vàng" đang có những cá nhân cầu thủ thi đấu tốt, cùng với lịch sử đối đầu thuận lợi khi gặp nhau trong những năm qua.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 13/1/2023 - Ảnh 2.

Việt Nam và Thái Lan tạo nên trận "chung kết trong mơ" tại AFF Cup 2022. Ảnh: TTXVN

-TTXVN ngày 13/1 đưa tin:

Chung kết lượt đi AFF Cup 2022: Đỉnh cao của bóng đá Đông Nam Á

Trận chung kết AFF Cup 2022 giữa Việt Nam và Thái Lan hứa hẹn sẽ hấp dẫn khi hai nhà vô địch ở hai kỳ giải AFF Cup gần nhất. Trận đấu cũng là màn đối đầu giữa đội bóng sở hữu hàng thủ chắc chắn nhất với đội có hàng công tốt nhất tại giải này. Tuyển Việt Nam đối đầu tuyển Thái Lan có một sức hút ghê gớm. Đây là cặp đấu đầy duyên nợ và luôn gây chú ý dù ở bất cứ cấp độ đội tuyển nào. Đặt lên bàn cân, tuyển Việt Nam được đánh giá cao hơn (đứng hạng 96 thế giới so với 111 của Thái Lan).

Kịch tính cuộc đua Vua phá lưới AFF Cup 2022

Danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup 2022 giờ đây chỉ còn là cuộc đua song mã giữa hai cái tên Nguyễn Tiến Linh của đội tuyển Việt Nam và Teerasil Dangda của Thái Lan. Hiện tại, Dangda đang dẫn đầu danh sách với 6 pha lập công. Bám đuổi ngay sau là Tiến Linh với chỉ 1 bàn ít hơn "lão tướng" người Thái. Cả hai chân sút đều đã cùng thi đấu 6 trận tại AFF Cup năm nay.

Madam Pang gọi cuộc đối đầu với Việt Nam là 'trận chung kết trong mơ'

Trước trận đấu chung kết lượt đi AFF Cup 2022, Trưởng đoàn Nualphan Lamsam của đội tuyển Thái Lan (thường được biết đến với danh xưng Madam Pang) đã có những chia sẻ thể hiện sự háo hức của mình với cuộc đối đầu lịch sử này. Nhận định về đối thủ của "Đàn voi chiến" trong trận đấu sắp tới, Madam Pang cho rằng đội tuyển Việt Nam rất mạnh và có thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA cao hơn Thái Lan, nhưng Thái Lan mới là những nhà đương kim vô địch và họ sẽ chiến đấu vì điều đó.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 13/1 đưa tin:

HLV Park Hang-seo quyết đòi lại món nợ với Thái Lan

HLV Park Hang-seo khẳng định đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu giành chiến thắng Thái Lan để lên ngôi vô địch AFF Cup 2022. Đội tuyển Việt Nam sẽ chạm trán với đội tuyển Thái Lan vào lúc 19h30 ngày 13/1. Đây là đối thủ được xem là kỵ giơ của thầy trò HLV Park Hang-seo tại Đông Nam Á. Trước đó, tại AFF Cup 2020, Việt Nam để thua 0-2 trước Thái Lan và phải dừng chân tại bán kết. Đây cũng là điều khiến ông Park trăn trở.

HLV Thái Lan khẳng định sân Mỹ Đình không tệ, đủ điều kiện thi đấu

Đội tuyển Thái Lan sẽ có chuyến làm khách trên sân Mỹ Đình lúc 19h30 ngày 13/1 gặp đội tuyển Việt Nam ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022. Trong thời gian vừa qua mặt sân Mỹ Đình đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều dù vậy, HLV Polking khẳng định, mặt sân này đủ điều kiện để thi đấu. "Tôi đã dẫn dắt U23 thi đấu trên sân Mỹ Đình ở SEA Games 30, sân Mỹ Đình mặt cỏ không xanh nhưng nó không tệ, phù hợp để chơi bóng. Chúng tôi sẽ có buổi tập vào chiều nay, tôi sẽ có đánh giá cụ thể hơn. Tuy nhiên, điều kiện mặt sân sẽ không ảnh hưởng đến kết quả trận đấu của chúng tôi".

Cấm xe một đoạn đường ở TP.HCM để người dân cổ vũ ĐT Việt Nam đá chung kết

Ngày 12/1, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã có thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Lê Duẩn, quận 1 để phục vụ người dân xem bóng đá tại giải AFF Cup 2022. Theo đó cấm các loại phương tiện giao thông vào đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Phạm Ngọc Thạch) từ ngày 10/1 đến hết ngày 16/1.

-Báo Tin tức ngày 12/1 đưa tin:

Đội tuyển Việt Nam xác định 2 mục tiêu mới ở chung kết lượt đi gặp Thái Lan

Ngày 12/1, tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ở Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo trước trận Chung kết lượt đi Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup 2022) giữa Đội tuyển Việt Nam gặp Đội tuyển Thái Lan. Huấn luyện viên Park Hang-seo chia sẻ, toàn đội hướng tới 2 mục tiêu mới. Thứ nhất, trong 5 năm dẫn dắt U23 và tuyển quốc gia, ông Park chỉ thua một trận ở bán kết lượt đi tại AFF Cup 2020 trước Thái Lan. Nên mục tiêu sắp tới là phải thắng để 'đòi' món nợ này. Thứ hai, ông muốn cùng các cầu thủ giành được chức vô địch VFF để dành tặng những người đã hỗ trợ toàn đội thời gian vừa qua cũng như người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Huấn luyện viên tuyển Thái Lan: 'Việt Nam nhiều lợi thế hơn'

HLV Alexandre Polking phát biểu như một cách giảm áp lực cho các học trò trước trận chung kết lượt đi rằng đội tuyển Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Thái Lan ở trận đấu lúc 19 giờ 30 ngày 13/1 tới. Tại buổi họp báo sau chiến thắng Malaysia 3 - 0 trên sân Thammasat ở trận bán kết lượt về AFF Mitsubishi Electric Cup 2022 , HLV Alexandre Polking đánh giá: "Ở trận đấu tới, Việt Nam có lợi thế hơn chúng tôi về nhiều mặt. Họ được thi đấu trên sân nhà và được nghỉ nhiều hơn một ngày. Hôm nay, họ được nghỉ ngơi hoàn toàn trong khách sạn nhưng dù thế nào, tôi vẫn thích việc đá lượt về trên sân nhà".

-Báo Nhân Dân ngày 13/1 đưa tin:

Việt Nam-Thái Lan: Chờ HLV Park Hang-seo thắng chung kết trong mơ

Kỷ nguyên thành công của HLV Park Hang-seo cùng bóng đá Việt Nam mở ra từ chiến thắng U23 Thái Lan ở Cúp giao hữu M-150 cuối năm 2017. Để rồi, số phận khéo léo sắp đặt, Thái Lan một lần nữa trở thành đối thủ của đội tuyển Việt Nam, trong hai trận đấu cuối cùng của thầy Park trên băng ghế huấn luyện.

Đội tuyển nữ Việt Nam thuộc bảng D Vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024

Theo kết quả bốc thăm chiều 12/1, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ thi đấu tại bảng D Vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2023 cùng các đội tuyển Nepal, Palestine và Afghanistan. Ở vòng loại này, 26 đội tuyển nữ tham dự sẽ được chia thành 7 bảng (gồm 5 bảng có 4 đội, và 2 bảng có 3 đội), thi đấu vòng tròn một lượt, tại một địa điểm trung lập, diễn ra từ ngày 3 đến 11/4 tới. 7 đội đứng nhất bảng sẽ giành quyền vào vòng loại thứ hai để tranh tài cùng với Triều Tiên, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 13/1 đưa tin:

Tuyển Việt Nam có cách "khóa" Thái Lan

Từng thua Thái Lan ở bán kết mùa trước, tuyển Việt Nam đặt mục tiêu đánh bại nhà đương kim vô địch trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 diễn ra trên sân Mỹ Đình (TP Hà Nội) vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 13-1 (VTV5). Trước một đấu thủ sừng sỏ như Thái Lan, HLV Park Hang-seo sẽ trung thành lối chơi phòng ngự phản công quen thuộc, nhưng chiến lược gia người Hàn Quốc thổ lộ sẽ đốc thúc học trò pressing tầm cao để hóa giải hàng tiền vệ năng động của đối thủ.

Thể thao Việt Nam: Tăng tốc từ đầu năm

Năm 2023, ngoài SEA Games còn có thêm Asian Games, thể thao Việt Nam chỉ còn hơn 4 tháng cho hành trình chuẩn bị và chinh phục những đỉnh cao mới. Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games sẽ diễn ra vào tháng 5, không lâu sau đó là Đại hội Thể thao châu Á (tháng 9), các cấp độ đội tuyển hiện đang tất bật tuyển quân, chọn tướng và hối hả vào guồng ngay từ những ngày đầu năm mới.

Tự hào boxing Việt Nam năm 2022

Đinh Hồng Quân, Trần Văn Thảo, Nguyễn Thị Tâm… đã làm rạng danh boxing nước nhà trên các đấu trường quốc tế trong năm 2022. Dấu ấn đầu tiên không thể không nhắc đến là chiếc đai IBF châu Á hạng cân Lightweight mà võ sĩ Đinh Hồng Quân giành được hồi tháng 4-2022. Đánh bại đối thủ đến từ Philippines - Delmar Pellio trong sự kiện tranh đai diễn ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồng Quân trở thành võ sĩ đầu tiên trong lịch sử boxing Việt Nam sở hữu đai IBF châu Á.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Hà Nội mới ngày 13/1 đưa tin: "Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số" cho biết: Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 108.000 người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Năm 2022 vừa qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc nhằm hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn. Năm 2022 vừa qua, việc triển khai công tác dân tộc, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô được thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×