Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Di sản văn hóa với phát triển du lịch

27/07/2018 | 10:14


Thực tế minh chứng di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Di sản văn hóa là động cơ, là duyên cớ thôi thúc chuyến đi, là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, những dòng khách du lịch tấp nập đổ về; người người, nhà nhà làm du lịch...Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế-xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa. Nhưng cũng chính quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa trở thành những hệ lụy phải trả giá đắt. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đòi hỏi các bên cùng hành động, có những biện pháp kiểm soát thích đáng để bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Di tích cố đô Huế

Di sản văn hóa tạo động lực cho du lịch: Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.

Chúng ta có quyền tự hào về bề dày lịch sử ngàn đời của đất nước với 54 dân tộc anh em đã để lại cho hôm nay một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo. Đến nay đã có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới; trong đó có 8 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể (Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, quần thể danh thắng Tràng An, Thành Nhà Hồ, Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn); 12 di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Lễ hội Gióng, Ca Trù, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ kéo co, Đờn ca Tài tử Nam Bộ; Bài Chòi Trung Bộ); và 4 di sản tư liệu (Bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang). Cùng với đó là hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được công nhận di sản. Chỉ tính riêng di sản văn hóa vật thể ước tính có hơn 3.000 di sản cấp quốc gia và khoảng 7.500 di sản cấp tỉnh và nhiều công trình di tích vẫn đang được thống kê; hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực của các vùng miền, của các dân tộc; các di sản văn hóa văn nghệ dân gian…

Trên cơ sở phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc trưng riêng có của mỗi loại hình di sản, những năm gần đây, du lịch di sản đã phát triển mạnh mẽ, lượng khách tham quan trong nước và quốc tế không ngừng gia tăng, đặc biệt di sản sau khi được Nhà nước lập hồ sơ công nhận và được UNESCO vinh danh. Sức hấp dẫn của di sản đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cụ thể như Quần thể di tích cố đô Huế, năm 2017 đón 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,8 triệu khách du lịch quốc tế, thu được 320 tỷ đồng riêng từ vé tham quan; Phố cổ Hội An đón 1,96 triệu lượt khách, thu về 219 tỷ đồng riêng từ vé tham quan. Các di sản nổi tiếng như Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Tràng An, Yên Tử, Núi Bà Đen… những năm gần đây không ngừng được đầu tư phát triển. Qua đó, du lịch di sản đã đóng góp to lớn vào sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch thời gian qua. Cụ thể giai đoạn từ 2010 đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp hơn 2,5 lần, từ 5 triệu lượt năm 2010 lên 12,9 triệu lượt năm 2017, trung bình tăng 14,5% năm (đặc biệt năm 2017 tăng tới 29,1% so với 2016). Khách du lịch nội địa tăng gấp 2,6 lần, từ 28 triệu lượt năm 2010 lên 73,2 triệu lượt năm 2017, tăng trung bình 14,6%. Tổng thu du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ năm 2010 lên 510.000 tỷ năm 2017, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp. Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Đặc biệt, di sản văn hoá còn là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.

Phố cổ Hội An

Du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa: Trên thế giới, du lịch văn hóa đã từ lâu và sẽ mãi mãi là trường phái hay dòng sản phẩm du lịch cơ bản. Đặc biệt đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có chiều sâu văn hóa đo bằng hệ thống di sản đậm đặc như nước ta thì du lịch di sản trở thành một trong những thế mạnh nổi trội. Ngày nay, du lịch di sản hướng thu hút khách tìm đến những giá trị về nguồn, tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm để thẩm thấu những giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc, các tộc người. Ở nước ta, chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được thể hiện trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch văn hóa vì vậy là một dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam, từ tham quan di tích lịch sử văn hóa, hệ thống bảo tàng, các công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật, cho tới tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm văn  hóa, lễ hội, lối sống địa phương, thưởng thức ẩm thực, sản vật vùng miền…

Có thể khẳng định, du lịch đã thúc đẩy việc bảo vệ kho tàng văn hóa của quốc gia. Chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và người dân biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và làm sáng tỏ, phát huy những giá trị vốn quý của di sản văn hóa. Hoạt động du lịch dựa vào di sản ở nhiều nơi như Huế, Hội An, Hạ Long…đã và đang trở thành cơ sở, động lực sinh kế chính, ngành nghề chủ yếu của người dân cũng như ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Du lịch di sản vừa tạo ra thu nhập, việc làm vừa tạo động cơ, vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và với di sản. Những lợi ích của du lịch di sản là không nhỏ và được chia sẻ đến doanh nghiệp, người dân. Một phần doanh thu từ du lịch di sản được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.

Tuy nghiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang có những tác động tiêu cực tới di sản văn  hóa. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng ở nước ta đang gieo rắc không ít những tác động nhiều mặt như: sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản v.v… làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đang đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản. Thời gian qua, ở một số di sản nổi tiếng đã có những hoạt động đầu tư phát triển, trong đó có những xâm hại nghiêm trọng tới di sản mà giai đoạn kế tiếp sẽ phải trả giá rất đắt cho việc phục hồi giá trị di sản đã bị xâm hại. Ở khía cạnh khác, tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng sự chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… đang dấy lên hồi chuông báo động đối với các bên liên quan trong việc quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Vịnh Hạ Long

Tạo sức sống cho di sản văn hóa: Phát huy thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa, trong đó lấy du lịch di sản là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì đòi hỏi các bên cùng hành động, có những giải pháp hữu hiệu về bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa trong phát triển du lịch:

Một là, quan tâm đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạch định chính sách quản lý và quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch phát triển du lịch.

Hai là, có chiến lược phát triển du lịch văn hóa phù hợp, trong đó lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng; tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa; nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa.

Ba là, định hướng hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh khác trong lòng di sản một cách bền vững; quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản; những gì được làm, không được làm, những gì nên, không nên làm; kiểm soát nghiêm ngặt tác động về sức chứa, loại hình hoạt động và cân bằng nhịp sống của hệ sinh thái tại di sản; khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bốn là, xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Việt Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản; tăng cường đào tạo kỹ năng thuyết minh và ứng dụng thuyết minh tự động để làm thăng hoa giá trị cho di sản trong hoạt động hướng dẫn du lịch và phát triển sản phẩm du lịch thông minh.

Năm là, xử lý nghiêm, triệt để những vi phạm đối với di sản đi liền với quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân và du khách; khuyến khích, tôn vinh các hoạt động du lịch tình nguyện, tự nguyện đóng góp nguồn lực, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa./.
 

TS. Hà Văn Siêu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×