Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Di sản văn hóa Lào Cai - "Mỏ vàng" phát triển du lịch

17/07/2025 | 16:13

Tỉnh Lào Cai hiện có 56 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể.

Địa phương đang tích cực bảo tồn, vun đắp, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu; biến di sản thành tài sản, coi đây là mỏ vàng để phát triển du lịch.

Di sản kể chuyện

Xã Nghĩa Đô là nơi sinh sống của đồng bào Tày Lào Cai. Bên dòng Nặm Luông thơ mộng, trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, người dân nơi đây có văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và vùng miền, từ văn hóa ẩm thực đến nghề thủ công truyền thống.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thẩm định, ghi danh 2 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Lào Cai vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó có loại hình di sản thuộc nhóm ẩm thực đầu tiên của Lào Cai là "Tri thức dân gian chế biến cá nướng, vịt bầu lam và rượu men lá của người Tày xã Nghĩa Đô". Trước đó, tháng 4/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh thêm 1 di sản văn hóa khác của Nghĩa Đô là "Nghề đan lát của người Tày Nghĩa Đô" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Di sản văn hóa Lào Cai - "Mỏ vàng" phát triển du lịch - Ảnh 1.

Khu du dịch Nghĩa Đô được quy hoạch nhưng không mất đi vẻ đẹp truyền thống. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, ẩm thực ở Nghĩa Đô được đánh giá cao bởi sự độc đáo đến từ nguyên liệu, quy trình, cách thức làm ra món ăn, nguyên tắc khi thưởng thức trên mâm... Ẩm thực nơi đây là tập hợp của nhiều yếu tố từ thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu để tạo nên hương vị riêng của địa phương.

Các món ăn ở Nghĩa Đô được làm từ những thực phẩm của địa phương như món "vịt bầu lam" phải là loại vịt bầu cổ xanh có đặc điểm cổ rụt, thân hình bầu bĩnh, đầu to, chân ngắn. Loại vịt này cho chất lượng thịt thơm, ngon chỉ có ở Nghĩa Đô. Điều đặc biệt của món ăn này là cách thức nấu. Xuất phát từ tập quán làm nương rẫy, mưu sinh chủ yếu ở vùng rừng núi cao và di chuyển nhiều, bất tiện khi sử dụng nồi, xoong…, người Tày nghĩ ra cách nấu độc đáo đó chính là tận dụng ống cây nứa, tre. Từ đó, các món lam nổi tiếng đã ra đời như: cơm lam, rau rừng lam, cá suối lam… Các món lam có đặc điểm chung là rất đậm đà bởi không bị mất nước và có vị thơm từ ống tre nứa.

Di sản văn hóa Lào Cai - "Mỏ vàng" phát triển du lịch - Ảnh 2.

Văn hóa ẩm thực của người Tày ở xã Nghĩa Đô rất phong phú, đa dạng, trong đó không ít món còn là bài thuốc quý. Ảnh: Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi

Dù chỉ là món ăn dân dã, "vịt bầu lam" vẫn tuân theo triết lý âm dương, ngũ hành trong nghệ thuật ẩm thực. Sau khi dùng dao lọc thịt, chặt miếng (Kim), đồ ăn được nấu trong ống tre (Mộc) với thứ nước trong chính ống tre hoặc từ nước suối nguồn (Thủy), bằng ngọn lửa nhỏ (Hỏa), trên mặt đất nơi núi rừng hoang dã (Thổ). Ngoài ra, thịt vịt sẽ trộn cùng các loại gia vị, rau thơm, ướp khoảng 15 - 20 phút cho thịt ngấm đều gia vị. Ống nứa được rửa sạch, cho một ít nước vào đáy ống để tránh vịt bị khô. Trước khi cho thịt vào ống lam, thịt được gói kín bằng lá dong theo hình dài phù hợp với ống nứa. Khi đưa gói thịt vịt vào ống lam, người chế biến sẽ dùng lá dong bịt kín đầu ống lam rồi cho lên bếp. Ngoài ra, để món ăn thêm đậm đà, đồng bào Tày Nghĩa Đô khéo léo sử dụng kết hợp các loại gia vị địa phương cùng với thịt vịt như hạt dổi, mắc khén, lá hẹ, các loại rau thơm trong vườn nhà, gừng, xả, ớt... Vịt lam trong khoảng từ 30 - 40 phút là chín và có thể mang ra thưởng thức.

Không chỉ nổi tiếng về ẩm thực, các nghề thủ công truyền thống như: kỹ thuật đan lát của người Tày Nghĩa Đô cũng thể hiện sự công phu, khéo léo của đôi tay, tính thẩm mỹ và trí tưởng tượng phong phú từ việc chọn nguyên liệu, kỹ thuật vót nan, định hình khung… rồi cách nhuộm màu, hong dẻo nan.

Di sản văn hóa Lào Cai - "Mỏ vàng" phát triển du lịch - Ảnh 3.

Bên dòng Nậm Luông yên bình ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) là những bản làng trù phú của người Tày. Ảnh: Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi

Bà Nguyễn Thị San, Chủ nhiệm Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống Nghĩa Đô cho biết, ngoài giang, nứa, mây, vầu, thợ đan lát ở Nghĩa Đô là dùng nan cật của cành cọ để đan thành sản phẩm đẹp mắt, ấn tượng. Ngoài ra, kỹ thuật nhuộm nan cũng rất độc đáo và thân thiện môi trường. Ví dụ, để nhuộm nan màu đen, đồng bào lấy củ nâu bào nhỏ, ống giang cạo bỏ vỏ bên ngoài; sau đó dùng củ nâu sát vào nửa ống giang, rồi dùng tay quệt nhọ nồi phủ bên ngoài thì sẽ được màu đen bóng, bền, rất đẹp.

Lấy văn hóa là cốt lõi phát triển

Những di sản văn hóa phi vật thể của Lào Cai - kho tàng tri thức, văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào đang được chính người dân nơi đây gìn giữ, trao truyền và trở thành nguồn tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn du khách.

Trên mâm cỗ di sản của người Tày Nghĩa Đô ở homestay "Bà San", bản Nà Khương, các món vịt lam ống nứa, cá nướng, rượu men lá hay những khay, giỏ, mâm đan lát đựng đồ ăn đều do bà Nguyễn Thị San tự tay chế biến. Với sự khéo léo, tinh tế trong chế biến món ăn, khung cảnh suối sạch, đồng xanh và tấm lòng thảo thơm của đồng bào địa phương, homestay của gia đình bà đã đón nhiều du khách tới lưu trú và quay lại nhiều lần. Nghĩa Đô giờ đây đã trở thành cái tên được nhắc đến đầy tự hào trên bản đồ du lịch Lào Cai như hình mẫu điển hình về du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa.

Di sản văn hóa Lào Cai - "Mỏ vàng" phát triển du lịch - Ảnh 4.

Người Tày ở xã Nghĩa Đô gìn giữ nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi

Năm 2023, tổng lượng khách đến Nghĩa Đô đạt 21.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng; năm 2024, lượng khách đạt 25.000 lượt, doanh thu từ du lịch cộng đồng khoảng 15 tỷ đồng. Khách quốc tế cũng bắt đầu tìm đến Nghĩa Đô như một nơi để "chạm" vào vùng đất bản sắc nguyên sơ, chân thật.

Ông Đỗ Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết, địa phương lấy văn hóa dân tộc Tày là cốt lõi để phát triển dịch vụ du lịch. Từ việc triển khai tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô đã hình thành cơ bản hệ thống các homestay mang đặc trưng riêng có của văn hóa Tày. Cụm homestay xã Nghĩa Đô đoạt Giải thưởng Homestay ASEAN giai đoạn (2023 - 2025). Thời gian tới, xã tiếp tục vừa bảo tồn vừa phát triển văn hóa và các dịch vụ du lịch bền vững để củng cố thương hiệu của du lịch cộng đồng Nghĩa Đô; đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp, bản sắc văn hóa phong phú, giàu trải nghiệm đang thu hút đông du khách đến Lào Cai. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đón hơn 7,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt hơn 718 nghìn lượt người; doanh thu từ du lịch đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. Lào Cai phấn đấu năm 2025 đón khoảng 12,3 triệu khách du lịch, doanh thu ước đạt 46.705 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2030, địa phương đón khoảng 16,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 74,8 nghìn tỷ đồng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Để khai thác hiệu quả sức mạnh văn hóa trong phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản, theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cần sự vào cuộc bền bỉ, sáng tạo và chung tay đồng thuận của chính quyền và người dân. Mỗi di sản đều mang trong mình những câu chuyện hấp dẫn thể hiện nét đẹp văn hóa các tộc người. Do đó, bên cạnh việc gìn giữ di sản cần tăng cường công tác quảng bá, để mỗi người cùng hiểu - cùng yêu - cùng bảo tồn những di sản đa dạng trong đời sống hiện nay.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×