Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

“Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”

21/09/2016 | 17:47

Quy mô, tầm vóc và giá trị to lớn của các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn, cũng như những thành quả của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản trong những năm qua được đánh giá cao tại Hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”.


Quang cảnh Hội thảo.

Huế là một trong những đô thị quan trọng có bề dày lịch sử và văn hóa, là đô thị phản ánh quá trình phát triển đỉnh cao của đất nước qua gần 4 thế kỷ kể từ năm 1636, đặc biệt là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX với tư cách là Kinh đô của đất nước Việt Nam thống nhất qua các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn. Các công trình được kiến tạo ở Cố đô Huế khẳng định chủ quyền của một quốc gia, sự điều hành thống nhất của nhà nước mà ngày nay những công trình đó đã trở thành những di sản vô giá của nhân loại.

Xác định được tầm quan trọng của giá trị di sản này, ngày 16/9, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, UBND tỉnh và đại diện của nhiều cơ quan, ban ngành trong tỉnh Thừa Thiên Huế và các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Ban Tổ chức đã nhận được 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước và đã chọn 55 bản tham luận của các nhà nghiên cứu đưa vào kỷ yếu của Hội thảo, tập trung vào 8 nhóm chủ đề sau: Đánh giá tổng quan về giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn, công cuộc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di sản; Nhìn nhận đánh giá di sản kiến trúc cung đình Huế, di sản kiến trúc truyền thống Nhật Bản trong sự so sánh về giá trị và công tác trùng tu, bảo tồn; mỹ thuật, trang trí và một số đặc trưng vùng miền trong kiến trúc cung đình Huế; giá trị cảnh quan, môi trường gắn liền với khu di sản Huế và công tác quy hoạch, bảo tồn; công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm Nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình, nghi lễ cung đình; công tác lưu trữ, bảo tồn, khai thác giá trị  các di sản tư liệu; hệ thống cổ vật cung đình thời Nguyễn và công tác nghiên cứu, phục chế cổ vật và đề xuất một số chính sách, giải pháp cố hương các cổ vật có giá trị đang lưu lạc ở nước ngoài; các lĩnh vực khác như lịch sử công trình, tiền tệ, tôn giáo tín ngưỡng...

Nhìn chung, các tham luận đều đánh giá cao quy mô, tầm vóc và giá trị to lớn của các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn, đánh giá cao thành quả của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản trong những năm qua. Bên cạnh đó, một số tham luận cũng phân tích rất sâu sắc những mặt còn hạn chế ở một số lĩnh vực của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ đó đưa ra những kiến nghị khoa học, những giải pháp thiết thực để khắc phục cho giai đoạn trước mắt và tương lai.


Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cảm ơn các nhà nghiên cứu văn hóa và các đại biểu quan tâm đến di sản văn hóa Huế; đồng thời, nhấn mạnh: Hội thảo lần này giúp các nhà quản lý và chuyên môn có cơ hội nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cung đình thời Nguyễn; giúp Thừa Thiên Huế nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ các giá trị của di sản, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, chiến lược mới để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa phong phú và độc đáo của Cố đô Huế.

Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hiếm thấy ở các nước trên thế giới trong một khu di sản nhưng được UNESCO ghi danh 5 danh hiệu cao quý: Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993, Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003 (nay gọi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) và 3 Di sản tư liệu Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản triều Nguyễn được công nhận 2009, châu bản triều Nguyễn được công nhân năm 2014 và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận năm 2016. Đây là một kho tàng đồ sộ và vô giá về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về di sản văn hóa, lịch sử, địa lý, tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp chế, triết học, giáo dục, văn hóa nghệ thuật… dưới triều Nguyễn.

Liên hệ về sự tương đồng giữa kiến trúc gỗ cung đình Huế và kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản, ông Mitsuhiko Nakamura (Hiệp hội Kiến trúc sư và Kỹ sư toàn Nhật Bản) chia sẻ câu chuyện về công tác bảo tồn kiến trúc gỗ của thành phố Kurayoshi. Trong nỗ lực bảo tồn các kiến trúc gỗ tại thành phố này, chính phủ Nhật Bản dành rất nhiều ưu đãi về thuế, như: thuế tài sản cố định, thuế quy hoạch thành phố và có thêm nhiều hoạt động phối hợp hỗ trợ từ các tay thợ lành nghề, gồm: thợ mộc, thợ trát tường, kiến trúc sư, thợ gỗ, thợ xây… và các chuyên gia bảo tồn.

PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định: Huế với những nỗ lực thiết lập và duy trì sự hài hòa, cân bằng động giữa bảo tồn và phát triển bền vững theo tinh thần công ước của UNESCO. Đó là đã triển khai có hiệu quả các mặt hoạt động tương đối toàn diện để bảo tồn Quần thể di tích cố đô Huế theo hướng: Thống nhất về mặt quản lý nhà nước đối với khu di sản; xây dựng quy hoạch bảo tồn, kế hoạch quản lý khu di sản và các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa bao gồm vật thể và phi vật thể.

Nhìn ra nhiều giá trị di sản đang tiềm ẩn khác của Huế, như: ẩm thực, ca Huế, các sản phẩm thủ công truyền thống, lễ hội cung đình… GS.TS Trương Quốc Bình (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đề nghị: Bên cạnh việc tiếp tục bảo vệ và phát huy có hiệu quả kho tàng di sản văn hóa cung đình, Huế cần tiếp tục lựa chọn, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học để đề xuất công nhận là di sản văn hóa quốc gia và di sản văn hóa thế giới cho các di sản đặc sắc nói trên.


Hội thảo đã giúp các nhà quản lý và chuyên môn có cơ hội nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề
 liên quan đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cung đình thời Nguyễn…


Thay mặt Ban Tổ chức, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phát biểu tổng kết Hội thảo, trong đó nêu rõ triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, với gần 400 năm tồn tại (1558-1945), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc và cho riêng Huế những di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt; nhấn mạnh những thành quả của công việc đã thực hiện vừa qua. TS. Phan Thanh Hải cũng lưu ý vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập, nhiều thách thức đặt ra trước mắt cần giải quyết để có định hướng các chiến lược bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn và đề nghị các cấp lãnh đạo trung ương và tỉnh quan tâm xem xét tạo cơ chế, chính sách riêng phù hợp để ngành bảo tồn bảo tàng luôn có sức sống mới.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, một số hoạt động đồng hành cũng được tổ chức, bao gồm: Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô đất nước qua các thời kỳ lịch sử (từ khởi thủy đến 1945)”; triển lãm “Một điểm đến - Năm Di sản” và lễ khánh thành bảo tồn trùng tu di tích Triệu Tổ Miếu./.

Trần Dũng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×