Di sản cố đô Huế với vấn đề Bảo tồn và Phát triển
17/11/2018 | 10:43Sáng 16/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với UBND tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức Diễn đàn đối thoại sử học năm 2018 với chủ đề "Di sản cố đô Huế với vấn đề Bảo tồn và Phát triển".
Di tích cố đô Huế. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận các chuyên đề gồm: “Đặc trưng di sản văn hóa Huế”; “Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế”; “Vai trò của chính quyền các cấp và cơ quan quản lý trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế”; “Hợp tác quốc tế trong bảo tồn quần thể kiến trúc Huế”; “Di sản văn hóa cố đô Huế với phát triển du lịch”.
Theo đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển di sản cố đô Huế, như: Việc nghiên cứu, bảo tồn, đầu tư cho Huế phải đồng bộ, toàn diện, quy mô và hợp tác trên phạm vi quốc tế; cần có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, nhân bản các di sản mang tính tiêu biểu trong cả nước liên quan hoặc có nguồn gốc từ Huế để phục dựng đầy đủ diện mạo văn hóa Huế; Chú trọng công tác nghiên cứu trùng tu khu di tích Phan Bội Châu để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử gắn liền với nhiệm vụ đối ngoại văn hóa và phát triển du lịch độc đáo của Huế hiện nay.
Bên cạnh đó, phải có chiến lược đầu tư phát triển điểm đến du lịch di sản cụ thể, rõ ràng để làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch di sản Huế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách khi đến Huế; Tập trung quy hoạch chung thành phố Huế giai đoạn 2030 – 2050, quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và quy hoạch không gian di sản trên địa bàn thành phố Huế và vùng lân cận; Khôi phục các nghề và làng nghề truyền thống, đẩy mạnh du lịch cộng đồng…
Ngoài ra, cần phải gắn trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền với người dân Huế và khách du lịch để phát triển bền vững; Gìn giữ và bảo tồn nét đẹp truyền thống, giá trị truyền thống của con người Huế, của văn hóa Huế từ đó biến nó thành nghệ thuật, thành bảo tàng sống một cách sinh động mà du khách khi đến Huế đều không thể bỏ qua.
Sau 25 năm kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, công tác trùng tu, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Huế đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu to lớn. Hàng chục công trình được phục hồi, nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ, hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường, không gian hoang phế được thu hẹp, bộ mặt đô thị ngày càng được khang trang và văn minh. Với một hệ thống di sản văn hóa quý giá thì việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là một vấn đề đang được quan tâm.
Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá khách quan về công cuộc bảo tồn và phát triển của vùng đất Cố đô, để từ đó có cách nhìn đúng đắn trong việc hoạch định chính sách phát triển của tỉnh cho hiện tại và tương lai.
Lan Phạm (t/h)