Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

“Dệt nên triều đại” và những người trẻ đam mê quảng bá văn hóa Việt

03/01/2018 | 10:25

Lễ ra mắt dự án “Dệt nên triều đại” của nhóm Vietnam Center vào những ngày cuối cùng của năm 2017 đã diễn ra thành công với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ và những diễn giả đặc biệt, những người có niềm đam mê và mong muốn quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

“Dệt nên triều đại” là dự án đầu tay của Trung tâm Văn hóa Việt Nam (Vietnam Center) với ba thành viên sáng lập là  Nguyễn Ngọc Phương Đông, Nguyễn Anh Vũ và Lê Ngọc Linh. Điểm chung giữa họ ở chỗ cả ba thành viên đều là những người con xa quê (tất cả đều đã và đang sinh sống, học tập tại Australia) và cùng chung nhiệt huyết với văn hóa Việt Nam, có một khao khát mạnh mẽ là mở ra cánh cửa để bạn bè thế giới lẫn đồng bào có thể tiếp cận với kho tàng văn hóa Việt Nam.

"Dệt nên triều đại” là dự án tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ. (Ảnh: Gia Linh)

Vietnam Center ra đời với mục tiêu xây dựng mạng lưới trung tâm văn hóa Việt Nam tại các đô thị sầm uất trên thế giới. “Chúng tôi muốn liên kết với những nhà nghiên cứu, những người sáng tạo trong nước để thường xuyên giới thiệu tới công chúng những tinh túy của văn hóa cổ truyền lẫn đương đại của Việt Nam”.

Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đóng góp 3% GDP mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra.

“Dệt nên triều đại” là dự án tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ, từ 1437-1471, dưới dạng 1 show trình diễn kéo dài 2 tiếng. Vietnam Center đã phỏng dựng các bộ trang phục giai đoạn này dựa trên những nghiên cứu có uy tín như “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức, các hiện vật như áo giao lĩnh của đại tư đồ Nguyễn Bá Khánh lưu trữ ở bảo tàng Hưng Yên, các tranh tượng tại các di tích đình chùa và các bảo tàng, và so sánh đối chiếu với các nước cùng văn hóa cùng thời đại. Phần nghi lễ được tái hiện dựa trên ghi chép về lễ Sách Phong Hoàng Thái Hậu trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú.

Tham gia lễ ra mắt dự án “Dệt nên triều đại”, công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng hình ảnh tái hiện một phần trang phục cung đình Việt Nam thế kỷ 15 và lễ sắc phong hoàng thái hậu triều Lê Sơ; đồng thời tham gia vào cuộc đàm luận mang tính gợi mở với những nhà ngoại giao, nghiên cứu, nghệ sĩ, về việc xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam như: bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU); Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Huân chương "hiệp sĩ Văn chương và nghệ thuật" Bộ Văn hóa Pháp; Học giả Trần Quang Đức, Forbes 30Under30; Tác giả Nguyễn Khánh Dương, Founder Comicola; Ca sĩ Nguyễn Tiến Việt, Top 5 Vietnam Idol.

Thương hiệu quốc gia của Việt Nam đang ở đâu? Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, thương hiệu quốc gia chính là sự tự định vị: Chúng ta là ai? Chúng ta muốn là gì?; chính là linh hồn của một dân tộc, đến từ sự tự nhận thức của chính dân tộc đó và sự công nhận của thế giới bên ngoài; thương hiệu quốc gia được xây dựng dựa trên chính con người của quốc gia đó; đồng thời thương hiệu quốc gia cần được xây dựng trên mọi khía cạnh kinh tế, xã hội, ở đó mỗi người đều là một đại sứ cho thương hiệu quốc gia.

Đây cũng chính là mục tiêu mà VietNam Center hướng đến trong tương lai, trở thành “đại sứ” quảng bá thương hiệu quốc gia của văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tái hiện lễ sắc phong hoàng thái hậu triều Lê Sơ. (Ảnh: Gia Linh)

Nhận định về dự án “Dệt nên triều đại” và VietNam Center, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết: “Đây là một dự án rất đáng khuyến khích và trân trọng của tuổi trẻ vì hiếm khi có những bạn trẻ lại muốn chủ động, muốn kết nối gốc rễ của lịch sử, của truyền thống với những giá trị hiện đại. Cầu nối đó là vô cùng quan trọng, nếu cầu nối đó do chính người trẻ xây đắp lên thì quá tuyệt vời. Chúng tôi là thế hệ đi trước, nếu làm những điều đó thì ngôn ngữ của chúng tôi, cảm nhận của chúng tôi có thể chưa phù hợp với giới trẻ. Tôi rất hoan nghênh khi chính các bạn tự nghĩ ra, tự làm một cách rất năng động và đầy sáng kiến. Chúc dự án sẽ phát triển về chiều rộng, với những khía cạnh đa dạng, về chiều sâu, về tính chuyên nghiệp và đồng thời là tính cộng đồng.”

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi văn hóa Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để hòa nhập chứ không hòa tan với văn hóa nhiều quốc gia trên thế giới. Việc quảng bá tinh hoa văn hóa Việt tới chính những người Việt, đặc biệt là giới trẻ và tới bạn bè quốc tế quả thật là việc không dễ dàng. Để thực hiện được mục tiêu đó cần một chính sách và sự chung tay của cả cộng đồng./.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×