Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để xảy ra cháy, nổ tại di tích: Làm rõ trách nhiệm thuộc về ai

20/02/2025 | 09:17

Hằng năm Bộ, ngành đều có không ít văn bản nhắc nhở, khuyến cáo các Ban quản lý di tích chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy.

Còn giới chuyên gia, nhà quản lý luôn nhấn mạnh, đình, chùa, đền là những nơi tiềm ẩn cao nhất nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, do di tích đều làm từ gỗ, đồ trang trí, thờ tự được làm bằng các chất liệu dễ cháy như vải, giấy. Không gian chật hẹp, người dân thường xuyên thắp nến, thắp hương, đốt vàng mã, hệ thống điện luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy…

Bởi thế, sau nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, lời cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại di tích vẫn luôn mang tính thời sự và chưa bao giờ hết “nóng”. Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi di sản văn hóa?

Để xảy ra cháy, nổ tại di tích: Làm rõ trách nhiệm thuộc về ai - Ảnh 1.

Di tích chùa Làng Vẽ lúc đang bị hỏa hoạn

Di sản vô giá bỗng hóa thành tro

Thông tin về các vụ hỏa hoạn thiêu cháy nhiều hạng mục, di sản vô giá tại di tích luôn khiến dư luận bàng hoàng, tiếc nuối. Vụ cháy tại di tích quốc gia chùa Làng Vẽ (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) vừa qua tiếp tục gióng thêm hồi chuông cảnh báo đối với công tác bảo vệ an toàn, phòng chống cháy nổ tại các di tích. Những di sản văn hóa vô giá tiền nhân để lại bỗng chốc bị hỏa hoạn thiêu rụi, và chắc chắn, điều để lại không chỉ là sự nuối tiếc và những bài học.

Đó là những thiệt hại khó đong đếm. Người dân địa phương từng gắn bó với di tích quốc gia này đã thốt lên đầy xót xa. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người con Bắc Giang viết trên trang cá nhân ngay sau vụ cháy: “Cháy chùa Vẽ tại Bắc Giang, tin quá buồn đối với tôi”.

Anh bày tỏ: “Tôi nhớ mãi chùa làng Vẽ có thiết kế đẹp, theo kiểu chùa truyền thống, chùa có những pho tượng cổ, đến tận bây giờ tôi không thể quên tượng hai ông hộ pháp rất to đẹp và uy nghiêm được tạc bằng đất ở hai gian bên tả bên hữu của chùa, nền chùa trong ký ức của tôi cũng là nền đất nện. Sự việc cháy chùa Vẽ hết sức đáng tiếc, nhất là khi đang gần kề với mốc kỷ niệm 600 năm chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang sẽ diễn ra vào năm 2027. Mong rằng Bắc Giang sớm khôi phục lại chùa với những cảnh quan như đã hiện hữu trước đây…”.

Ngay sau vụ hỏa hoạn, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có công văn yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất phương án xử lý. Hồi âm công văn này, Sở VHTTDL Bắc Giang cũng đã có văn bản báo cáo về vụ cháy, những thiệt hại cũng như biện pháp xử lý.

Đánh giá sơ bộ, vụ cháy tại di tích quốc gia chùa Làng Vẽ để lại thiệt hại lớn. Toàn bộ tòa Tam bảo bị cháy, cùng với 25 pho tượng và hiện vật gồm 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối, một số cửa võng, hương án,... Các hạng mục như hai dãy hành lang, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách được bảo vệ an toàn; không có thiệt hại về người.

Tại thời điểm báo cáo, Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết, lực lượng chức năng đang tổ chức khám nghiệm hiện trường, tổng hợp thiệt hại và điều tra xác định nguyên nhân vụ cháy.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, đây là vụ việc được lãnh đạo tỉnh, TP Bắc Giang và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, rốt ráo vào cuộc. Để kịp thời có phương án đảm bảo an toàn cho di tích, UBND tỉnh đã chỉ đạo phong tỏa, bảo vệ hiện trường. Các biện pháp cần thiết đã được khẩn trương triển khai như phương án bao che khu vực hỏa hoạn; xác định nguyên nhân, đề ra biện pháp xử lý, khắc phục; tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác vụ việc; rà soát, thống kê thiệt hại; đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo chùa làng Vẽ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân…

Một ngày sau vụ cháy, cảnh báo bảo vệ di tích, đặc biệt trong công tác phòng, chống cháy nổ đã được Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang một lần nữa nhấn mạnh tại công văn gửi Bảo tàng tỉnh, Phòng VHTT, Trung tâm VHTTTT các huyện, thị xã, thành phố.

Phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cảnh báo các nguy cơ cháy, nổ; khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra… là vấn đề cấp bách được đặt ra.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, đây cũng là nội dung thường xuyên được ngành văn hóa địa phương lưu ý đối với công tác quản lý, bảo vệ di sản ở các đình chùa, đặc biệt trong mùa lễ hội.

Phản ứng nhanh và quyết liệt của Bắc Giang là điều đáng ghi nhận. Ghi nhận thực trạng, đánh giá thiệt hại, bảo vệ và giữ gìn những gì còn lại là những điều có thể ở thời điểm này, dù cũng đã muộn màng. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi ngọn lửa đã khiến cho những di sản vô giá không còn nguyên vẹn.

Giải pháp nào để lấy lại?

Chùa Làng Vẽ, tên chữ là Huyền Khuê Tự, được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1994. Di tích là niềm tự hào, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại. Bởi vậy, với hậu quả lớn sau vụ cháy, giải pháp nào để lấy lại những di sản đã bị hóa thành tro?

Dù rằng với sự phát triển công nghệ hiện đại, cùng với nền tảng hệ thống tư liệu sẽ hỗ trợ hiệu quả việc phục dựng kiến trúc và hiện vật bị cháy. Thế nhưng, giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần hàm chứa trong mỗi hiện vật lại là điều khó lòng lấy lại.

Hồi tháng 10.2024, vụ cháy tại chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cũng để lại nhiều thiệt hại về tài sản và hiện vật. Nơi xảy ra vụ cháy, ngôi Tam bảo có kiến trúc chữ Công gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện; toàn bộ cấu kiện gỗ khung vì, hoành, rui bằng gỗ lim loại tốt, mái lợp ngói mũi hài.

Đau lòng nhất là Bảo vật Quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá (Bệ đá hoa sen) đã bị ám khói xung quanh và một số góc bị nứt, vỡ, tách lớp... Sau vụ cháy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rốt ráo vào cuộc, nỗ lực tìm các giải pháp tốt nhất, cũng để bảo vệ những gì còn lại.

Dư luận hẳn vẫn chưa quên những vụ cháy lớn tại không ít di tích trước đây. Ngay trên địa bàn Hà Nội, dù nhiều giải pháp được triển khai nhưng số vụ cháy xảy ra không ít, điểm tên có vụ cháy tại đền Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên); tại chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai); cháy chùa Linh Quang (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai); cháy chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm)… Hầu hết các vụ cháy đều không chỉ để lại những thiệt hại kinh tế nặng nề mà tổn thất tinh thần đối với người dân địa phương cũng vô cùng to lớn.

Trước thực tế này, hằng năm, chính quyền địa phương cùng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng các mô hình phòng, chống cháy, nổ, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện an toàn, cháy, nổ tại các di tích.

Ông Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc BQL Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, lâu nay, việc quan trọng hàng đầu luôn được Hà Nội quán triệt là nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác bảo vệ tại các di tích, đặc biệt về phòng cháy, chữa cháy. Trong các chương trình tập huấn, BQL Di tích danh thắng Hà Nội thường xuyên tuyên truyền tới cán bộ, viên chức, người lao động phải nâng cao ý thức PCCC. “Bởi di sản văn hóa là tài sản quý báu cha ông để lại, nếu mất đi sẽ không thể làm lại”, ông Nguyễn Doãn Văn chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến cũng nhấn mạnh, các di tích ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung đều hàm chứa các giá trị về văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật truyền thống và có đặc thù là hầu hết đều được làm từ vật liệu gỗ. Bởi thế, nhiều di tích luôn tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn rất cao, chỉ một chút lơ là cũng có thể dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Một câu hỏi khác cũng được dư luận đặt ra, sau những vụ hỏa hoạn khiến cho nhiều di vật, hiện vật của các bậc tiền nhân để lại bị thiêu rụi, trách nhiệm thuộc về ai, người trông coi di tích hay chính quyền địa phương? Nếu không chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai để có biện pháp xử lý nghiêm nhằm răn đe cho nhiều người khác (nhà chùa, ban quản lý di tích, người được thuê trông coi hay chính quyền sở tại) thì những lời cảnh báo trên e rằng ít mang lại hiệu quả.

“Hà Nội có gần sáu nghìn di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị đặc biệt. Mặc dù công tác PCCC tại các di tích thường xuyên được tăng cường nhưng thực tế vẫn xảy ra không ít vụ cháy nghiêm trọng. Nguyên nhân phần nhiều do mạng lưới điện nội bộ tại di tích không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, việc thắp hương, nến, hóa vàng… cũng là nguồn sinh lửa. Với đặc thù của các di tích, buộc phải có những phương án quản lý tốt, chặt chẽ thì mới hạn chế được những sự việc đáng tiếc này…”, theo ông Tiến.

Đây cũng là nội dung cảnh báo luôn thời sự và chưa bao giờ hết nóng. Hằng năm, Cục Di sản văn hóa đều tham mưu Bộ VHTTDL ban hành văn bản nhắc nhở các địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Sau mỗi vụ hỏa hoạn xảy ra, điều để lại không chỉ là những bài học tiếc nuối mà hơn thế, cho thấy những cảnh báo này vẫn luôn là giải pháp cần thiết và thậm chí ngày càng phải tăng cấp độ cao hơn.

Một câu hỏi khác cũng được dư luận đặt ra, sau những vụ hỏa hoạn khiến cho nhiều di vật, hiện vật của các bậc tiền nhân để lại bị thiêu rụi, trách nhiệm thuộc về ai, người trông coi di tích hay chính quyền địa phương? Nếu không chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai để có biện pháp xử lý nghiêm nhằm răn đe cho nhiều người khác (nhà chùa, ban quản lý di tích, người được thuê trông coi hay chính quyền sở tại) thì những lời cảnh báo trên e rằng ít mang lại hiệu quả.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×