Để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển phải hình thành môi trường văn hóa, đời sống văn hóa
29/06/2021 | 16:24Sáng 29/6, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược Văn hóa) và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm cầu Bộ VHTTDL có sự tham dự và chủ trì của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Đoàn Văn Việt; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.
Xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh là cái gốc của Chiến lược văn hóa
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cảm ơn các địa phương, trong điều kiện vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất kinh doanh đã cùng với Bộ VHTTDL nhìn lại việc thực hiện chiến lược văn hóa thời gian qua và đóng góp ý kiến trong thời gian tới.
Bộ trưởng nêu một số vấn đề cần Hội nghị tham gia đóng góp ý kiến. Theo Bộ trưởng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp. Theo Nghị quyết của Đại hội, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ thứ tư là xây dựng văn hóa con người Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ cho ngành VHTTDL phải tập trung cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Vì vậy trong thời gian qua, bên cạnh học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ đã chủ động xây dựng đề cương để tiến hành tổng kết chiến lược văn hóa và xây dựng chiến lược văn hóa mới mà nội hàm trọng tâm chính là phải đảm bảo được mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra là khơi dậy và phát huy khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trong đó văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh, đồng thời mục tiêu xây dựng văn hóa phải hướng tới xây dựng con người Việt Nam theo hướng Chân Thiện Mỹ.
"Văn hóa là để phục vụ cho con người và con người tạo ra văn hoá. Từ quan điểm đó và nhận thức sâu sắc về những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, Bộ đã tiến hành tổng kết toàn diện về việc thực hiện Chiến lược Văn hóa trong trong thời kỳ qua, làm rõ những thành tựu đã đạt được, phân tích và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập và đặc biệt là rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nhìn lại việc thực hiện Chiến lược văn hóa giai đoạn trước đây, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế, trong đó, so với mục tiêu chung thì việc hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược vẫn ở mức thấp, nhiều nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong Chiến lược chưa thực hiện được và nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực và khi xây dựng Chiến lược còn thiếu tính khả thi.
Vì vậy, trên cơ sở quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lời căn dặn của Bác là khi xây dựng kế hoạch phải đi từ thấp đến cao, dễ đến khó, không phải chỉ một bản Kế hoạch viết cho hay, đọc nghe sướng nhưng khi tổ chức thực hiện thì rất khó khăn. Từ thấm nhuần lời dạy của Bác cũng như vấn đề xây dựng kế hoạch và chiến lược, Bộ đã thành lập tổ công tác để tập trung nghiên cứu, xây dựng từ đề cương cho đến hoàn thiện dự thảo văn kiện.
Bộ đã xin ý kiến các đơn vị, địa phương, đến nay trên 50% tỉnh, thành ủy ký công văn góp ý xây dựng Chiến lược. Bộ VHTTDL đang tiếp cận những ý kiến hợp lý nhất để hoàn thiện lại Chiến lược.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là vấn đề khó và mới, mong các địa biểu dành nhiều thời gian hơn quan tâm trong việc xây dựng chiến lược. Chiến lược lần này đã cố gắng giảm bớt tính hàn lâm nhưng vẫn dẫn luận lại những quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là phát triển quan điểm mới, những luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII để từ đó tập trung cho các nhiệm vụ và giải pháp.
Trên cơ sở 5 quan điểm và các mục tiêu, định hướng nêu trong Chiến lược, Bộ VHTTDL mong muốn nhận được góp ý, bổ sung thêm những quan điểm nào là then chốt và làm rõ thêm nội hàm của từng quan điểm để khi tổ chức thực hiện không đi chệch hướng.
Thứ hai, tiếp cận theo hướng mục tiêu tổng quát là khát vọng xây dựng Việt Nam hùng mạnh. Có thể hiểu đó là ước mơ, là động lực bên trong của mỗi con người, tổ chức để hành động và thực hiện, biến ước mơ đó thành hiện thực. Trong đó văn hóa là sức mạnh nội sinh, tạo ra sức bật cho sự phát triển. Vì vậy từ mục tiêu tổng quát, đi kèm với các mục tiêu cụ thể trong dự thảo Chiến lược, các đại biểu so sánh đối chiếu xem chỉ tiêu phù hợp hay không, định hướng phù hợp hay không, nhất là các chỉ tiêu về thiết chế, về văn hóa, về đời sống văn hóa cơ sở theo hướng thực chất hơn.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu quan tâm nhiều hơn để giúp Bộ xem xét hoàn thiện thêm 9 nhiệm vụ mà dự thảo Chiến lược đề cập. Bộ đặc biệt lưu ý đến các nhóm nhiệm vụ hiện nay đang rất bức xúc, cần phải tập trung giải quyết.
"Vì vậy, phải chăng xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh là cái gốc của Chiến lược lần này. Bởi lẽ, nếu muốn văn hóa trở thành động lực của sự phát triển thì phải hình thành môi trường văn hóa và đời sống văn hóa. Tiếp cận theo hướng này thì đâu là mặt trận cần tập trung để tổ chức thực hiện. Từ quan điểm này chúng ta phải lựa chọn tính toán, có diện rộng nhưng có điểm nhấn"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề.
Bộ trưởng cũng nêu vấn đề xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng đời sống văn hóa; hình thành đời sống văn hóa khu dân cư nhưng không phải cào bằng mà tiếp cận ở sự đa dạng trong tính thống nhất với 54 cộng đồng dân tộc, với các khu dân cư khác nhau, vùng miền khác nhau.... lựa chọn làm điểm và làm thế nào để hiệu quả cao hơn.
"Không có một khuôn mẫu nào cho một loại hình cụ thể. Nhưng khi chúng ta tiếp cận theo hướng thực chất, thiết thực, làm từ nhỏ đến lớn, không chạy theo thành tích thì liệu đích đến trong Chiến lược có đạt được không. Một trong những nhiệm vụ là phải tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của một số lĩnh vực văn hóa mà hiện nay đang thấy có vấn đề cần chấn chỉnh. Trong nghệ thuật biểu diễn, hướng vào đâu để giữ lại được những loại hình đặc sắc của văn hóa Việt Nam mà thế giới không có? Trong điện ảnh đón gió mới của thế giới ra sao mà không bị ngoại lai xâm chiếm? Mỹ thuật và triển lãm cũng phải khẳng định để vượt qua khó khăn, ách tắc mà lâu nay hình ảnh văn hóa chưa được hiện diện đậm nét. Đồng thời phải làm gì để có chiến lược bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa; tôn tạo giữ gìn phát huy các giá trị di sản... Các vấn đề nêu trên phải đưa ra trong Chiến lược"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần tiếp cận theo nhóm, nhóm thể chế, chính sách. Phải tập trung hoàn thiện một số bộ Luật về lĩnh vực VHTTDL theo hướng xây dựng luật để tạo động lực của sự phát triển. Đi kèm là các đề án, chương trình có tính chất trọng điểm để khi tổ chức thực hiện phải tạo ra đòn bẩy cho toàn bộ hệ thống.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp cận theo hướng chọn từ 10-12 đề án trong 5 năm, cân đối nguồn lực để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, cân đối để có nguồn lực để tổ chức thực hiện. Đề án và các chương trình phải trên cơ sở dựa trên kế hoạch tài chính để làm. Đó là nguồn lực quốc gia, xã hội hóa và trên tinh thần phải chủ động, sáng tạo, tiết kiệm, đầu tư ít nhất nhưng hiệu quả cao nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến của các địa phương, ban bộ ngành trên tinh thần hình thành tổng thể văn hóa từ Trung ương đến địa phương, xuyên suốt. Mong các giám đốc Sở triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về lĩnh vực văn hóa sẽ tiếp nối và liên thông Chiến lược này với các nhiệm vụ ở địa phương. "Sở mạnh thì Bộ mới mạnh. Sở có làm tốt thì Bộ mới vận hành tốt, Bộ tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn về tiêu chí và nghiệp vụ, Sở tổ chức thực hiện để khi Chiến lược ban hành đều có trách nhiệm của các ngành các cấp đang thực hiện nhiệm vụ văn hóa để góp phần hoàn thiện, kết tinh trí tuệ của những người làm văn hóa để có một Chiến lược văn hóa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ VHTTDL mong nhận được những ý kiến xác đáng, trách nhiệm tại Hội nghị, tập thể Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã trình bày Dự thảo Chiến lược văn hóa và Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trình bày Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất cao với Dự thảo Chiến lược văn hóa, đồng thời nhiệt tình đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo.
Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững
Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Từ quan điểm chỉ đạo đó, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, ban hành nghị quyết 06 của Thành ủy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh… Trong nhiệm kỳ ĐH đảng bộ các cấp công tác quản lý nhà nước về văn hóa đạt nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành các chỉ tiêu, nhận thức về văn hóa ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo vệ, kế thừa và phát huy… Hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế có nhiều nét khởi sắc. Tuy nhiên, ông Chử Xuân Dũng cho rằng, ngành văn hóa địa phương vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại như: chưa được quan tâm tương xứng, đầu tư chưa đúng mức, chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn lớn, công tác quản lý, chỉ đạo còn lúng túng trong việc cụ thể hóa thể chế nhà nước.
Theo ông Dũng, cần quan tâm cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa từ Trung ương tới cơ sở, để các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào thực tiễn. Hàng năm xây dựng các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý văn hóa các cấp, đào tạo đội ngũ kế cận, am hiểu công nghệ để áp dụng trong lĩnh vực văn hóa. Hoàn thiện thể chế chính sách trong quản lý văn hóa: cải cách thủ tục hành chính, thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các cá nhân doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quan tâm nguồn lực đầu tư cho văn hóa, tăng 30% đầu tư cho văn hóa trong nhiệm kỳ 2015-2020 so với nhiệm kỳ 2010-2015.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với các dự thảo, các nội dung được đề cập lần này thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng kế hoạch cho tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có các giải pháp vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị, xây dựng Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước. Huế có những giải pháp như tăng cường giáo dục pháp luật về bảo tồn di sản, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với công tác bảo tồn di sản văn hóa; quy hoạch phát triển di tích trên địa bàn trong đó trọng tâm bảo tồn cố đô Huế; Thiết lập quy định về bảo tồn, tập trung nguồn lực để bảo tồn trùng tu phù hợp… Rất mừng vì trong dự thảo chiến lược của Bộ có Đề án bảo tồn phát huy giá trị di sản Việt Nam.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Các hoạt động văn hóa, du lịch thường không có định lượng rõ ràng gây khó khăn cho nhà quản lý. Trong mục tiêu phát triển bền vững, sự phân tán nguồn dữ liệu, thiếu bằng chứng định lượng khiến ngành văn hóa, du lịch dễ bị đặt ra bên lề trong ưu tiên phát triển của các quốc gia và địa phương, dễ bị gạt ra trong các dự án hợp tác quốc tế… Đây là tình trạng chung của các quốc gia. Để giải quyết vấn đề đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã giao UNESCO xây dựng bộ chỉ số văn hóa phát triển bền vững- là khung chỉ số với các chỉ tiêu đo lường, tăng trưởng đa chiều có sự đóng góp của Văn hóa trong phát triển bền vững.
Bà Hường khẳng định, UNESCO luôn coi trọng việc hợp tác từ phía Việt Nam và đánh giá rất cao việc Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia tiên phong thử nghiệm bộ chỉ số đo lường chỉ số văn hóa trong phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, các đại biểu tại nhiều địa phương cũng đóng góp ý kiến về việc khai thác nguồn lực văn hóa, nhất quán quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, xã hội…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cảm ơn các địa phương đã tham dự, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chiến lược văn hóa và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng cho biết, những ý kiến, nhóm ý kiến tại Hội nghị sẽ được Bộ VHTTDL tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành./.