Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục: Quyết liệt thực hiện nhóm giải pháp tổng lực

21/12/2023 | 16:04

Thể thao thành tích cao ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm, chú trọng. Đây được xem là chính sách đầu tư rất hiệu quả nhằm quảng bá hình ảnh, nâng cao ý thức tự tôn dân tộc và thể hiện sức mạnh của đất nước. Hầu như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều tăng cường đầu tư, xây dựng các cơ sở huấn luyện hiện đại và các công trình thể thao lớn, có kế hoạch đào tạo bài bản và chính sách đãi ngộ nhân tài ở mức cao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ cùng các phương pháp huấn luyện tiên tiến nhằm nâng cao thành tích. Do đó sự cạnh tranh giữa các nước ngày càng lớn.

.

Để thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục: Quyết liệt thực hiện nhóm giải pháp tổng lực - Ảnh 1.

Phạm Quang Huy (giữa) giành HCV lịch sử cho Bắn súng Việt Nam tại Asian Games - 19.

Và với Thể thao Việt Nam, bối cảnh này càng đòi hỏi chúng ta cần phải có những giải pháp hữu hiệu và hành động quyết liệt, để thành tích dần tiếp cận với châu lục và thế giới.

Tạo bước đột phá về thành tích

Theo lý giải của các chuyên gia, việc Việt Nam luôn là một trong 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng không đạt được thành tích cao tại đấu trường châu lục và thế giới xuất phát từ những nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, sự cạnh tranh về thành tích ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia ở châu lục và thế giới. Thứ hai, đầu tư cho thể thao thành tích cao của chúng ta còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu để có thể đạt được thành tích, trình độ của châu lục và thế giới. Thứ ba, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam nói chung, các VĐV nói riêng còn hạn chế, thua kém nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới.

Từ việc nhận thức rõ các nguyên nhân nêu trên, Thể thao Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là tạo bước đột phá về thành tích tại các kỳ Olympic và ASIAD; Xây dựng hệ thống đào tạo VĐV một cách khoa học, bền vững; tập trung đầu tư trọng điểm cho các VĐV ưu tú tham gia thi đấu tại Olympic 2024, 2028 và ASIAD 2026 và 2030. Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030.

Về mục tiêu cụ thể, tại Olympic Paris 2024, Thể thao Việt Nam phấn đấu có từ 15-18 VĐV vượt qua vòng loại giành quyền tham dự ở các môn: Xe đạp, Bắn súng, Bơi lội, Điền kinh, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Boxing, Đua thuyền, Bắn cung, Cầu lông… Phấn đấu đến Olympic Los Angeles 2028, có trên 20 VĐV vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự Olympic.

Tại ASIAD 20 Aichi - Nagoya 2026, phấn đấu giành từ 5-6 HCV ở các môn: Bắn súng, Karate, Cầu mây, Xe đạp, Điền kinh, Đua thuyền, Thể thao điện tử, Taekwondo, Wushu… Chuẩn bị lực lượng để có thể giành từ 7-8 HCV tại ASIAD 21 Doha 2030. Tại các kỳ SEA Games 2025, 2027 và 2029, giữ vị trí trong tốp 3 toàn đoàn, tốp 2 đối với các môn thể thao Olympic. Tận dụng cơ hội thi đấu tại SEA Games để phát triển lực lượng chuẩn bị cho Olympic và ASIAD.

Để thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục: Quyết liệt thực hiện nhóm giải pháp tổng lực - Ảnh 2.

Đội tuyển Bóng rổ 3 x 3 xuất sắc mang về tấm HCV tại SEA Games 32.

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp

Để nâng cao thành tích, Thể thao Việt Nam cũng xác định 6 nhóm nhiệm vụ. Thứ nhất là Quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành HCV tại ASIAD 20 năm 2026 và Olympic 2024, 2028. Theo đó nhóm 1 là các môn, nội dung trọng điểm có thể tranh chấp HCV ASIAD và tranh chấp huy chương Olympic gồm: Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Đua thuyền, Xe đạp, Bắn cung, Cầu lông và nội dung hạng cân nhỏ ở môn thể thao đối kháng như Taekwondo, Boxing, Judo, Vật (trong đó chú trọng ưu tiên nữ).

Nhóm 2 là các môn thể thao, nội dung trọng điểm có thể tranh chấp huy chương ASIAD và HCV tại SEA Games gồm 16 môn là Bóng đá, Bơi, Đua thuyền, Cử tạ, Bắn súng, Karate, Taekwondo, Wushu, Bắn cung, Pencak Silat, Boxing, Kiếm, Thể dục, Vật, Xe đạp, Điền kinh và các môn: Cờ, Bóng chuyền, Golf… Nhóm 3 là các môn có trong chương trình thi đấu của ASIAD mang tính xã hội hóa hiện đại và tính công nghệ như: Thể thao điện tử (esport), Xe đạp lòng chảo, BMX, Leo núi, Thuyền buồm, Cờ, Golf, Tennis…

Trong các nhóm trên, Cục Thể dục thể thao dự kiến tập trung đầu tư cao cho các môn thuộc nhóm các môn 3 trong 1, phục vụ nhiệm vụ tại Olympic, ASIAD và SEA Games như: Điền kinh, Bơi, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Cử tạ, Xe đạp, Bắn cung, Rowing và nhóm các môn võ (Boxing nữ, Taekwondo, Vật nữ). Việc xác định nhóm các môn thể thao có khả năng cạnh tranh huy chương nêu trên dựa trên trình độ, năng lực thực tế lực lượng VĐV hiện có của nước ta cũng như thành tích của các VĐV đã đạt được tại các giải thi đấu cấp châu lục và thế giới trong thời gian gần đây.

Thực tế cho thấy, chúng ta đã giành được huy chương Olympic ở môn Bắn súng, Taekwondo và Cử tạ; giành HCV ASIAD môn Điền kinh và Rowing; giành HCV châu lục và giành suất tham dự Olympic ở các môn Xe đạp, Bắn cung, Bơi. Vì thế nếu có chiến lược phù hợp ở các môn, thậm chí là đối với các nội dung trọng điểm, chúng ta có thể xây dựng được một lực lượng VĐV mạnh, đủ sức cạnh tranh ở đấu trường Olympic và ASIAD.

Thứ hai là hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả huấn luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các trung tâm huấn luyện thể thao thuộc quản lý của các tỉnh, thành phố và ngành Công an, Quân đội, đảm bảo nguyên tắc mỗi trung tâm huấn luyện có tiềm lực, thế mạnh riêng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng, vận hành các cơ sở đào tạo VĐV và bảo trợ, tài trợ cho các đội tuyển thể thao, VĐV tài năng. Rà soát, xác định thế mạnh để tiến tới chuyên biệt hóa nhiệm vụ của mỗi Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, các cơ sở đào tạo thể thao thành tích cao của các địa phương, các ngành. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các Trung tâm huấn luyện chuyên biệt, Học viện Olympic hoặc các Trung tâm Huấn luyện công nghệ cao trong tương lai.

Thứ ba là chăm lo, cải thiện các chế độ, chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV về lương, thưởng, bảo hiểm, chế độ ưu đãi về học tập, việc làm, chữa trị chấn thương, hướng nghiệp, khởi nghiệp, chuyển đổi việc làm cho VĐV sau khi kết thúc thi đấu. Chú trọng triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa đối với VĐV, bồi dưỡng chuyên môn đối với HLV, trọng tài. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các VĐV xuất sắc… Thứ tư là phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện.

Thứ năm là đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy năng lực của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể dục thể thao. Thứ sáu là bảo đảm nguồn lực về tài chính và phát triển kinh tế thể thao, trong đó ngân sách nhà nước là nền tảng nhưng cần huy động được các nguồn kinh phí tài trợ; xây dựng thương hiệu riêng để phát triển hình ảnh cho mỗi VĐV, mỗi đội tuyển thể thao thông qua các hoạt động tuyên truyền.

Cục Thể dục thể thao cũng đề ra các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện như nhóm giải pháp về xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao từ việc tuyển chọn, xác định VĐV; xác định phương thức đào tạo VĐV; xác định địa bàn đào tạo VĐV; lực lượng cán bộ, HLV và xác định giải pháp chuyên môn cho từng môn thể thao. Tiếp đến là nhóm giải pháp nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho VĐV; nhóm giải pháp xã hội hóa thể thao thành tích cao; nhóm giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính. Trong đó bảo đảm đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển thành tích. Đồng thời chuyển dần việc tổ chức các hoạt động thi đấu từ cơ quan nhà nước sang các Liên đoàn thể thao. Tăng cường hỗtrợ về cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết khác cho các Liên đoàn thực hiện nhiệm vụ này. Cũng như huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Với các nhiệm vụ và giải pháp mà Cục Thể dục thể thao đề ra, trong Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tổ chức vào ngày 21.12 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương, HLV, VĐV cùng bàn bạc về những giải pháp để giúp Thể thao Việt Nam vươn tầm đến với đấu trường châu lục và thế giới./.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×