Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập từ thực tiễn Cố đô Huế

27/11/2021 | 10:48

Huế là vùng đất của văn hóa, di sản. Huế cũng sở hữu những danh hiệu phong phú và đáng nể về lĩnh vực này: “Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Huế, một điểm đến 5 di sản”...

Để phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập từ thực tiễn Cố đô Huế - Ảnh 1.

Một phần bộ sưu tập cổ vật của bà Cecile Lê Phạm ở 52 Hàm Nghi

Thừa Thiên Huế có 3 quần thể/cụm di tích được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia, 89 di tích cấp tỉnh. Và trong hàng chục ngàn cổ vật đang lưu giữ tại Cố đô, đã có 35 hiện vật thuộc 9 nhóm cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di sản, từ rất sớm, tỉnh đã thành lập các đơn vị chuyên môn, các thiết chế văn hóa khá phù hợp. Đối với di sản cổ vật và nghệ thuật, Thừa Thiên Huế đã có 5 bảo tàng công lập để quản lý các nhóm hiện vật khác nhau: Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Văn hóa Huế (mới giải thể). Các bảo tàng này đã đóng góp không nhỏ trong việc gìn giữ, khai thác và phát huy giá trị một phần quan trọng của kho tàng cổ vật xứ Huế trong nhiều năm qua.

Bối cảnh xã hội đã thay đổi, việc khai thác các trầm tích văn hóa phong phú của Huế cần phải có hướng tiếp cận mới: đó là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tranh thủ được trí tuệ, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống công lập. Trên quan điểm này, Cố đô Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng hệ thống chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập một số bảo tàng ngoài công lập.

Ba năm trước, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 8/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao...; đến cuối năm 2020, HĐND tỉnh lại thông qua nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2030 với các nội dung cụ thể và khá thực tế.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có hai bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ của Công ty XQ Cổ Độ. Ngoài ra, Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) của Công ty An Nhã đi vào hoạt động và đã được công nhận là điểm du lịch của Huế.

Xét về tiềm năng, Cố đô Huế hoàn toàn có thể hình thành một hệ thống phong phú các bảo tàng ngoài công lập với nhiều hình thức khác nhau: Bảo tàng chuyên đề, bảo tàng nghề, bảo tàng lưu niệm (như 3 bảo tàng đã đi vào hoạt động), bảo tàng tổng hợp, bảo tàng ngành hoặc liên ngành… Có một điều đáng chú ý là cho đến nay, các bảo tàng ngoài công lập của Huế đều được thành lập hoặc có nguồn gốc hình thành từ các chủ sở hữu là những người không phải sống ở Huế mà chỉ do yêu Huế, muốn gắn bó với Huế nên họ đã chọn Cố đô để lập nghiệp, để “quay về” hoặc hiến tặng các sưu tập hiện vật để thành lập không gian lưu niệm/bảo tàng.

Ngay cả Bảo tàng Mỹ thuật Huế, là một bảo tàng công lập, cũng được hình thành từ hai bộ sưu tập hiện vật chính do hai họa sĩ/nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới trao tặng (Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị). Và trong tương lai gần, khả năng hình thành một số bảo tàng ngoài công lập mới vẫn chủ yếu là theo cách thức này, tiêu biểu là Bảo tàng Sông Hương của GS. TS. Thái Kim Lan (Việt kiều Đức), Bảo tàng Mỹ thuật tổng hợp của bà Cecile Lê Phạm (Việt kiều Pháp), Bảo tàng Ẩm thực Huế của Công ty Vietravel (TP. Hồ Chí Minh)… Vì vậy, cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để những bảo tàng này sớm được thành lập và đi vào hoạt động.

Trên thực tế, một số cá nhân, tổ chức dù có thực lực và rất tâm huyết trong việc thành lập bảo tàng nhưng lại chưa thật am hiểu và thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các thủ tục theo quy định của pháp luật, vì vậy thường tỏ ra lúng túng, thậm chí thất vọng, chán nản. Đây chính là điểm bất cập mà các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng xử lý. Chính sách hỗ trợ cho bảo tàng ngoài công lập của Thừa Thiên Huế đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, bao gồm: Hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà đất làm bảo tàng; hỗ trợ hoạt động trưng bày triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và hỗ trợ quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, các chính sách này cần được cụ thể hóa thành các thủ tục hành chính kèm theo các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao cho ngành văn hóa chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu để sớm triển khai trong thời gian tới.

Một điểm quan trọng nữa từ kinh nghiệm thực tiễn là các bảo tàng ngoài công lập khi đi vào hoạt động cần kết hợp với các hoạt động dịch vụ thích hợp (bán hàng lưu niệm, ẩm thực, cà phê, trà...) vừa để đáp ứng cho nhu cầu của du khách, vừa tạo ra nguồn lợi để duy trì hoạt động của bảo tàng. Chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần lưu ý để tạo điều kiện cho hoạt động này của các bảo tàng ngoài công lập.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×