Đề nghị ghi danh “Lễ hội Bỏ mả của người Raglai tỉnh Ninh Thuận” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
03/07/2018 | 09:30Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018. Trong đó, đề nghị Bộ VHTTDL ghi danh “Lễ hội Bỏ mả của người Raglai” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Bỏ mả của người Raglai tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục tuyên truyền phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm lớn; tham mưu đề xuất đầu tư nguồn vốn đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa quy mô lớn nhằm quảng bá tiềm năng văn hóa Ninh Thuận đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, thi đua nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Tiếp tục đầu tư xây dựng các loại hình thiết chế văn hóa ở cơ sở, trang thiết bị cho các đội thông tin lưu động, các nhà văn hoá… nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, làm công cụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao đời sống tinh thần văn hóa đến với người dân.
Bên cạnh đó, hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định về việc lập hồ sơ trình Tổ chức UNESCO ghi danh “Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; tham mưu UBND tỉnh trình Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2025 cho HĐND tỉnh phê duyệt… Đặc biệt, trong đó đề nghị Bộ VHTTDL ghi danh “Lễ hội Bỏ mả của người Raglai tỉnh Ninh Thuận” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai ở Ninh Thuận, với mục đích tiễn đưa người chết về thế giới bên kia. Đồng thời “giải thoát” hoàn toàn mọi sự ràng buộc của người sống đối với người chết. Đồng bào Raglai cho rằng chưa làm lễ bỏ mả là chưa cắt đứt mối quan hệ linh hồn giữa người chết với người còn sống. Vì thế, trong suốt thời gian này, người nhà phải qua lại thăm viếng, tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người đã khuất. Chỉ khi nào làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết mới được siêu thoát và đi về thế giới của ông bà tổ tiên. Sau lễ cúng bỏ mả coi như hết tang, người chồng hoặc người vợ được người quá cố cho phép đi bước nữa để thực hiện cuộc sống tự do của mình.
Lễ hội bỏ mả được coi là một lễ hội lớn của gia đình, cộng đồng, một ngày vui thực sự của người sống và của cả người chết. Trong lễ bỏ mả có đánh mã la, đâm trâu, múa hát, uống rượu cần mừng cho linh hồn người chết được siêu thoát.
Lễ bỏ mả thường được tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch, thời điểm chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Thời gian tổ chức thường là 3-5 ngày bao gồm nhiều công việc được tiến hành với nhiều lễ thức. Có một số lễ thức khác nhau do quy mô của lễ thuộc đám lớn hay đám nhỏ, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, dòng tộc của người chết và cũng tùy theo phong tục địa phương.
Lễ bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết. Đồng thời còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ và còn biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người.
Lan Anh (t/h)