Để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sống mãi với thời gian
09/12/2021 | 20:33Chiều 8/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý Nhà nước, phát triển Văn học. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương. Cùng tham dự Hội nghị có ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam; ông Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; ông Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, các Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTTDL.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hội nghị là dịp để Lãnh đạo Bộ VHTTDL và lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật cùng ngồi lại trao đổi tìm giải pháp tối ưu với mong muốn phát triển văn học nước nhà.
Bộ trưởng cho biết, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11 vừa qua đặt ra mong muốn ngày càng có nhiều tác phẩm văn học lớn, sống mãi với thời gian. Những tác phẩm có chức năng giáo dục, chức năng bồi dưỡng cái đẹp, có giá trị chân- thiện- mỹ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL có chức năng phối hợp phát triển văn học nghệ thuật. Trong nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đã luôn chủ động phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, với Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển đòi hỏi Bộ và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam cùng nỗ lực, cố gắng chung tay, góp sức phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật.
Bộ trưởng mong muốn tại Hội nghị, các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, với tâm huyết và trách nhiệm để sao cho có thể xây dựng được Đề án phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng được yêu cầu phát triển của văn học trong thời đại mới, để chúng ta ngày càng có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sống mãi với thời gian, định hướng được chức năng giáo dục, bồi đắp cái đẹp, chân – thiện – mỹ của văn học như tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá, việc tổ chức Hội nghị là một việc làm đầy ý nghĩa, kịp thời, được tổ chức để triển khai tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng đây là cơ hội vàng để anh em văn nghệ sĩ có thể đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hơn 4 vạn văn nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực đang sinh hoạt tại Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chính là "máy cái" để sản sinh ra hàng ngàn tác phẩm. Từ trước tới nay Bộ VHTTDL và Hội cũng đã có nhiều chương trình ký kết về chế độ chính sách, về đặt hàng tác phẩm nhưng đó mới chỉ dừng ở các chương trình phối hợp, chưa thể tạo thành cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ, ông thấy đau lòng, thậm chí là xấu hổ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên thực tế, gần đây chúng ta chưa có được những bài hát hay. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, với sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm của Bộ VHTTDL, đây sẽ là thời cơ để các nghệ sĩ trả lời rằng: Chúng tôi sẽ phấn đấu để có những tác phẩm hay.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mong muốn Đề án sẽ được đưa vào Chương trình mục tiêu về văn hóa để tạo cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời cho rằng, với tâm huyết của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã gợi đúng mạch nguồn sáng tạo để các văn nghệ sĩ sáng tác.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ cảm kích và tán thành chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là cùng nhau làm sao xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, văn học nghệ thuật, trình Thủ tướng. "Nếu Chương trình được Thủ tướng phê duyệt, được Quốc hội thông qua trong năm 2022, từ đó các bên bắt tay, liên kết sáng tạo giữa nhà quản lý với giới văn học nghệ thuật thì sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ"- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn cho rằng, cần có hành lang cho sự phát triển của văn học nghệ thuật, trong đó Bộ VHTTDL đóng vai trò tạo ra đại lộ lớn để các văn nghệ sĩ giống như các xe chuyển động trơn tru trên đại lộ ấy.
"Bộ VHTTDL làm ra đại lộ còn tất cả các văn nghệ sĩ giống như những cái xe chuyển động trên đại lộ đó. Đại lộ đúng thì chuyển động đúng, đại lộ sai thì chuyển động sai, đại lộ nhỏ hẹp thì chen chúc tắc đường, đại lộ thông thoáng thì xe bon bon chay… Bộ VHTTDL là người nhạc trưởng, tổng chỉ huy, nhà chiến lược. Tôi nghĩ Bộ trưởng sẽ có đủ tâm huyết để huy động các Hội VHNT và các nhà văn hóa khác, thiết kế, tạo dựng một đề án không chỉ 5-10 năm mà dài hơi hơn. Các Hội sẽ hiện thực hóa chiến lược đó"- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Tại Hội nghị, một số đại biểu kiến nghị Cục NTBD tổ chức các trại sáng tác cần chia theo chủ đề, bố trí thời gian dài hơn. Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, các trại sáng tác chỉ kéo dài từ 7 ngày đến 10 ngày, không đủ thời gian để các văn nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi thì không thể sáng tạo ra tác phẩm lớn. Một số ý kiến tại Hội nghị cho rằng, cùng với tăng thời gian tổ chức trại sáng tác, cần có tiêu chuẩn, tiêu chí lựa cho đối tượng tham gia phù hợp với chủ đề của Trại.
Ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông rất vui mừng vì tất cả các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng Đề án phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ trưởng cũng cho biết, về phần mình, Bộ VHTTDL sẽ cùng các bên liên quan xây dựng đề án trình Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Nếu được thông qua, Chương trình sẽ tạo nên một cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Ở đó sẽ có nguồn lực, giải pháp và cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển.
Theo Bộ trưởng, Đề án phát triển VHNT không chỉ là kinh phí, mà quan trọng nhất là vấn đề con người. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn từ khối óc và bàn tay tài hoa, lực lượng văn nghệ sĩ trên toàn quốc sẽ sáng tác được nhiều tác phẩm hay, sống mãi với thời gian.
Theo báo cáo của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ làm công tác văn học, nghệ thuật đã phát triển thành một hệ thống nhân lực chính trị nghề nghiệp hùng hậu. Hiện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 74 tổ chức thành viên với trên 40.000 văn nghệ sĩ. Đó là một đội ngũ đông đảo, giàu tài năng bao gồm nhiều thế hệ, một tài sản văn hóa quý báu của đất nước.
Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.151 hội viên. Hội được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và nhân dân. Hội đã hội tụ được những nhà văn có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, sáng tạo nên những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, những khát vọng đẹp đẽ của con người, góp phần xây dựng nên những giá trị, nền tảng tinh thần cho nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ chính trị của đất nước…
Về khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành, hiện chưa có cơ sở pháp lý quy định để điểu chỉnh công tác văn học; Quy định nội dung quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn học; nội dung quản lý đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về văn học nghệ thuật chưa rõ ràng. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn học còn thiếu về số lượng theo biên chế, việc bố trí cán bộ chuyên sâu có trình độ, am hiểu về chuyên môn làm công tác văn học gặp khó khăn về cơ chế và con người.
Đội ngũ viết văn hiện nay tương đối đông, song chủ yếu là các cây bút nghiệp dư; phần lớn không công tác trong các cơ quan nhà nước do đó ít chịu sự quản lý chặt chẽ bởi luật pháp. Vấn đề sáng tác, lý luận - phê bình văn học còn thiếu công trình nghiên cứu chuyên sâu có chất lượng; qua các hội thảo, nhận thức và quan niệm còn thiếu thống nhất, đội ngũ phê bình còn mỏng, thiếu các tác phẩm phê bình đích thực, một bộ phận chủ yếu là những người phê bình không chuyên…