Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam: Cần có những cơ chế, chính sách đột phá

05/12/2023 | 13:16

Dự kiến trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Cục Thể dục thể thao (TDTT) sẽ tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030.


Để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam: Cần có những cơ chế, chính sách đột phá - Ảnh 1.

Việc cải thiện thành tích của thể thao thành tích cao, đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra nhiều giải pháp nhằm phát triển thể thao, đặc biệt là nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Mong muốn nâng cao điều kiện tập luyện của các VĐV

Trả lời phỏng vấn PV, Trưởng phòng phòng thể thao thành tích cao 2 Cục TDTT Ngô Ích Quân cho biết, Hội nghị được tổ chức với mong muốn qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các HLV, VĐV để thấy rõ thực trạng của thể thao Việt Nam, những tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Từ đó đề ra các giải pháp để nâng cao thành tích thi đấu của thể thao Việt Nam tại các đấu trường quốc tế mà điểm nhấn sẽ là Asian Games, Olympic và SEA Games. “Qua các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, chúng ta cũng sẽ thấy được bài học kinh nghiệm từ các nước, nhất là các nước trong khu vực để tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn tại nước ta”, ông Ngô Ích Quân cho biết.

Thực ra không phải đến tận bây giờ mà câu chuyện làm sao để nâng cao thành tích thi đấu của thể thao Việt Nam tại các đấu trường quốc tế luôn đau đáu với các nhà chuyên môn. Chỉ có điều nhiều khi “cái khó bó cái khôn” khiến nhiều dự định không thực hiện được. HLV môn thể dục dụng cụ Trương Minh Sang kể câu chuyện khi anh đi tập huấn thi đấu ở các nước phát triển mà gần đây nhất là tại Nhật Bản, thì thấy hầu hết quá trình tập luyện của VĐV không phải chịu tác động quá nhiều bởi thời tiết.

“Ngay trong các khu tập luyện, mùa đông thì Trung tâm huấn luyện tại các nước có hệ thống sưởi ấm, mùa hè thì có hệ thống điều hoà làm mát nên VĐV lúc nào cũng ở trong trạng thái nhiệt độ ổn định. Vì thế các HLV cũng không phải điều chỉnh giáo án và quá trình tập luyện của các VĐV luôn ổn định. Đây cũng là mức nhiệt độ phù hợp với các cuộc thi đấu quốc tế. Trong khi đó ở nước ta, đa phần các đội tập luyện tại miền Bắc đều phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, lại hay thay đổi nên giáo án của HLV cũng thường xuyên phải thay đổi theo. Chẳng hạn như mùa đông quá lạnh hay mùa hè quá nóng cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình tập luyện của VĐV, vì nếu tính trung bình mùa đông và mùa hè chúng ta bị ảnh hưởng mất gần 3 tháng. Nếu 3 tháng đó không bị ảnh hưởng thì HLV, VĐV sẽ có chu kỳ huấn luyện xuyên suốt”, HLV Trương Minh Sang nói.

Cũng theo vị HLV trưởng thành từ nôi đào tạo TP.HCM này, thì hồi phục là khâu quan trọng giúp các VĐV nhanh chóng lấy lại thể lực để tập luyện tốt hơn thì các Trung tâm hiện nay ở nước ta lại đang thiếu. HLV này nêu ví dụ trong chuyến tập huấn ở Nhật Bản vừa qua, nơi tập luyện có sẵn khu hồi phục xông hơi, ngâm nóng, lạnh. VĐV sau khi tập xong sẽ chủ động vào các khu này để thư giãn, thả lỏng, tái tạo lại sức lực để các buổi sau tập luyện tốt hơn. Trong khi điều kiện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao của chúng ta hiện nay vẫn đang thiếu các khu hồi phục hiện đại, đáp ứng được yêu cầu mà chủ yếu trông chờ vào đội ngũ kỹ thuật viên. Vì thế nhiều khi VĐV tập luyện về mệt không được hồi phục dẫn đến việc ăn không ngon, giấc ngủ không sâu, thì buổi tập hôm sau sẽ không đáp ứng được giáo án. Vì thế VĐV rất khó vượt ngưỡng, tiến bộ... dần dần sẽ dẫn đến quá tải, chấn thương, ảnh hưởng đến tập luyện, thi đấu.

“Chúng tôi mong muốn qua Hội nghị và sự quan tâm của các cấp, ngành, các Trung tâm huấn luyện thể thao sẽ được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thi đấu. Trong đó cần chú trọng đến khu hồi phục khép kín riêng biệt cho VĐV. Bên cạnh đó nên tính toán đến bài toán yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến kế hoạch, giáo án của các đội tuyển tập huấn khu vực phía Bắc để đưa ra các giải pháp và có hướng khắc phục về cơ sở vật chất”, HLV Trương Minh Sang mong muốn.

Cần có những cơ chế, chính sách đầu tư cho lĩnh vực TDTT

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, nơi thường xuyên đóng góp 70% huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội quốc tế, bày tỏ mong muốn Hội nghị lần này sẽ đánh giá thực chất về thực trạng phát triển của thể thao Việt Nam, cả về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thời điểm quan trọng đánh dấu bước chuyển mình lớn của thể thao Việt Nam phải kể đến là SEA Games 22 tổ chức vào năm 2003.

“Khi đó với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều Bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước đã vào cuộc và cùng góp sức để tổ chức thành công kỳ Đại hội thể thao khu vực lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sự thành công về công tác tổ chức, nhất là vị trí nhất toàn đoàn khi đó đã tạo cú hích cho thể thao Việt Nam phát triển sau này. Chúng ta đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn và cũng đã đạt được nhiều thành tích hơn. Trải qua 20 năm, sau kỳ Đại hội đầu tiên, chúng ta cũng đã có được chiếc HCV danh giá nhất tại Olympic Rio 2016, cùng hàng loạt ngôi vô địch thế giới, châu Á, Đông Nam Á và hàng loạt huy chương tại các đấu trường quốc tế. Phong trào thể thao quần chúng cũng đã phát triển hơn trước. Giờ thì ngay từ sáng sớm, từ nông thôn tới thành thị, từ công viên tới vườn hoa, bể bơi hay những cung đường, cũng đều có thể thấy hình ảnh người dân hăng say tập thể dục. Đó là những thành tích mà thể thao Việt Nam đã đạt được từ sự quan tâm của các cấp, ngành”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tích đáng tự hào, thể thao Việt Nam cũng còn những tồn tại, hạn chế, dẫn đến thành tích chưa được như mong muốn. Đó là bộ máy tổ chức nhiều lần thay đổi; chế độ tiền công cho VĐV chưa theo kịp mặt bằng chung của xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra dẫn chứng khá xót xa khi một HLV, VĐV đỉnh cao, tập luyện nhiều năm nhưng lương chưa bằng công nhân ở các khu công nghiệp. Vì những khó khăn đó mà nhiều HLV, VĐV chưa thể yên tâm tập luyện và thi đấu, vẫn phải làm thêm các việc khác để tăng thu nhập.

Một vấn đề nữa cũng là chúng ta vẫn chưa có những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực TDTT. Vì thế dẫn đến những hạn chế trong việc kêu gọi xã hội hóa. Hiện tại cũng chỉ có một số liên đoàn làm tốt công tác này nhờ sự phổ cập và là môn được đông đảo người hâm mộ yêu thích là bóng đá, bóng chuyền. Các môn còn lại, đa số các Liên đoàn, Hiệp hội đều eo hẹp về kinh phí.

“Một vấn đề nữa về thể chế, Luật TDTT đã được ban hành, nhưng còn nhiều điểm chưa thể đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như trong Luật đã quy định các khu công nghiệp, chung cư cũng phải dành quỹ đất, đảm bảo điều kiện tập luyện TDTT cho công nhân nhưng giờ các khu chung cư xây san sát nhau chẳng có chỗ nào cho việc tập luyện thể thao; nhiều khu công nghiệp cũng không dành quỹ đất cho thiết chế thể thao… Như thế sẽ không thể thực hiện được mục tiêu rèn luyện sức khỏe rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nhằm mục tiêu nâng cao thể trạng người Việt Nam. Hay như thể thao học đường cũng còn phát triển chưa được như mong muốn. Từ đó không xây dựng được lực lượng chân đế cho thể thao thành tích cao”, ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm.

Một điểm khó khăn nữa của thể thao Việt Nam là lực lượng VĐV còn mỏng. Hiện việc phát triển lực lượng mới chỉ trông chờ vào một vài đơn vị mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Quân đội. Nhiều địa phương do khó khăn nên cũng chưa đào tạo được nhiều lực lượng VĐV ở tuyến cơ sở dẫn đến tình trạng nhiều đội tuyển không có được lực lượng bổ sung hùng hậu. Như ở nội dung 10m súng ngắn hơi, trong khi các nước có nhiều VĐV giỏi bắn được ở mức trên 580 điểm để chắc chắn vào được chung kết, tranh huy chương tại các giải đấu lớn thì VĐV của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hay ở các môn như võ, vật, điền kinh, số lượng VĐV giỏi ở một hạng cân, một nội dung của chúng ta cũng không nhiều…

Vì thế giới chuyên môn hy vọng, Hội nghị sẽ tìm ra được nhiều giải pháp và sau đó sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thể thao Việt Nam phát triển như kỳ vọng. Đó cũng là mong muốn của những người hằng ngày, hằng giờ tâm huyết với sự nghiệp phát triển thể dục thể thao. 

Luật TDTT đã được ban hành, nhưng còn nhiều điểm chưa thể đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như trong Luật đã quy định các khu công nghiệp, chung cư cũng phải dành quỹ đất, đảm bảo điều kiện tập luyện TDTT cho công nhân nhưng giờ các khu chung cư xây san sát nhau chẳng có chỗ nào cho việc tập luyện thể thao; nhiều khu công nghiệp cũng không dành quỹ đất cho thiết chế thể thao… Như thế sẽ không thể thực hiện được mục tiêu rèn luyện sức khỏe rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nhằm mục tiêu nâng cao thể trạng người Việt Nam.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×