Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để lan tỏa hình ảnh đẹp của người Hà Nội

26/03/2025 | 15:00

Làm sao để nâng cao hiệu quả báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; ứng dụng công nghệ số như thế nào trong việc tuyên truyền, tôn vinh, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… là những vấn đề được các nhà quản lý, nhà báo, nhà văn hóa đưa ra tại Hội nghị tọa đàm “Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Để lan tỏa hình ảnh đẹp của người Hà Nội - Ảnh 1.

Đoàn công tác liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chợ Xuân Đỉnh 2 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: LY LY

Thực hiện tốt 2 bộ Quy tắc ứng xử của TP Hà Nội

Hội nghị do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức nhằm làm rõ vai trò của báo chí, truyền thông trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; định hướng chiến lược phát triển văn hóa. Đồng thời thảo luận các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phù hợp với xu thế thời đại số.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Cường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử, nhất là ứng xử nơi công cộng chưa có chuyển biến mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong nhận thức, một số cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn thiên về các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, đặc biệt là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có nguy cơ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, hạn chế tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng Thủ đô.

Theo Ths Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân dân Điện tử báo Nhân dân, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội quyết tâm và đi đầu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”.

Và sau 7 năm triển khai thực hiện trên toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã mang lại những thay đổi rõ nét. Những khẩu hiệu “Nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai” trên các chuyến xe bus, những ghế đá quanh hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây không còn bị chiếm dụng là nơi bán hàng nước của một số cá nhân, những ứng xử văn minh, lịch sự tại các di tích văn hóa… được lan tỏa mọi lúc mọi nơi, duy trì thường xuyên và lâu dài nhằm hình thành thói quen trong ứng xử hằng ngày của người Hà Nội.

“Rõ ràng, việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp, muốn thành công phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều Bộ, ngành, tổ chức, trong đó có lực lượng báo chí cả nước. Báo chí góp phần lan tỏa những hành vi ứng xử văn hóa một cách sâu rộng, tạo hiệu ứng tôn vinh, làm theo những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng, trong gia đình và trong toàn xã hội...”, ông Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Cần phát triển công nghệ

Ở một góc nhìn khác, ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền phong đặt vấn đề, địa giới hành chính của Hà Nội đã mở rộng, khi mà chúng ta chấp nhận một Hà Nội lớn mạnh, một Hà Nội cởi mở thì chúng ta có thể chấp nhận một Hà Nội rất đa dạng về văn hóa.

Với vai trò của báo chí là tuyên truyền, giáo dục, định hướng, thậm chí là đánh giá và phản biện, trong đó cần tăng cường tuyên truyền giáo dục thay đổi hành vi. Nếu chúng ta chọn nơi để tạo dựng văn hóa người Hà Nội trong tương lai thì cần chú trọng đến tuyên truyền giáo dục trong gia đình và nhà trường.

Từ ứng xử trong gia đình đến ứng xử ngoài xã hội rồi giao tiếp với công cộng bao gồm từ ngữ, lời nói, hành vi… tất cả cái đó là phần cấu tạo ra được cái nét đặc trưng văn hóa người Hà Nội.

Liên quan đến việc lan tỏa hình ảnh và giá trị người Hà Nội thanh lịch trên các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng di động của các cơ quan báo chí, của người nổi tiếng hay người dân, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký, Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ: “Việc truyền thông trên báo chí đã đạt được độ phủ rộng, nhưng nội dung một số sản phẩm báo chí chưa thực sự hấp dẫn và chưa theo kịp sự thay đổi của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Hiện trên mạng xã hội có rất nhiều trang về Hà Nội. Các trang này chia sẻ thông tin người Hà Nội thanh lịch thì ít mà hình ảnh người Hà Nội xấu xí thì nhiều, khiến công chúng bị tung hỏa mù”.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng, các cơ quan báo chí phải tận dụng nền tảng số nhiều hơn nữa, cần tạo ra những kênh truyền thông trên mạng xã hội mạnh để lan tỏa những nét đẹp của văn hóa Hà Nội, chiến thắng những thông tin tiêu cực.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập báo Văn Hóa khẳng định: “Các cơ quan báo chí cần phát triển công nghệ, đa nền tảng để lan tỏa tốt hơn các chuẩn mực về ứng xử văn hóa, tuyên truyền hành động đẹp, đồng thời phản ánh hành vi lệch chuẩn. Lâu nay, hành vi đẹp thì lan tỏa yếu nhưng đưa hành vi xấu thì lan tỏa rất mạnh trên mạng xã hội”.

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, trong hệ giá trị người Hà Nội không thể thoát ra khỏi hệ giá trị con người Việt Nam, rộng hơn nữa là hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị của người Hà Nội và hệ giá trị người Việt Nam có những điểm chung nhưng cũng có những điểm khác biệt tạo ra “chất” người Hà Nội. Những khí chất khác biệt của người Hà Nội đó là sự tinh tế, nhẹ nhàng từ lối sống, ẩm thực, ứng xử…

Tuy nhiên, trong thực tế đã có ít nhiều sự pha trộn và “chất” đó đang mất dần, mà không thể đổ lỗi cho sự di dân từ các địa phương khác. Vì vậy, trước hết báo chí, truyền thông cần tập trung vào tuyên truyền phổ biến những chuẩn mực văn hóa, nêu gương người tốt, ứng xử có văn hóa trong cộng đồng; phê phán, lên án hành vi thiếu văn minh…

Các ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia báo chí, truyền thông, nhà văn hóa… đã đóng góp những giải pháp sáng tạo, thiết thực để báo chí, truyền thông phát huy sứ mệnh của mình trong công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Theo Báo Văn Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×