Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để du lịch Non nước Cao Bằng cất cánh: Tập trung triển khai nhiệm vụ đột phá phát triển du lịch

06/12/2022 | 15:02

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh phát huy nội lực, huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc và trở thành thương hiệu du lịch miền núi của Việt Nam.

Để du lịch Non nước Cao Bằng cất cánh: Tập trung triển khai nhiệm vụ đột phá phát triển du lịch - Ảnh 1.

Cao Bằng có nhiều thắng cảnh say đắm lòng người.

Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững

Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa, có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Là địa phương có hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa bản địa.

Để du lịch Cao Bằng cất cánh vươn xa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển du lịch, dịch vụ là 1 trong 3 nội dung đột phá, với mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc, nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Cao Bằng ở trong nước và thế giới.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng Trương Thế Vinh, đột phá phát triển du lịch của tỉnh được thể hiện rõ trong kế hoạch thực hiện, đó là đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, có tính chất bước ngoặt trong quá trình phát triển ngành du lịch, dịch vụ, gồm: tạo đột phá về công tác quy hoạch, đầu tư du lịch; đột phá về sản phẩm du lịch; tạo đột phá về ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch; khai thác và phát huy danh hiệu CVĐC Non nước Cao Bằng; thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong đó, CVĐC Non nước Cao Bằng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, hỗ trợ giữ nhịp cho du lịch Cao Bằng theo hướng bền vững. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, tỉnh luôn hướng tới hiệu quả mang tính chiều sâu gồm con người, hạ tầng, sản phẩm, phát triển các tour, tuyến, bảo vệ, bảo tồn các điểm di sản, khuyến khích người dân tự bảo vệ, tự khai thác, truyền thông nhằm phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, tập trung quy hoạch vùng du lịch, đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn phát triển sản phẩm nông nghiệp với sản phẩm phục vụ khách du lịch, xây dựng CVĐC, đẩy mạnh truyền thông, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 78/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Huy động nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung đột phá

Xác định đúng và trúng khâu đột phá, tạo bước ngoặt và đề ra giải pháp cụ thể, tỉnh tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh; khai thác và phát huy danh hiệu CVĐC Non nước Cao Bằng; xây dựng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo nên thương hiệu và hình ảnh mỗi điểm đến du lịch của tỉnh, gồm các nhóm sản phẩm, như: du lịch văn hóa lịch sử, du lịch qua biên giới, sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng, tâm linh, cộng đồng...

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nhất là tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực và lan tỏa phát triển. Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, DLCĐ và các điểm có tiềm năng phát triển du lịch tạo bước đột phá cho du lịch phát triển.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan là Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch cũng như việc gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức, hiệp hội du lịch, công ty du lịch trong việc quản lý tại các khu, điểm du lịch.

Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến về các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tiếp cận các thông tin về các khu, điểm du lịch có thế mạnh, các điểm du lịch tiềm năng có thể khai thác, phát triển. Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để cộng đồng dân cư trong vùng chủ động nắm bắt. Thường xuyên trao đổi, giao tiếp đối với cộng đồng và các bên liên quan tham gia vào các dự án du lịch thực hiện trên địa bàn.

Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Cao Bằng. Tuyên truyền, vận động thực hiện phát triển du lịch thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tạo ra sự khác biệt cho mỗi nhóm sản phẩm và dịch vụ. Thông qua sự tham gia của cộng đồng địa phương để phát triển những làng nghề, lễ hội truyền thống, trồng các loại cây đặc sản của địa phương. Khuyến khích phát triển DLCĐ, du lịch nông thôn, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động trong ngành du lịch. Tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch đối với lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ bằng các chính sách hỗ trợ trong đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề. Tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người dân trong hoạt động du lịch để “mỗi người dân là một hướng dẫn viên”, tạo ấn tượng tốt đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch Cao Bằng trong thời gian tới.

Sau thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, làm giảm lượng khách, tỉnh ban hành Kế hoạch số 651/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, gồm chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; triển khai các gói kích cầu du lịch như khuyến khích các khu, điểm đổi mới, cải tạo cảnh quan, khuôn viên hình thành nhiều điểm “checkin” đẹp, phù hợp trào lưu, giảm giá vé tham quan theo tỷ lệ đoàn…; phát triển sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, khôi phục lại các hoạt động du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, huyện Trùng Khánh là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Cao Bằng. Để tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch đặc thù, huyện tập trung xây dựng mô hình thí điểm phát triển dịch vụ du lịch bền vững, phấn đấu đến năm 2025 thu hút hơn 3 triệu lượt khách, trong đó có 800.000 lượt khách quốc tế và hơn 2,2 triệu lượt khách nội địa.

Chị Nguyễn Kim Phương, chủ Tày Homestay, xóm Khuổi Ky (Trùng Khánh) chia sẻ: Quê mình đẹp và nhiều tiềm năng phát triển du lịch nên tôi quyết định làm homestay, vừa làm dịch vụ du lịch, vừa lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của người Tày bản địa. Hiện, homestay trung bình đón khoảng 300 khách/tháng, cao điểm nhất vào các dịp cuối tuần và ngày lễ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, các phòng, ban chuyên môn của huyện tập hợp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức hội thảo, lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững. Huyện chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc hữu như: hạt dẻ, gạo nếp Ong, nếp Pì Pất, tương mẹc cảng, vịt cỏ, thạch trắng mác púp, bánh khảo Thông Huề… Phát triển DLCĐ homestay gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa dân gian, bảo vệ môi trường…

Để du lịch phát triển xứng tầm, huyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh giáo dục cộng đồng phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động du lịch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung trong giai đoạn mới.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×