Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của Đảng

17/02/2023 | 07:41

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam.

Tháng 2/1943, Đảng ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. 80 năm đã đi qua, dân tộc ta, Đảng ta đã trải qua những chặng đường gian khổ, hào hùng, làm nên những thắng lợi vẻ vang. Bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể đã có nhiều đổi thay nhưng những nội dung cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.

Cội nguồn, động lực cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng (nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương), từ năm 1930, sau khi được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triển khai hoạt động theo hướng vận động chính trị, tiến lên vận động chuẩn bị đấu tranh vũ trang, tức là "làm cách mạng chính trị". Song, có một điểm khác căn bản với các phong trào cách mạng và yêu nước khác, không chỉ ở mặt ý thức hệ, mà ở chỗ, ngay khi tập trung cho việc vận động chính trị và chuẩn bị đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc, vào thời điểm cao trào và nóng bỏng nhất (năm 1943), Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất tỉnh táo và bản lĩnh, dành trí tuệ, tâm huyết chuẩn bị đường hướng cho việc tiến hành một sự nghiệp lớn: đấu tranh xây dựng "một nền văn hóa mới".

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam.

"Ở đây không phải chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị (như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm) mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị", GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của Đảng - Ảnh 1.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo)

GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định, ba luận điểm làm rõ "thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với văn hóa" được trình bày ngắn gọn, cô đúc trong Đề cương có giá trị khai phá mở đường, khẳng định tính nguyên tắc và trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa đó là: "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó, người cộng sản phải hoạt động"; "Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa" và "Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả".

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, các phong trào cách mạng và yêu nước khác, vào thời điểm đó, dù thể hiện đến tận cùng khát vọng giải phóng dân tộc, nhưng đều rơi vào thất bại, vì bế tắc về đường lối cứu nước, trong đó có nguyên nhân vì không kết hợp được sức mạnh của hai cuộc vận động lớn: vận động chính trị và vận động văn hóa.

Từ sự nhìn nhận thực tiễn lịch sử đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ nói về văn hóa hoặc chỉ có giá trị đối với lĩnh vực văn hóa cụ thể, mà còn góp phần tạo nên cội nguồn, động lực cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng để dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nếu từ tầm nhìn đó, có thể thấy rằng, mặc dù sau 80 năm nhìn lại, nhưng giá trị lớn của Đề cương vừa có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt của giai đoạn 1943 - 1945 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, vừa có tầm nhìn như là sự khai phá mở đường, đặt nền móng vững chắc và đúng đắn cho toàn bộ quá trình tìm tòi, xây dựng hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa.

Những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam

GS.TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943 - 1945, mà còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc. Đó chính là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam.

Vào thời điểm năm 1943, khi đất nước đang đứng trước những biến cố lớn, khó lường do Chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra khốc liệt, cuộc vận động cách mạng đang hết sức khẩn trương, Đề cương đã nêu lên hai "ức thuyết": một là "nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa Việt Nam nghèo nàn, thấp kém, và hai là "văn hóa Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thể giới".

Từ đó, Đề cương dự báo: "Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực".

"Đến nay, ức thuyết trên đã trở thành hiện thực gần 80 năm qua. Song, đặt ức thuyết đó vào thời điểm chúng ta đang "tay trắng" thì phải thấy rằng, đó là một dự báo tài tình, là kết quả của sự linh cảm, của niềm tin và đồng thời của sự phân tích khoa học thực trạng và sự vận động của lịch sử" GS.TS Đinh Xuân Dũng nhận định.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của Đảng - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Trường Chinh trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh về những văn kiện Đại hội lần thứ II của Đảng (Tuyên Quang, tháng 2/1951). (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, dự báo thứ hai của Đề cương còn có ý nghĩa chiến lược sâu sắc hơn, đó là sự khẳng định một quy luật có tính phổ quát của toàn bộ sự nghiệp cách mạng: "Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành cuộc cải tạo xã hội".

Năm 1945, chúng ta đã giành được độc lập dân tộc. Năm 1975, chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1991, khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã đứng vững. Cuối thế kỷ XX, chúng ta đã thoát khỏi tình trạng một nước nghèo nàn, kém phát triển và bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Như vậy, về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, song trên thực tiễn, đến nay, còn rất nhiều vấn đề lớn lao và hệ trọng trong bản thân sự phát triển của đất nước đang đặt ra gay gắt, trong đó, vấn đề văn hóa với ý nghĩa là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, là sự xây đắp và nuôi dưỡng nhân cách con người, là cuộc đấu tranh bền bỉ chống cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, sự tha hóa,... đã và đang nổi lên như một thách thức dai dẳng nhất, và phía trước, chưa có lời giải đáp thỏa đáng, có sức thuyết phục đối với những thách thức đó.

"Điều khẳng định trong Đề cương cách đây 80 năm "phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội" chính là việc phát hiện một quy luật sâu sắc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Hay nói cách khác, đừng ai ảo tưởng rằng, làm xong cách mạng chính trị hay chỉ tập trung cho phát triển kinh tế đã là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước", GS.TS Đinh Xuân Dũng nhận định.

Cương lĩnh đầu tiên, chiến lược đầu tiên về văn hóa

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, công cuộc cải tạo xã hội sau khi cách mạng chính trị thành công và trong khi đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế đòi hỏi một tư duy sâu sắc hơn nhiều, đó là, chỉ có thể hoàn thành triệt để công cuộc cải tạo đó bằng cách phải hoàn thành đồng thời cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mà Đề cương về văn hóa Việt Nam gọi là "ba mặt trận". Toàn bộ nội dung cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam đều xuất phát từ luận điểm gốc trên, mà triết lý của nó là phép biện chứng trong xử lý quan hệ giữa ba mặt trận đó. Lơi lỏng mặt trận nào hay chỉ nhấn mạnh mặt trận này, coi nhẹ mặt trận kia đều rơi vào tình trạng bất lợi cho sự phát triển, nếu không muốn nói là có thể dẫn tới xung đột, khủng hoảng xã hội.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của Đảng - Ảnh 3.

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Có thể nhận thấy rằng, sau 80 năm Đề cương ra đời, tuy có một số nhận định cụ thể đã bộc lộ hạn chế lịch sử của nó, nhưng luận điểm về tính tất yếu tiến hành cuộc vận động văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới vẫn giữ nguyên giá trị với ý nghĩa là một quy luật, một đòi hỏi mang tính khách quan và tính thời sự của nó.

"Cần lưu ý rằng, không phải tất cả những vấn đề đa dạng, phong phú và phức tạp của đời sống văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, biến đổi của nó đều được đề cập trong Đề cương, và nhìn từ quan điểm hôm nay, không phải tất cả những nhận định cụ thể đều chuẩn xác, song mục tiêu chủ yếu của Đề cương là khẳng định những quan điểm gốc về chính trị, đặt nền tảng tư tưởng cơ bản để chuẩn bị cho việc tiến hành một sự nghiệp khó khăn và tế nhị: cải tạo nền văn hóa cũ và xây dựng nền văn hóa mới.

Vì vậy, đường lối, quan điểm văn hóa, văn nghệ của Đảng từ sau Đề cương, mặc dù đã phát triển ở trình độ mới, phong phú và hoàn thiện hơn nhiều, nhưng vẫn kiên định giữ vững luận điểm cốt lõi trên", GS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ.

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nếu coi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận văn hóa ở Việt Nam, thì trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn.

"Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như là một Cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta" GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định.

Xuân Trường (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×