Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943- nền tảng để quan điểm, đường lối, tư duy của Đảng ta về văn hoá ngày càng đổi mới, hoàn thiện và phát triển

25/02/2023 | 09:00

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận VHNT Trung ương.

Thưa ông, việc ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh lịch sử đất nước thời điểm năm 1943 có giá trị và ý nghĩa như thế nào?

- PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Bối cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa năm 1943 ra đời trong lúc đó đất nước ta, nhân dân ta một cổ hai tròng bị thực dân, bị phát xít và chế độ phóng kiến đô hộ. Chúng thực hiện chính sách mị dân, Nhật đề cao đại Đông Á, đề cao đồng chủng đồng văn để lừa bịp người dân Việt Nam, Pháp thì cũng khuếch trương, tuyên truyền văn hóa của Pháp. Do đó, văn hóa Việt Nam đứng trước tình thế bị phát xít, thực dân, phong kiến đồng hóa. Chủ trương của Đảng là làm sao để người dân, đặc biệt giới văn nghệ sĩ hiểu được tai họa do những yếu tố thực dân, phát xít mang lại cho Việt Nam, con người Việt Nam.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943- nền tảng để quan điểm, đường lối, tư duy của Đảng ta về văn hóa ngày càng đổi mới, hoàn thiện và phát triển - Ảnh 1.

Đề cương về văn hóa năm 1943 như một ngọn đuốc, nền tảng để soi đường cho cả dân tộc chúng ta đi lên (ảnh Nam Nguyễn)

Ngày 25/2/1943, Thường vụ TW đã họp đề ra một số nhiệm vụ trong đó làm sao để cử người của Đảng tuyên truyền về văn hóa nhằm thức tỉnh đồng bào, thức tỉnh giới trí thức văn nghệ và giới trẻ để hiểu được vận mệnh của dân tộc, biết được âm mưu thủ đoạn của phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh là người khởi thảo nên Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Đề cương văn hóa ra đời có mấy điểm như sau: Thứ nhất là dựa trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin về tư tưởng; thứ hai về phương pháp để sáng tạo văn hóa văn học nghệ thuật thì dựa trên nguyên tắc dân tộc- khoa học và đại chúng. Tính chất của nền văn hóa Việt Nam là phải dân tộc về hình thức, dân chủ về nội dung, đó là những yếu tố rất quan trọng. Mặc dù ở hình thức đề cương, những phác thảo ban đầu nhưng chính những phác thảo đó đã hình thành quan điểm, đường lối Đảng ta nhất là từ khi Đảng ta cầm quyền. Bởi vì trong Đề cương có nói "Cách mạng văn hóa phải gắn với cách mạng chính trị, kinh tế". Thứ hai "Cách mạng văn hóa có thể được tiến hành khi chúng ta giành được độc lập", nghĩa là chúng ta phải giành được chính quyền thì mới thực hiện được những chính văn hóa của Đảng. Cho nên Đề cương về văn hóa năm 1943 như một ngọn đuốc, nền tảng để soi đường cho cả dân tộc chúng ta đi lên. Và chính văn hóa như Bác Hồ nói tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Chính vì thế, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề cương về văn hóa năm 1943 mang một tầm vóc rất lớn, ánh sáng soi rọi lâu dài.

Trong bối cảnh hiện nay, những giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam cần được phát huy như thế nào, thưa ông?

- PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Sau 80 năm, Đề cương có rất nhiều nội hàm đã được bổ sung để hoàn thiện quan điểm, tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa nhưng những nguyên tắc vẫn còn có giá trị, tính thời sự. Dân tộc là gì, là văn hóa phải trên nền tảng gốc rễ của dân tộc. Thứ hai, phải tiếp thu tinh hoa văn hóa không chỉ của dân tộc mình mà phải của cả thời đại, của nhân loại đó là khoa học. Thứ ba là đại chúng, văn hóa là cách mạng của quần chúng, văn hóa do quần chúng sáng ra và văn hóa phục vụ cho đại chúng. Thời điểm đó có trường phái nói nghệ thuật vì nghệ thuật, nhưng Đảng ta khẳng định nghệ thuật vì nhân sinh, vì quần chúng vì nhân dân. Tôi nghĩ những nguyên tắc ấy cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị. Đương nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần bổ sung thêm những nội hàm: như nguyên tắc dân tộc hiện nay cần thêm những gì, nguyên tắc khoa học trong bối cảnh nền cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số cần bổ sung gì.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943- nền tảng để quan điểm, đường lối, tư duy của Đảng ta về văn hóa ngày càng đổi mới, hoàn thiện và phát triển - Ảnh 2.

Dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (ảnh minh họa)

Trước yêu cầu mới chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện như thế nào để văn hóa, văn nghệ nước ta có những bước chuyển mình và phát triển vững chắc, thưa ông?

-PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình này tạo tiền đề để các ngành văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo và quản lý văn hóa.

Sự phát triển của internet, hoạt động của các trang mạng xã hội đã hình thành nên những kênh truyền thông đa diện, đa sắc màu, giúp mọi người bày tỏ các ý kiến, quan điểm sáng tạo, sáng tác khác nhau, góp phần thúc đẩy tự do biểu đạt, đa dạng văn hóa trong xã hội. Các ứng dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, in 3D và nhiều hướng tư duy mới buộc Việt Nam phải thay đổi trong hoạt động quản lý di sản, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thay đổi của chính văn hóa, nghệ thuật và mong muốn của xã hội.

Sáng tạo, đổi mới trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Khai thác kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo để tạo ra kinh tế số, kinh tế xanh đang là xu hướng lớn được các quốc gia sử dụng nhằm gia tăng sức mạnh mềm, từ đó tạo ra các lợi thế về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, âm nhạc, phát thanh và truyền hình, xuất bản, phần mềm và các trò chơi trực tuyến; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế.

Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn và mạnh mẽ đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa.

Bên cạnh đó, sự phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943- nền tảng để quan điểm, đường lối, tư duy của Đảng ta về văn hóa ngày càng đổi mới, hoàn thiện và phát triển - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: "Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớn nhân dân, nhất là thanh niên", "Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa"...

Nhìn lại 93 năm từ khi Đảng ta ra đời (ngày 3/2/1930) và 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), chúng ta đã đi qua một chặng đường đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang.

Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số cơ quan phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Theo ông, Hội thảo có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Với tư cách là nhà khoa học, cũng như hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, chúng tôi rất ủng hộ hoạt động này. Hội thảo là dịp để chúng ta nhìn lại 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. Tiếp tục khẳng định, quan điểm của Đảng ta về văn hóa luôn nhất quán trên ba nguyên tắc.

Quan điểm sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung; 3 nguyên tắc của nền văn hóa mới Việt Nam là "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những quan điểm cơ bản của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới… đã được bổ sung, phát triển, từng bước hoàn thiện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hà (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×