Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để các tài năng trẻ sân khấu tỏa sáng

15/01/2021 | 15:06

Sau 1 thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cuối năm 2020, 6 cuộc thi tài năng diễn viên trẻ ở các ngành kịch hát như: tuồng, chèo, dân ca, cải lương, kịch nói, độc tấu- hòa tấu nhạc cụ … được tổ chức. Những cuộc thi này đã giúp nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về lực lượng diễn viên trẻ cũng như có thể đưa ra các quyết sách để thu hút nhân tài cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu nghệ thuật truyền thống.

Khích lệ các nghệ sĩ trẻ

Cục NTBD đã phối hợp với các hội nghề nghiệp: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức thành công 6 cuộc thi gồm: Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, Cuộc thi tài năng nghệ sĩ múa, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca toàn quốc, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc và Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc.

Để các tài năng trẻ sân khấu tỏa sáng - Ảnh 1.

Nghệ sĩ trẻ cần bệ đỡ để phát triển

Từ các cuộc thi kể trên, nhiều nghệ sĩ trẻ đã bộc lộ được tài năng. Không chỉ trao giải vàng, xuất sắc cho các nghệ sĩ trẻ, Bộ VHTTDL đã đầu tư tổ chức chương trình gặp mặt ấn tượng, tôn vinh các gương mặt nghệ sĩ. 56 gương mặt nghệ sĩ, 08 tập thể đạt Huy chương Vàng, giải nhất, 05 giải xuất sắc của các Cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong năm 2020 đã có ngày hội để giao lưu, gặp gỡ bạn diễn, học hỏi thêm về nghề nghiệp cũng như có cơ hội gặp gỡ các nhà quản lý để bày tỏ những nguyện vọng, tâm huyết với sân khấu.

Đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca toàn quốc 2020, nữ diễn viên Trần Thị Kim Thoa (diễn viên Nhà hát Tuồng Khánh Hòa) chia sẻ: May mắn được đầu quân cho Nhà hát Tuồng Khánh Hòa được 4 năm. Nhưng là diễn viên sân khấu nghệ thuật truyền thống nên để sống được bằng nghề rất khó khăn vì lương không cao. Tuy nhiên, với đam mê sân khấu Tuồng, Kim Thoa vẫn theo đuổi nghệ thuật này và để đảm bảo cuộc sống thì bươn chải ở ngoài thêm. "Bản thân Kim Thoa mong muốn Nhà nước, cụ thể là Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức các cuộc thi để những bạn trẻ có cơ hội thử sức sáng tạo, phô diễn khả năng với công chúng và để các anh chị, cô chú có nghề có thể nhìn nhận đánh giá khả năng của những diễn viên trẻ, từ đó hỗ trợ, dìu dắt chúng em theo con đường nghệ thuật một cách hiệu quả hơn"- Kim Thoa cho biết.

Ngoài ra, Kim Thoa cho biết, ở Nhà hát Tuồng Khánh Hòa hiện nay rất thiếu diễn viên nhưng không có chỉ tiêu biên chế mới. Trong khi các nghệ sĩ già hóa đi nhưng lớp diễn viên trẻ lại chưa được vào nghề, các diễn viên trẻ không có biên chế, chỉ ký hợp đồng mà lương hợp đồng rất ít, không đủ trang trải cuộc sống nên ngày càng không có các bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật truyền thống.

Nguyễn Quỳnh Liên, nghệ sĩ trẻ giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca toàn quốc 2020 cho biết: "Em tốt nghiệp khóa đào tạo theo Đề án Đào tạo được Bộ VHTTDL triển khai thí điểm ở Nhà hát Tuồng Việt Nam năm 2018. Ban đầu khóa có gần 40 người tham gia, cho đến khi tốt nghiệp chỉ còn một nửa. Khi đăng kí dự thi, em đã nhận được sự giúp đỡ của Ban giám đốc và các nghệ sĩ đi trước rất nhiều. Tình yêu nghề và sự tin tưởng của các anh chị đã giúp chúng em có thêm động lực và sự tự tin". Được biết, ngay sau khi nhận Huy chương Vàng trở về, Quỳnh Liên đã được giao vai chính Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn.

Hai nữ diễn viên trẻ tài năng Lê Lộc, Kim Thoa (từ trái qua phải)

Nữ diễn viên trẻ Lê Lộc (Sân khấu Kịch Hồng Vân) cũng bày tỏ vui mừng khi được trở lại Hà Nội sau đợt dự thi Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc vừa qua. Giành Huy chương Vàng trong vai Sen (vở Làm Đĩ), Lê Lộc cho biết: "5 anh em sân khấu Hồng Vân ra Hà Nội tham gia cuộc thi thấy quá áp lực, không nghĩ lại quy mô đến như vậy. Mọi người đều rất chau chuốt, chỉn chu cho các tiết mục của mình nên mình cũng thấy phải cố gắng nhiều hơn nữa. Đây là lần đầu tiên Lê Lộc tham gia 1 cuộc thi lớn như vậy và không nghĩ có giải Vàng. Sau đó lại được đứng trong buổi lễ vinh danh nghệ sĩ, gương mặt tiêu biểu, Lê Lộc cảm thấy mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, nhìn mọi người xung quanh ai cũng tài giỏi nên hy vọng sẽ có nhiều sân chơi như vậy nữa để các nghệ sĩ trẻ như Lê Lộc có cơ hội học hỏi, giao lưu, trau dồi kinh nghiệm nhiều hơn".

Cần thêm những đòn bẩy

Tại buổi gặp gỡ những gương mặt trẻ tài năng qua các cuộc thi vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông yêu cầu lãnh đạo các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật nghiên cứu, bố trí vị trí việc làm hiệu quả, tiếp tục bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ trẻ này để có lực lượng kế cận tài năng, đủ bản lĩnh và trình độ đảm đương được những vị trí trọng yếu, quan trọng trong các vai diễn, vở diễn chất lượng.

"Đây là mở đầu đẹp nhưng việc chăm lo vun trồng các tài năng này cần được quan tâm. Tôi mong rằng, từ sự quan tâm của Bộ VHTTDL, các bộ, ban ngành, các nhà hát sẽ góp tay vun trồng để các bạn trẻ hôm nay trong 5-10 năm tới sẽ là lực lượng trụ cột trong các nhà hát, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của chúng ta và hoạt động nghệ thuật mạnh mẽ ngoài xã hội. Các em cần trau dồi chuyên môn, giữ gìn đạo đức, luôn luôn tu dưỡng rèn luyện để trở thành người nghệ sĩ thực thụ, chân chính, có thể tỏa sáng, cống hiến được nhiều hơn nữa cho đất nước"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.

Để các tài năng trẻ sân khấu tỏa sáng - Ảnh 3.

Để thu hút được tài năng cho sân khấu truyền thống phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp (ảnh minh họa- Minh Khánh)

NSND Lê Tiến Thọ- nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ lo lắng về việc giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại với nghề. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hiện tại thì ngay cả với những nghệ sĩ đã có danh hiệu cũng khó có thể chuyên tâm được với nghề. Thậm chí, cả khi các đơn vị nghệ thuật đỏ đèn thì với khung bồi dưỡng hiện thời chỉ khoảng 200.000 đồng cho một đêm diễn không đáp ứng chi phí tối thiểu hằng ngày. Hầu hết các tài năng lại loay hoay bươn chải kiếm sống như hát tại nhà hàng, hát đám cưới, sự kiện... Khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy, tài năng sẽ bị mai một.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, để thu hút được tài năng cho sân khấu truyền thống phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và một trong những giải pháp căn cơ đó là các nhà quản lý phải hoạch định được những chính sách mà ở đó các thí sinh khi tìm hiểu để đến, dành tình yêu, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống thì họ phải nhìn thấy tương lai của họ trong đó.

Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động báo cáo, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, đây sẽ là một văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm quản lý bằng quy chế, Thông tư, Nghị định, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiến tới xây dựng một văn bản Luật mà ở đó sẽ có những quy phạm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển; xây dựng Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật trong thời gian tới./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×