Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao: Sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt”

02/04/2024 | 16:28

Được Chính phủ phê duyệt vào năm 2019, Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được kỳ vọng sẽ giúp cho thể thao Việt Nam có bước phát triển mới. Sau hơn 4 năm được phê duyệt, việc triển khai thực hiện Đề án gặp nhiều khó khăn vì đại dịch, hiện đang cần được đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ.

Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao: Sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” - Ảnh 1.

Cần mở rộng đối tượng tuyển chọn để không chỉ VĐV đoạt HCV mà VĐV đoạt HCB, HCĐ tại các giải trẻ quốc gia cũng có cơ hội được tuyển chọn.

Lựa chọn 16 môn thể thao trọng điểm để tập trung đầu tư

Đây là đề án nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và giành được thứhạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.

Một mục tiêu nữa của Đề án là nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.

Về chỉ tiêu đào tạo, Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên tài năng (mỗi năm khoảng 220 vận động viên thuộc 16 môn thể thao được xác định theo Đề án), trong đó có khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế. Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên (mỗi năm khoảng 35 huấn luyện viên thuộc 16 môn thể thao được xác định theo Đề án). Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao, chỉ tiêu đào tạo khoảng 400 cử nhân (mỗi năm khoảng 30 người, giai đoạn 2019-2031), 300 thạc sĩ (mỗi năm khoảng 20 người, giai đoạn 2019-2033), 150 tiến sĩ (mỗi năm khoảng 10 người, giai đoạn 2019-2032).

Đề án lựa chọn 16 trong số 32 môn thể thao trọng điểm hiện nay để tập trung cho công tác đào tạo gồm: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Taekwondo, Bắn súng, Bắn cung, Vật, Đấu kiếm, Boxing, Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Đua thuyền, Karate, Pencak Silat, Bóng đá, Wushu. Tuy nhiên số lượng các môn thể thao sẽ được Bộ VHTTDL xem xét điều chỉnh, bổsung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games, hoặc tùy vào tình hình thực tế.

Trong việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao, Đề án tập trung vào 3 ngành: Y sinh học thể thao, Quản lý thể thao, Huấn luyện thể thao; ưu tiên các ngành, chuyên ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo còn thấp so với nước ngoài.

Sau khi được Chính phủ phê duyệt, lẽ ra Đề án đã sớm được triển khai nhưng do đại dịch Covid-19 ập đến trong hơn 2 năm làm cho mọi việc bị ngưng trệ. Ngay khi đại dịch Covid-19 có dấu hiệu thuyên giảm, ngành thể thao đã bắt tay ngay vào việc tập trung xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên và chương trình đào tạo huấn luyện viên, vận động viên theo tinh thần của Đề án.

Nên mở rộng đối tượng

Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao I - Cục Thể dục thể thao, trong năm 2024, Cục Thể dục thể thao đã triển khai chương trình tập huấn ngắn hạn ở 4 môn trọng điểm là Bắn súng, Karatedo, Cử tạ và Điền kinh. Tuy nhiên một trong những khó khăn khi triển khai Đề án là đối tượng của Đề án được đi đào tạo, huấn luyện bao gồm cả trẻ em có năng khiếu đặc biệt. Thế nhưng nội dung quy định tiêu chuẩn để được lựa chọn lại quy định: Đối với trường hợp đào tạo, huấn luyện dài hạn ở trong nước, vận động viên phải đáp ứng được yêu cầu giành huy chương vàng giải trẻ quốc gia hoặc vô địch quốc gia một trong số các môn thể thao của Đề án. Đối với việc đào tạo, huấn luyện dài hạn ở nước ngoài, vận động viên phải có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng đã đạt huy chương vàng tại 2 kỳ SEA Games; châu lục, thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic (tùy thuộc đặc điểm môn thể thao), chỉ tiêu huấn luyện hằng năm cũng chỉ tập trung cho đối tượng này.

Do vậy việc tuyển chọn gặp nhiều khó khăn, vì theo quy định nêu trên thì các vận động viên thuộc đối tượng này lại đang hưởng kinh phí chi thường xuyên cho tập huấn đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia. Chính vì vậy, để đạt hiệu quả theo yêu cầu của đề án, chúng ta cần tập trung thêm vào đối tượng vận động viên trẻ có năng khiếu đặc biệt hoặc các VĐV đã đoạt HCB, HCĐ cũng được tuyển chọn và tập huấn dài hạn. Từ đó mới hoàn thành chỉ tiêu của Đề án và xây dựng nền móng cho thể thao Việt Nam hướng tới chuyên nghiệp và vươn tầm châu lục, Olympic.

Ông Hoàng Quốc Vinh cũng đưa ra dẫn chứng thuyết phục, chẳng hạn như đối với môn bóng đá, Đề án quy định cầu thủ được đi tập huấn nước ngoài phải đoạt 2 HCV SEA Games sẽ không khả thi. Và do bóng đá cũng đã có chiến lược phát triển riêng, vì thế nên được thay thế bằng môn khác, sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra cũng cần có chế độ chính sách đặc thù cho vận động viên, huấn luyện viên tài năng như chế độ dinh dưỡng, bổsung thực phẩm chức năng…

Về giải pháp, ông Vinh đề nghị các cơ quan chức năng nên ban hành các văn bản mang tính chuyên môn đặc thù về tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện đối với đối tượng tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao. Đồng thời đề xuất sửa đổi, bổsung Đề án nội dung: Tiêu chuẩn, chỉ tiêu đối với đối tượng vận động viên là trẻ em có năng khiếu thể thao đặc biệt và hình thức huấn luyện, tập huấn. Bổsung cơ chế kinh phí và hình thức đào tạo dài hạn (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) ở trong nước và nước ngoài đối với huấn luyện viên. Bổsung cơ chế kinh phí cho đào tạo trình độ đại học trong nước đối với vận động viên. Đề xuất chế độ đặc thù cho vận động viên, huấn luyện viên tài năng đi đào tạo, huấn luyện, tập huấn, thi đấu, đối với đối tượng tài năng của Đề án mà trùng lặp với kinh phí chi thường xuyên cho tập huấn đội tuyển quốc gia sẽ được hỗ trợthêm một phần kinh phí của Đề án.

Vừa qua, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Đề án. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực từ Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan sẽ tháo gỡ những nút thắt để Đề án sớm được triển khai, tạo bước đà tốt cho thể thao Việt Nam phát triển. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×