Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

ĐBSCL tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

10/10/2022 | 09:34

Du lịch khu vực ÐBSCL đang phục hồi khá tốt, nhất là thị trường nội địa. Hiện nay, các địa phương trong vùng đang nỗ lực liên kết phát triển trở thành thị trường trọng tâm, xúc tiến quảng bá du lịch nội địa, hướng đến thị trường quốc tế. Một trong những mục tiêu mà các tỉnh, thành ở ÐBSCL đang tập trung là xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần đa đạng hóa hệ thống các điểm đến, cũng như thúc đẩy liên kết phát triển du lịch hiệu quả.

ĐBSCL tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng - Ảnh 1.

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đang là các thế mạnh đặc trưng mà các tỉnh, thành ĐBSCL tập trung khai thác. Trong ảnh: Du khách tham quan du lịch cộng đồng cồn Sơn, TP Cần Thơ

Trong 9 tháng đầu năm 2022, ÐBSCL đón khoảng 32 triệu lượt khách, tăng 68,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đa phần là khách nội địa, khách quốc tế có 190.000 lượt. Tổng doanh thu ước đạt 23.800 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, nhìn nhận: “Tốc độ phục hồi du lịch của khu vực ÐBSCL khá nhanh. Một phần là từ thị trường, khi du khách thay đổi xu hướng lựa chọn du lịch xanh, thân thiện môi trường sau dịch COVID-19, mà ÐBSCL là điểm đến xanh phù hợp. Mặt khác, các tỉnh, thành ở ÐBSCL rất chủ động xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch trong quá trình phục hồi. Hiệp hội Du lịch ÐBSCL cũng tổ chức nhiều chương trình kết nối, xây dựng các điểm đến, xúc tiến quảng bá giữa các địa phương khu vực, giữa vùng ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh, với các tỉnh, thành liên kết trọng điểm về du lịch ở khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên”.

Trong 2 năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, hoạt động du lịch ở nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã linh động, chuyển đổi và xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm mới. Sự chủ động này đã mang đến nhiều kết quả với những sản phẩm độc đáo. Ðiển hình là sự hình thành Ðiểm du lịch cộng đồng Cồn Chim ở Trà Vinh. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng tổ hợp tác Ðiểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, cho biết: “Ðiểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đi vào hoạt động từ năm 2019, chỉ vài tháng sau thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên trong giai đoạn đó, chúng tôi mở các lớp tập huấn về du lịch, đầu tư không gian, cảnh quan, xây dựng, chỉn chu lại sản phẩm và dịch vụ. Từ mô hình ban đầu chỉ có 6 hộ tham gia, hiện nay đã tăng gấp đôi với 13 hộ. Chúng tôi định hướng từ đầu là đi theo mô hình thuận thiên, người dân làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường và “mỗi nhà một sản phẩm” nên sản phẩm, dịch vụ ở đây không trùng lắp, có câu tôm, đặt lờ, bắt cá, câu cua, làm bánh dân gian…”.

Cái hay của mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim chính là luôn có sự đồng hành từ chính quyền trong giai đoạn khởi phát và giải quyết những khó khăn. Cụ thể thông qua dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (dự án SME Trà Vinh) và chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch của tỉnh, người dân làm du lịch ở Cồn Chim được đầu tư vốn xây bến tàu, homestay, xe đạp… để xây dựng chuỗi dịch vụ, sản phẩm phù hợp.

Trong khi đó, tại Bến Tre cũng có nhiều chính sách, mô hình linh động khi làm du lịch. Ông Phan Văn Thông, Tổng Giám đốc Khu du lịch Cồn Phụng Bến Tre, chia sẻ: “Ðể phát triển du lịch thì mỗi nơi phải có sản phẩm đặc trưng. Thực tế, sản phẩm du lịch ở mỗi tỉnh  ÐBSCL đều có những nét riêng biệt chứ không trùng lắp như nhiều người nhận định. Quan trọng là cách chúng ta khai thác và xây dựng sản phẩm như thế nào để du khách có những trải nghiệm đúng về mỗi địa phương. Ở Bến Tre, chúng tôi đang tập trung cho nhiều sản phẩm đặc trưng từ cây dừa và các cù lao trên sông. Chúng tôi đang xây dựng các sản phẩm theo định hướng du lịch sinh thái “Xứ dừa Bến Tre”. Theo đó, có nhiều nét đặc trưng như lễ hội dừa Bến Tre, ngày hội trái cây ngon, ẩm thực xứ dừa…”.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng các tỉnh, thành ở ÐBSCL đã xác định được các thế mạnh, tiềm năng du lịch của địa phương và đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm đặc trưng. Cụ thể như Cà Mau, trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được xác định tài nguyên du lịch trọng điểm để định hướng thương hiệu du lịch địa phương. Diện tích rừng ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện có hơn 8.500ha, vùng đệm khoảng 25.000ha, trong đó diện tích quy hoạch cho phát triển du lịch là hơn 1.300ha. Ðịnh hướng phát triển sản phẩm du lịch ở đây cũng xác định cụ thể là hài hòa với thiên nhiên, đậm đà bản sắc văn hóa xứ tràm. Nơi đây sẽ hình thành các khu làng rừng tái hiện vùng căn cứ địa cách mạng với hệ sinh thái động, thực vật đặc trưng. Kèm theo đó là phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, chủ lực của rừng tràm.

ĐBSCL tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm xuyên rừng U Minh Hạ, Cà Mau

Trong khi đó, Bạc Liêu cũng xác định hai không gian để phát triển du lịch, thế mạnh là khai thác du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Ðối với vùng Bắc Quốc lộ 1A, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp “Miệt đồng quê” gắn với phát huy các di tích văn hóa, lịch sử, vườn sinh thái, xem trình diễn, tìm hiểu nghề truyền thống và nét văn hóa của các làng nghề, thưởng thức ẩm thực độc đáo miền quê. Còn ở vùng Nam Quốc lộ 1A, Bạc Liêu định hướng xây dựng các mô hình: du lịch cộng đồng Vườn nhãn Bạc Liêu, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, du lịch sinh thái biển.

Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Long thì địa phương sẽ khai thác du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa dọc theo các tuyến sông Cổ Chiên, Long Hồ… Theo đó có các sản phẩm trải nghiệm bơi ghe, chèo xuồng, ghé thăm làng nghề chằm nón, làng gốm, lò gạch, các cơ sở đan thủ công từ tre, lục bình, thưởng thức hát bội…

Còn tại tỉnh Kiên Giang, bên cạnh những điểm du lịch nổi tiếng như TP Phú Quốc và TP Hà Tiên, thì huyện Kiên Hải là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn của tỉnh. Hiện tại, toàn huyện Kiên Hải có 130 cơ sở lưu trú với 1.422 phòng, 24 cơ sở dịch vụ ăn uống, 30 điểm mua bán hải sản và năm làng bè du lịch tại Lại Sơn, An Sơn và Nam Du phục vụ khách du lịch. Kiên Giang xác định du lịch biển đảo là sản phẩm đặc trưng và đang tập trung khai thác thế mạnh bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng trên 63.000km2, 5 quần đảo với hơn 143 đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là Phú Quốc. Tỉnh tập trung vào 4 vùng du lịch trọng điểm: Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận; Phú Quốc; Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; vùng U Minh Thượng. Theo đó, các sản phẩm được định hướng phát huy là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo, tham quan, trải nghiệm tại các công viên chuyên đề, tham quan công viên động vật hoang dã, du lịch hội nghị cao cấp… Phát triển đa dạng các tuyến du lịch, các loại hình du lịch ven biển, các đảo.

Trong tổng thể phát triển du lịch ÐBSCL, du lịch TP Cần Thơ đóng vai trò là trung tâm liên kết vùng với sự phục hồi và từng bước phát triển các đường bay kết nối trong ngoài nước, cùng với các sự kiện xúc tiến quảng bá tại các thị trường du lịch trọng điểm. Ðiển hình như mới đây tại TP Cần Thơ diễn ra sự kiện xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng của Quảng Ninh - Ninh Bình - Bình Ðịnh với ÐBSCL. Thành phố cũng đã xây dựng các kế hoạch phát triển những loại hình du lịch trọng điểm, thế mạnh là du lịch MICE, du lịch sinh thái sông nước, du lịch nông nghiệp...

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho rằng: “Tốc độ phục hồi du lịch của ÐBSCL tốt nhưng tỷ lệ khách và doanh thu thì vẫn chưa bằng năm 2019. Do đó, chúng ta phải hết sức chú trọng việc xây dựng sản phẩm du lịch mới và làm mới sản phẩm du lịch hiện có, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách trong giai đoạn mới. Xu hướng khách có thay đổi và các địa phương cần phải nắm bắt kịp thời thị hiếu để có những hoạch định xây dựng sản phẩm phù hợp, tăng tính trải nghiệm”.


Theo Báo Cần Thơ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×