ĐBQH kiến nghị tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động quảng cáo đối với những người nổi tiếng
10/05/2025 | 16:30Sáng 10/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo
Quan tâm đến vấn đề quảng cáo trên nền tảng số với sự tham gia của các KOL, những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực, ngành nghề đối với xã hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, đây là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt dư luận, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người khác.
Ví dụ như người nổi tiếng, người làm nội dung trên nền tảng mạng xã hội có nhiều người dùng ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau như YouTuber, Tiktoker, Facebooker, KOC… có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường. Những người này trải nghiệm và đưa ra các đánh giá, nhận xét chủ yếu theo quan điểm và góc nhìn cá nhân với kiến thức trải nghiệm chân thật tạo sự tin tưởng từ khách hàng nhất là trong các chiến dịch marketing.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ý kiến thảo luận.
Theo đại biểu, những vấn đề trên không chỉ được xã hội quan tâm mà đã được đề cập trên các phiên chất vấn của Quốc hội. Những vấn đề được đặt ra là quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, các mặt hàng tiêu dùng từ xa xỉ đến thiết yếu. Thậm chí là các sản phẩm thực phẩm sử dụng hàng ngày cũng được quảng cáo với nhiều hình thức khác nhau.
Trong dự thảo luật lần này quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo, người truyền tải sản phẩm quảng cáo là những người có ảnh hưởng. Song cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo bởi tác động trực tiếp của nó đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
"Tôi đề nghị nâng cao mức phạt để đảm báo tính răn đe, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh, bình đẳng. Đồng thời cần rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý nhất là những người có ảnh hưởng", đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề xuất.

Các đại biểu dự phiên thảo luận.
Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý nghiêm đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng. Những người này làm trong các cơ quan, tổ chức, khi họ vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật thì các cơ quan, tổ chức đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Đồng thời cần sửa đổi quy chế hoạt động nội bộ quy định cụ thể về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo, quy định rõ các hình thức xử phạt. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét trách nhiệm hội đồng thẩm định quản lý quảng cáo để đảm bảo các cơ quan liên quan đều phải có trách nhiệm.
Bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với những người nổi tiếng
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm để công tác quản lý, kiểm soát đối với nội dung và hoạt động quảng cáo được chặt chẽ.
Đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các trang tin phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo trước khi đăng tải nội dung, thay vì chỉ dựa vào hệ thống quảng cáo tự động như hiện nay.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Một vấn đề nữa đại biểu nêu, qua các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện vừa qua cho thấy, các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả.
"Vậy, việc yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, KOLS có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa liệu có thực sự khả thi?", đại biểu Trần Khánh Thu đặt câu hỏi.
Đại biểu cũng đặt vấn đề: "Việc thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ như thế nào? Phải chăng là viết lên Facebook, đăng lên TikTok, Youtube cho biết tôi chuẩn bị sẽ quảng cáo cho nhãn hàng này, sản phẩm kia, mời bà con chuẩn bị theo dõi?".
Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn.
Đồng thời, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần quy định rõ hơn trong luật cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng. Có thể bổ sung thêm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai.
Đại biểu viện dẫn kinh nghiệm ở Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) yêu cầu người nổi tiếng phải tiết lộ rõ ràng mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm. Quảng cáo phải trung thực, không gây hiểu lầm về hiệu quả hoặc tính năng của sản phẩm.
Hay tại Hàn Quốc, cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Nếu vi phạm có thể bị phạt tối đa 2% doanh thu quảng cáo hoặc tối đa 500 triệu won (khoảng 8,7 tỉ đồng). Năm 2022, Hàn Quốc bổ sung quy định cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
"Các quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo tính trung thực trong hoạt động quảng cáo. Người nổi tiếng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo để tránh các hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Nếu người nổi tiếng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định hợp lý, dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp, thì thông thường họ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp/sản xuất sẽ chịu trách nhiệm chính", đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.