ĐBQH đề nghị cấm đầu tư kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia và kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật
07/11/2024 | 07:00Chiều 6/11, tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Đề nghị cấm đầu tư kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia và kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật
Nêu ý kiến thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ tán thành với quan điểm và các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật và cho rằng việc sửa đổi là cần thiết và kịp thời.
Góp ý một số nội dung đối với quy định tại Điều 2 về sửa đổi Luật Đầu tư của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, đại biểu cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích.
Theo đó, giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư trong phạm vi khu vực bảo vệ 1 của di tích quốc gia đặc biệt trong danh mục di sản thế giới và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư trong phạm vi khu vực bảo vệ 1 của di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc sửa đổi các quy định như dự thảo là phù hợp và góp phần tăng cường tính hiệu quả, tính kịp thời của việc thực hiện các dự án, giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian phê duyệt cũng như chờ đợi, tạo chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư dự án trên địa bàn, cũng đúng với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Nội dung này dự thảo Luật Di sản văn hóa đang dẫn chiếu sang Luật Đầu tư, cho nên việc quy định ở đây là rất cần thiết.
Tuy vậy, đại biểu cho rằng còn một trường hợp cần nghiên cứu để bổ sung quy định, đó là dự án trong phạm vi khu vực bảo vệ 1 của di tích quốc gia đặc biệt hoặc di tích quốc gia không nằm trong danh mục di sản thế giới nhưng có phạm vi thuộc địa bàn của 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
"Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định này vào điểm g1 khoản 1 của Điều 31 theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tùy từng trường hợp cụ thể. Luật Di sản văn hóa đã quy định về quản lý đối với các loại di tích này, nhưng về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phải quy định ở luật này" - đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, tại dự thảo Luật Di sản văn hóa Quốc hội đã thảo luận ngày 23/10 vừa qua, trong chương điều khoản thi hành tại Điều 98 khoản 2 quy định về việc sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư cho phù hợp với quy định sửa đổi của Luật Di sản văn hóa. Như vậy, tại kỳ họp này có thể có 2 luật sửa 1 luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuy không cấm trường hợp này nhưng theo đại biểu làm như vậy là không nên.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật này nội dung sửa đổi khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề bao gồm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia và kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật.
Đồng thời, bổ sung, sửa đổi phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với các ngành nghề bao gồm kinh doanh dịch vụ giám định di vật, cổ vật và kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch dự án thiết kế, tổ chức thi công, giám sát thi công, dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác ở trong phụ lục 4 của danh mục này cho phù hợp với những quy định mới của Luật Di sản văn hóa dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp này.
Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải đi mua bên ngoài
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội), nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhà thuốc bệnh viện là nơi cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh.
Theo quy định, nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó ở cùng thời điểm hoặc không cao hơn giá trúng thầu tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong 12 tháng.
Do đặc thù nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh nên không dự trù trước được danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó đề xuất được kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải đi mua bên ngoài, vừa bất tiện vừa khó kiểm soát chất lượng, giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
“Quy định khoản 1, điều 2 và khoản 2 điều 55 Luật Đấu thầu gây không ít khó khăn cho nhà thuốc bệnh viện. Khi triển khai thực tế, rất nhiều sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh gửi công văn đến Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch Đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập và xin hướng dẫn nội dung này”, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị, đối với việc mua vaccine dịch vụ, thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập thì cơ sở khám chữa bệnh tự chịu trách nhiệm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Theo đại biểu, chúng ta đang phải chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc và thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Trong khi các cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn trong việc đấu thầu dẫn tới tình trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế, các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí cả thuốc hiếm, biệt dược gốc và thiết bị y tế hiện đại.
Mặc dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, minh bạch, công khai nhưng việc các cơ sở y tế tư nhân áp dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được thuốc, thiết bị y tế giá rẻ hơn cơ sở y tế công lập.
“Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và như một lời thách thức lớn lao cho công tác đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Nữ đại biểu đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm. Đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh./.