Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

09/09/2022 | 07:47

Sáng nay (8/9), tiếp theo chương trình của Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành thảo luận dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn

Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được dư luận xã hội, cử tri, Nhân dân rất quan tâm quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Xã hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội gửi tới các đại biểu đã nêu 16 vấn đề tiếp thu, giải trình và chỉnh lý; đồng thời trong báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật đã tóm tắt các vấn đề còn ý kiến khác nhau và 5 điểm mới của dự thảo luật.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) cho biết, về hành vi bạo lực gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu rõ, hành vi bạo lực quy định cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum)

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình, không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn, trường hợp cần thiết áp dụng với người đã ly hôn để đảm bảo phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm thì nên rà soát, xem xét, lựa chọn để quy định một số hành vi bạo lực được quy định tại khoản 1 Điều 3 để áp dụng với người đã ly hôn, thay vì áp dụng tất cả các hành vi này.

Nêu ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với việc không áp dụng đối với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.

Theo đại biểu, số lượng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam không nhiều, các trường hợp người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình cũng rất ít. Do vậy, việc không áp dụng luật này với đối tượng này là hợp lý và cũng phù hợp với quan hệ đối ngoại, ngoại giao của nước ta với các nước khác.

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)

Về xử lý tin báo bạo lực gia đình, dự thảo Luật quy định báo cho trưởng thôn, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội của xã, sau đó chủ tịch xã mới chỉ đạo thông báo cho lực lượng công an.

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian, và có thể sẽ không ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình không. Do vậy dự thảo Luật cần cân nhắc lại quy định này, sửa đổi theo hướng khi nhận được tin báo cần can thiệp ngay, báo cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn luôn, không nhất thiết phải theo trình tự như quy định của dự thảo Luật, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.

Rà soát đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình

Đưa ra quan điểm thảo luận, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) chỉ ra rằng, tại điểm O, Khoản 1, Điều 3 có quy định “Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính”.

Đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này để đảm bảo với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái của cha mẹ. Đồng thời cũng làm rõ khái niệm như thế nào là lao động quá sức, học tập quá sức và hậu quả của việc ép buộc này cụ thể như thế nào.

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh

Tán thành các nội dung tại Điều 11 về trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu chỉ ra rằng, bên cạnh việc giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực; chăm sóc người bị bạo lực gia đình…thì cần bổ sung các quy định về trách nhiệm báo tin về vụ việc bạo lực gia đình, giám sát các biện pháp nhằm bảo vệ thành viên trong gia đình.

Góp ý kiến tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.HCM) cho biết, tại Khoản 1, Điều 2 về giải thích từ ngữ quy định khái niệm về bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần làm rõ hơn khái niệm “bạo lực gia đình”

Đại biểu cho rằng, nếu so sánh với toàn bộ các quy định tại Điều 3 về hành vi bạo lực gia đình, có rất nhiều hành vi bao gồm cả những hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để gây tổn hại đến về cả thể chất, tinh thần, làm sang chấn tâm lý của các thành viên trong gia đình mình…

Do vậy, nếu chỉ quy định khái niệm như dự thảo Luật là chưa rõ. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về khái niệm về bạo lực gia đình, theo hướng quy định bao hàm trọn vẹn, toàn bộ những hành vi được quy định trong Điều 3; đảm bảo thống nhất với tất cả các hành vi quy định trong Bộ Luật hình sự về những tội danh tội hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, tội làm nhục người khác…

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu quan điểm về việc bổ sung biện pháp thực hiện công việc cộng đồng, Điều 33 của dự thảo Luật quy định: Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình mà chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo đề nghị của người được phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình và theo nhu cầu của cộng đồng.

Về quy định này, đại biểu cho rằng công việc này không phải là tự nguyện, dễ bị quy kết là cưỡng bức lao động. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ quy định này để đảm bảo tương thích với công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia.

Có thể xếp các hành vi bạo lực gia đình theo nhóm

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) quan tâm đến tính khả thi của Luật. Theo đó, Ban soạn thảo cần làm rõ Điều 3 của dự án Luật về các hành vi bạo lực gia đình cùng 15 nhóm quy định chung với toàn bộ các chế tài như: tố giác, báo tin, cưỡng chế... Bởi nếu không làm rõ thì có thể tạo nên hiệu ứng phức tạp, ngược tác dụng.

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên)

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, với 15 nhóm quy định hành vi bạo lực gia đình thì phải quy định rất rõ tính chất, mức độ, hành vi và đề nghị Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, có thể xếp các hành vi bạo lực gia đình theo nhóm: bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và các hành vi bạo lực khác cũng như xác định mức độ của các hành vi bạo lực này để cơ quan chức năng áp dụng các loại chế tài phù hợp.

Góp ý kiến về quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, có nhiều trường hợp ngoại lệ không được coi là lao động mặc dù có đủ các dấu hiệu.

ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 7.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa.

Theo Điều 33, các công việc phục vụ cộng đồng gồm các hoạt động: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Danh mục công việc quy định tại khoản này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, đề xuất của cộng đồng.

Như vậy, việc quy định về danh mục các công việc phục vụ cộng đồng như dự thảo luật là phù hợp, bởi đã được cộng đồng tham gia quyết định danh mục công việc của cá nhân, đảm bảo các yếu tố ngoại lệ, không bị coi là động cưỡng bức./.




Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×