Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Xác lập một bộ quốc phục là nhu cầu có thật

05/06/2023 | 08:13

Theo ông Bùi Hoài Sơn, sử dụng trang phục truyền thống, hướng tới hình thành một bộ quốc phục, là mong muốn của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hoá. Tuy nhiên, vẫn cần phải hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Phải giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc

Phát biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 5 về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước diễn ra tuần qua, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã có những góp ý tâm huyết về vấn đề trang phục truyền thống.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Xác lập một bộ quốc phục là nhu cầu có thật - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh cho biết, ông đã mặc 3 bộ áo dài khác nhau trong kỳ họp thứ 5, mỗi áo phù hợp một số hoàn cảnh.

Theo đại biểu, ở nước ngoài, tại các hội nghị lớn thường quy định khách mời mặc trang phục truyền thống hoặc comple. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa quy định trang phục truyền thống trong ngoại giao, chỉ mặc áo vest có sẵn nên chưa đưa được bản sắc riêng đến bạn bè quốc tế.

Từ đó, vị đại biểu này đề nghị Quốc hội cho các nam đại biểu được mặc áo dài ngũ thân truyền thống tại các phiên họp, vào Lăng viếng Bác hay Lễ chào cờ. "Việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài ngũ thân về lại với đời sống người Việt" - đại biểu nêu qua điểm.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, việc này cũng hướng đến xây dựng riêng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao Nhà nước. Bộ lễ phục này sẽ giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.

"Trong thời kỳ hội nhập, để không bị hòa tan thì phải giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt, trong đó trang phục là một phần của bản sắc văn hóa" - đại biểu nêu quan điểm.

Xác lập một bộ quốc phục là nhu cầu có thật

Chia sẻ quan điểm về đề xuất này của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là ý kiến tâm huyết với thành ý nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị và tình yêu với văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, từ khá lâu rồi, chứ không chỉ ở thời điểm hiện nay, sử dụng trang phục truyền thống, hướng tới hình thành một bộ quốc phục, là mong muốn của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hoá.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc bàn luận ở các hội thảo, hội nghị. Việc cụ thể hóa những ý tưởng này, biến ý tưởng thành những hành động trên thực tế, vì nhiều lý do, chưa đạt được kết quả mong muốn.

"Việc xác lập một bộ quốc phục là nhu cầu có thật. Bản thân tôi, trong những lần dự tiếp tân ở nước ngoài, khi chủ nhà đề xuất những người dự tiệc sử dụng trang phục dân tộc của mình, đã rất lúng túng khi không biết mình sẽ phải mặc gì ngoài bộ veston vốn đã rất quen thuộc. Nhìn bạn bè quốc tế như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia… hãnh diện trong các bộ trang phục của họ, những người Việt Nam giàu lòng yêu nước đều cảm thấy mình còn thiếu 1 yếu tố quan trọng để tạo nên niềm tự hào dân tộc: bộ quốc phục" - đại biểu Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Đồng thời, vị ĐBQH Đoàn TP.Hà Nội cũng cho rằng, trong những dịp lễ lạt truyền thống, việc có một bộ trang phục truyền thống chắc chắn sẽ khiến các lễ nghi trở nên trang trọng hơn, thể hiện thái độ thành kính hơn đối với tiền nhân. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do thuyết phục khác để chúng ta thấy có sự cần thiết phải có một bộ trang phục truyền thống cho nam giới.

Việc mặc áo dài ngũ thân sẽ tôn vinh văn hóa dân tộc, giúp chúng ta ý thức hơn về cội nguồn, từ đó thêm tự hào về đất nước mình. Đây là hành trang vô cùng quý giá để chúng ta hội nhập cùng thế giới mà không bị hòa tan.

Cần hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại

Sau phát biểu của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh, cũng có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc sử dụng áo dài ngũ thân truyền thống trong công sở, ở các sự kiện văn hóa hay hoạt động ngoại giao.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Xác lập một bộ quốc phục là nhu cầu có thật - Ảnh 2.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, những ý kiến trái chiều đều lý do riêng hợp lý. Đó có thể là lý do liên quan đến mối quan hệ giữa trang phục và công việc. Trang phục là để phục vụ công việc chứ ít khi ngược lại, công việc để phục vụ trang phục. Chính vì thế, việc ăn mặc phải làm sao cho thuận tiện nhất cho công việc mình làm.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó ghi rõ tại Điều 6, Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ comple, áo sơ mi, cravat.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, Quy định này như một cách khẳng định sự trang trọng và thuận tiện của các trang phục này trong các công việc Nhà nước. Đây cũng là lý do tại sao, nhiều nước quanh Việt Nam, dù có trang phục truyền thống, nhưng các nguyên thủ quốc gia đều sử dụng âu phục trong các hoạt động thường ngày, trừ một số dịp đặc biệt.

Để có thể dung hòa hai quan điểm này và có một phương án tốt nhất cho vấn đề trang phục truyền thống của nước ta, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần phải hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại. Việc tôn vinh áo dài ngũ thân truyền thống là một việc làm hợp lẽ đạo đức.

Vấn đề của chúng ta là làm sao thiết kế áo dài này phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện tại, cân nhắc kỹ hơn nữa việc mặc dịp nào, ở đâu, với ai, để việc mặc bộ quốc phục lên người thực sự tôn vinh và là niềm tự hào của người mặc và của văn hóa dân tộc.

"Giữ gìn truyền thống không có nghĩa là gìn giữ đống tro tàn, mà là truyền tiếp ngọn lửa" - ĐBQH Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, việc phục dựng nguyên những bộ trang phục truyền thống sẵn có chắc chắn không phải là giải pháp tốt để hình thành trang phục công sở đầy năng động và bận rộn hiện nay.

Chính vì thế, chúng ta sẽ cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để làm sao có sự cải biên cho phù hợp, đưa được tinh thần của trang phục truyền thống trong trang phục công sở, để tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện một cách bình dị nhất nhưng cũng trang trọng nhất.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, văn hóa cũng có quy luật của nó khi cái gì tồn tại thì hợp lý và cái gì hợp lý sẽ tồn tại. Chúng ta khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật miễn là chúng không đi ngược lại những nguyên tắc đạo đức mà xã hội đề cao.

"Nếu trang phục truyền thống, trong đó có áo ngũ thân, tìm được sự đồng cảm từ chính người dân, khi người dân cảm thấy có nhu cầu, được hưởng lợi từ việc sử dụng các trang phục truyền thống, thì ý tưởng sẽ đi vào thực tế và bền vững. Thời gian sẽ là thước đo tốt nhất cho mọi thử nghiệm sáng tạo" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh./.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×