Đẩy mạnh liên kết hướng đến định vị du lịch vùng Bắc Trung bộ
11/08/2022 | 14:37Với các tỉnh Bắc Trung bộ, du lịch không chỉ hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối để giao lưu văn hóa, kết nối với các địa phương, tạo nên điểm nhấn đặc sắc trong bức tranh du lịch cả nước. Sau mở cửa, các hoạt động liên kết tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ với sản phẩm dịch vụ được nâng cao, hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính chất vùng.
Vùng Bắc Trung bộ bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đặc thù với bờ biển dài, nền văn hóa đặc sắc và vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển du lịch Việt Nam, phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông - Tây với các nước trong khu vực. Với 5 di sản thế giới cùng gần 400 di tích lịch sử cách mạng; nhiều cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên gắn với dãy núi Bắc Trường Sơn... thuận tiện cho việc kết nối tour du lịch “Con đường di sản miền Trung”.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22-1-2013 đã xác định phát triển sản phẩm du lịch của vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hình thành rõ nét các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội nhằm đạt các mục tiêu: Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng tới khắc phục hạn chế về tính thời vụ; đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch; chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch và các điều kiện phát triển sản phẩm du lịch.
Trong những năm qua, Thanh Hóa và các địa phương vùng Bắc Trung bộ đã chủ động hợp tác, liên kết phát triển du lịch, tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến du lịch quy mô lớn, như: Tổ chức chương trình roadshow giới thiệu du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ tại Thái Lan và Lào (tháng 7-2018); tổ chức đón đoàn famtrip các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đến khảo sát các điểm du lịch tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (tháng 11-2018); tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) diễn ra tại Hà Nội (tháng 3-2022)...
Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ “mở cửa” du lịch (tháng 3-2022), ngành du lịch Thanh Hóa đã nhanh chóng khởi động và tăng tốc. Nắm bắt được nhu cầu du lịch tăng cao sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức gần 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn nhằm quảng bá, kích cầu, thu hút du khách đến với du lịch Thanh Hóa. Trong đó có các sự kiện nổi bật như: Công bố biểu trưng Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa; tổ chức kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách quốc tế đến Thanh Hóa; lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh; lễ hội Du lịch biển Hải Tiến, du lịch biển Nghi Sơn; tuần Văn hóa Hội An tại TP Thanh Hóa; đặc biệt là sự kiện Kỷ niệm 115 năm Du lịch Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022... Qua đó giúp Thanh Hóa đón được gần 7,4 triệu lượt khách chỉ trong 6 tháng đầu năm, vươn lên trở thành một trong những điểm đến thu hút đông khách nhất cả nước.
Cho đến nay, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về lượt khách, doanh thu du lịch của cả 6 tỉnh trong thời gian qua, song trong 6 tháng đầu năm 2022, các địa phương trong vùng cơ bản đều vượt mục tiêu đề ra, thậm chí có địa phương đã hoàn thành mục tiêu về lượt khách cả năm. Đơn cử, theo kế hoạch năm 2022, du lịch Hà Tĩnh đặt mục tiêu thu hút 800.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh đã đón trên 1 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu của cả năm.
Có thể nói, thành công của các địa phương trước hết là bằng chính nội lực, song không thể phủ nhận kết quả của việc thúc đẩy liên kết vùng trong thời gian qua. Đặc biệt là ngay sau khi du lịch phục hồi trở lại, các địa phương cũng đã nhanh chóng đi đến các “thỏa thuận chung”, thiết lập hành lang an toàn đón khách, xây dựng các sản phẩm du lịch chung. Đặc biệt, các địa phương bước đầu đã chú trọng đến công tác quảng bá các sản phẩm du lịch chung qua mạng lưới phương tiện truyền thông như website, fanpage, youtube...
Đối với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương và doanh nghiệp lữ hành đã tích cực triển khai xây dựng các tour kết nối, như: “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, “đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường di sản miền Trung”... bước đầu thu hút khách du lịch trong nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải kết nối như thế nào để có thể giới thiệu một tour du lịch xuyên suốt giữa các tỉnh đến đông đảo du khách, đồng thời đảm bảo được tính bền vững và lợi ích giữa các địa phương cho đến nay vẫn là “bài toán” khó.
Theo các chuyên gia du lịch, để liên kết hiệu quả, các địa phương cần lựa chọn nội dung cụ thể để đẩy mạnh liên kết, có chiến lược phù hợp, thiết thực... Từ đó, kêu gọi sự vào cuộc và ủng hộ của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, kết nối giữa các địa phương. Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối, trao đổi trực tuyến giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ du lịch để các thành viên có thể trao đổi, thảo luận thường xuyên hơn về công tác triển khai các hoạt động. Cùng với đó, nên xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc thi về nghiệp vụ du lịch, giới thiệu, quảng bá du lịch ở mỗi điểm đến giữa các tỉnh với nhau... Từ đó, tạo ra mối liên kết bền vững, hỗ trợ trong hoạt động du lịch.
Về phía chính quyền địa phương cần có chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các điểm du lịch của vùng như: hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao... nhằm tạo ra tính đồng bộ trong phát triển sản phẩm chung, tránh sự “so sánh” chênh lệch.
Có thể nói, câu chuyện liên kết các địa phương trong phát triển du lịch là vấn đề của cả hệ thống, chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Và đằng sau đó là hàng loạt “nút thắt” chưa thể tháo gỡ. Thế nhưng, trong xu thế phát triển hiện nay, việc liên kết trong phát triển du lịch là hết sức cần thiết. Do đó, các địa phương vùng Bắc Trung bộ cần sớm đề ra những giải pháp mang tính mấu chốt, chiến lược, hướng đến phát triển tour, tuyến du lịch và sản phẩm du lịch liên kết ở quy mô vùng, tạo ra được sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao hơn, góp phần định vị du lịch vùng Bắc Trung bộ đối với du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới.