Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012-2015

27/07/2012 | 11:15

(VP) - Ngày 25/7, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị "Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012-2015". Thứ trưởng Bộ VHTTDL- Huỳnh Vĩnh Ái đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các đơn vị làm phim, phát hành, phổ biến phim trong cả nước tham dự.

Phát biểu đề dẫn của TS. Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh cho biết: Theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế nước ta hiện nay, hoạt động phát hành - phổ biến phim cũng phát triển theo quy luật thị trường, có cả mặt tiêu cực và tích cực. Trong 1 thập kỷ qua, với chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa, các công ty nước ngoài, công ty liên doanh và công ty tư nhân về phát hành - phổ biến kinh doanh ngày càng hiệu quả, hoạt động chiếu bóng “sống lại” sau nhiều năm ngắc ngoải.

Phim “nội” bị khán giả quay lưng
Một thực tế hiện nay, do chính sách mở cửa, Nhà nước không điều tiết được nguồn phim phát hành, hệ thống rạp chiếu phim hiện đại hầu hết do các công ty liên doanh và các công ty tư nhân nắm giữ. Đặc biệt, việc tuân thủ cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO một mặt tạo điều kiện cho khán giả được thưởng thức nhiều phim hay, mặt khác tạo ra nguy cơ xâm lấn của các phim ngoại. Điều này dẫn đến những thách thức rất khó vượt qua trong việc sản xuất và phổ biến phim “nội”.



Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì Hội nghị

Cũng theo TS. Ngô Phương Lan, qua khảo sát về độ tuổi xem phim thì hầu hết khán giả đến rạp tại những thành phố lớn ở độ tuổi từ 15 đến 35 (khoảng gần 70%) dẫn đến tình trạng khán giả trẻ chỉ thích xem phim giải trí - thậm chí phim “tầm phào”, hài tình huống “chọc cười” lại thu hút đông đảo khán giả hơn các phim có giá trị, thậm chí các phim chính thống của Việt Nam bị khán giả quay lưng.

Vùng nông thôn, vùng xa khó tiếp cận với điện ảnh
Hiện nay, hệ thống rạp phim trong cả nước hiện có 93 rạp và cụm rạp với 215 phòng chiếu; 72 rạp chiếu do Nhà nước quản lý có 104 phòng chiếu với 26.279 ghế ngồi; 21 rạp phim của các công ty cổ phần, công ty tư nhân và công ty liên doanh có 111 phòng chiếu và 19.768 ghế, tập trung chủ yếu tại những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nên khán giả ở các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… không có hoặc ít có điều kiện được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Đắc Lắc: Nguyên nhân của tình trạng này là do đặc thù có địa bàn rộng lớn, đi lại khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt, việc phân bổ các đội chiếu bóng như hiện nay dù có nỗ lực đến mấy thì số lần được xem chiếu bóng bình quân đầu người bao giờ cũng thấp kém hơn so với thành thị. Đồng thời, phim truyện đề tài miền núi chưa được khán giả và đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận nồng nhiệt. Phim tài liệu về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, phim hoạt hình còn quá ít.

Mặt khác, theo đại diện Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Sơn La: Lượng phim cung ứng theo chương trình dân tộc miền núi thiếu trầm trọng, nội dung phim chưa đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu của khán giả; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác phát hành phim vừa thiếu, vừa lạc hậu…

Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu tham dự đã đề nghị Nhà nước cần tài trợ đặt hàng cho mỗi địa phương để tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ làm công tác điện ảnh và biên dịch phim lồng tiếng dân tộc; việc tổ chức chiếu phim nên thu về một mối về Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh và cần có cơ chế chính sách ưu đãi. Phải dùng phim điện ảnh, truyền hình tiếng dân tộc tuyên truyền thêm về biển, đảo để bà con hiểu đúng, chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Bộ sớm hoàn thiện văn bản pháp quy về đối tượng được xem phim miễn phí, số lần được xem, số buổi chiếu cho mỗi đội chiếu bóng lưu động.


Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của các đại biểu với những đề xuất trực tiếp xoay quanh những giải pháp về chính sách hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh, điều tiết nguồn phim, tăng cường phát hành, phổ biến phim Việt Nam với công nghệ số, bảo đảm đạt ít nhất 30% buổi chiếu phim Việt tại rạp…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, việc phát hành và phổ biến phim phải là khâu quyết định cho sản xuất. Nhiệm vụ quan trọng sắp tới của Cục Điện ảnh là xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh, trong đó có nội dung nhà nước phải xây dựng cụm rạp như một thiết chế cứng, phải đầu tư cho quảng bá, phát hành, có chính sách cho đội ngũ phát hành phim, chiếu bóng lưu động…

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×