Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để các môn thể thao dưới nước phát triển tốt hơn
23/10/2024 | 14:06Chiều ngày 22/10, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam về Chương trình phát triển môn Bơi trong thời gian tới.
Mở đầu buổi làm việc, ông Đinh Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam khoá IX cho biết: Ngay sau khi Đại hội Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam nhiệm kỳ IX (2024 - 2029) tổ chức thành công, Hiệp hội nhanh chóng ổn định bộ máy và xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm phát triển hơn nữa các môn thể thao dưới nước. Mới nhất, tại giải Bơi và Lặn vô địch quốc gia năm 2024 tại Đà Nẵng, nhiều VĐV trẻ đã thể hiện được khả năng của mình. Giải đấu đạt được chất lượng chuyên môn cao khi các thông số kỹ thuật ở kết quả thi đấu của các VĐV đã có nhiều cải thiện rõ nét, ghi nhận nhiều kỷ lục quốc gia được phá, thiết lập mới.
Đối với các hoạt động Thể thao mang tính cộng đồng, Hiệp hội đang nỗ lực kết nối cùng các doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân trong và ngoài nước hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng Hiệp hội. Đặc biệt, ở môn Bơi, tiếp tục tăng cường triển khai rộng rãi, phổ cập trong cộng đồng. Trong đó, đối tượng chính hướng đến là học sinh tại các trường học thuộc các cấp học. Có thể nói, nếu những mục tiêu này được thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo được nguồn lực dồi dào, rộng mở thêm cơ hội tìm kiếm tài năng cho đội tuyển quốc gia.
Đối với riêng mảng thành tích cao, việc đẩy mạnh nguồn xã hội hóa không những giúp các VĐV có thêm cơ hội thi đấu cọ xát tại các giải đấu quốc tế lớn mà còn giúp tăng thêm thu nhập. Không thể phủ nhận, nhờ nguồn lực có được từ xã hội hóa sẽ giúp chúng ta dễ dàng thuê được chuyên gia giỏi, tìm được HLV giàu kinh nghiệm để hỗ trợ một cách chuyên nghiệp hơn cho các VĐV đỉnh cao. Và cũng chính nhờ nguồn lực xã hội hóa mà các chương trình tập huấn nước ngoài tại các quốc gia phát triển mạnh về môn Bơi nói riêng, các môn thể thao dưới nước nói chung khác được đẩy mạnh. Tất cả các yếu tố này sẽ giúp nâng cao thành tích cho VĐV.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, Đức có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ về Bơi an toàn đã được triển khai rộng rãi tại các nước ĐNÁ. Trong đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được Đức lựa chọn để triển khai các dự án hỗ trợ. Các dự án hỗ trợ này đã từng được triển khai rất hiệu quả trong thời gian qua ở môn Điền kinh. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam và Cục TDTT sẽ cùng ngồi lại để bàn bạc, phối hợp, từ đó đưa ra những đề xuất tối ưu để có thể nhận được sự hỗ trợ thông qua các dự án của nước Đức một cách hiệu quả nhất.
Phát biểu tại buổi họp, Cục trưởng Đặng Hà Việt đánh giá cao ý tưởng, kế hoạch dự kiến phối hợp của Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam và Ủy ban Olympic Việt Nam với các tổ chức, dự án hỗ trợ từ Đức, Liên đoàn Bơi thế giới. Qua đây, Cục trưởng cũng nhấn mạnh: Cục TDTT luôn đồng thuận về chủ trương cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về các thủ tục pháp lý nhằm đưa các dự án hỗ trợ từ quốc tế về Việt Nam vì sự phát triển mạnh mẽ của các môn thể thao dưới nước.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng: Ngoài các kế hoạch hợp tác từ những tổ chức quốc tế liên quan đến công tác chuyên môn thì Hiệp hội thể thao dưới nước cần phải xây dựng được các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với mục tiêu ngắn hạn, trước mắt hướng đến là đấu trường SEA Games vào năm 2025 và ASIAD 2026, làm sao giúp VĐV bơi Việt Nam có được thành tích cao nhất.
Còn đối với kế hoạch dài hạn cho các mục tiêu thành tích cao hơn nữa trong tương lai, Cục trưởng Đặng Hà Việt đề nghị, bộ môn Bơi và Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV ngay từ cấp địa phương. Cụ thể, tập trung vào các trường học, CLB Bơi để chọn được những nhân tố, tài năng từ 5-6 tuổi sau đó phối hợp cùng với các tổ chức, dự án quốc tế nhằm đầu tư, tập huấn lâu dài; cần hỗ trợ cho các môn thể thao dưới nước để đưa ra những tính toán, phương pháp huấn luyện chuẩn, hiện đại, áp dụng được khoa học công nghệ mới vào đào tạo, tuyển chọn VĐV đỉnh cao giúp nâng cao thành tích của môn Bơi nói riêng và các môn thể thao dưới nước nói chung tại các đấu trường quốc tế. Và để làm được điều này, cần lắm sự chung tay phối hợp thực hiện của các địa phương trong cả nước. Hơn hết, sự chung tay của các mạnh thường quân, các nhà tài trợ trong và ngoài nước sẽ tạo nguồn lực dài hơi cho sự phát triển chuyên nghiệp của các môn thể thao dưới nước tại Việt Nam.