Đẩy mạnh công tác ứng dụng "Chuyển đổi số" trong tuyên truyền, quảng bá, tổ chức SEA Games 31
13/12/2021 | 08:13Theo dự báo, tỷ lệ người xem trực tiếp SEA Games 31 trong và ngoài nước trên các kênh truyền hình và các nền tảng xã hội khác sẽ tăng lên rất cao. Do vậy, công tác ứng dụng "Chuyển đổi số" trong tuyên truyền, quảng bá, tổ chức cần được đẩy mạnh.
Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5/2022 tới đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thể thao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành thể thao có đầy đủ điều kiện để triển khai công tác tuyên truyền, chuẩn bị, trong đó, việc áp dụng "chuyển đối số" được xem là một trong những yêu cầu tiên quyết.
Tại các buổi làm việc của Tiểu ban thông tin truyền thông về đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, các thành viên đã tập trung bàn thảo về các phương án, nội dung cần triển khai trong công tác đồ họa như trên truyền hình phát sóng trực tiếp các môn thi đấu tại SEA Games 31, cũng như Logo in trên tài liệu phục vụ các cuộc họp diễn ra trước, trong và sau thời điểm diễn ra SEA Games 31. Cùng với đó là phương án phát sóng trên nhiều nền tảng xã hội khác như: Youtube, TikTok, Livestream…
"Đây là thời điểm rất cần thiết để áp dụng "chuyển đối số" vào công tác tuyên truyền, truyền thông bởi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các buổi họp trực tiếp đều không thể tổ chức Do vậy, việc cung cấp thông tin tới người hâm mộ, phóng viên trong nước, quốc tế cần phải thông qua các kênh trực tuyến" - bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết.
Theo dự báo, tỷ lệ người xem trực tiếp trong và ngoài nước trên các kênh truyền hình và các nền tảng xã hội khác sẽ tăng lên rất cao do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Do đó, việc chuẩn bị kĩ càng những công tác đồ họa, tạo hiệu ứng hình ảnh, video trên các kênh sóng trực tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng... đây sẽ là những điểm nhấn chính tạo sức hút tới người xem trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu xem giải trí thể thao.
Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, hiện nay, Tổng cục TDTT đang triển khai thiết kế trang web chính thức của Đại hội và đang xin phép các cấp có thẩm quyền để chính thức được ra mắt. Website của Đại hội sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho người xem về địa điểm thi đấu, số môn thi đấu....
"Dự kiến vào tháng 1/2022 sẽ tổ chức Hội nghị Trưởng đoàn lần thứ nhất và đồng thời là Hội nghị truyền thông lần thứ nhất dưới hình thức trực tuyến để truyền tải những thông tin cần thiết. Tất cả đều được chúng tôi "số hóa" bằng video clip, hình vẽ để mọi người hình dung được những điều cần biết" - bà Lê Thị Hoàng Yến nói.
Cũng theo bà Yến, ở thời điểm hiện tại, việc triển khai "chuyển đổi số" trong tuyên truyền, quảng bá, tổ chức SEA Games có nhiều thuận lợi khi nhu cầu tìm kiếm thông tin của Đại hội đã có sẵn và đang tăng lên theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc SEA Games 31 đang sở hữu một khối lượng "khách hàng" lớn. Bên cạnh đó, khi thực hiện tốt công tác truyền tải, nguồn thông tin được cung cấp tới các phóng viên, người hâm mộ quốc tế cũng trở nên thuận lợi hơn, giúp kết nối, lan tỏa rộng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, khoảng thời gian còn lại để chuẩn bị là một trong những khó khăn còn tồn tại cần được nhanh chóng giải quyết.
"Thời gian hiện tại chỉ còn 5 tháng và chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm như hệ thống hạ tầng, đường truyền, nhân lực...Ví dụ như ở các kỳ đại hội trước đây, chúng tôi thường tuyển cộng tác viên từ các trường Báo chí đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng ở kỳ đại hội năm nay, chúng tôi sẽ cần tuyển tình nguyện viên từ các trường Công nghệ thông tin nhiều hơn" - Bà Yến chia sẻ.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin TDTT cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phần mềm quản lý dữ liệu đối với từng môn sẽ được xây dựng đồng bộ hóa với các thiết bị thu phát sóng…vì vậy nên việc yêu cầu nâng cấp hay đạo tạo các nhân viên, cán bộ liên quan đến hệ thống này cần phải mau chóng triển khai.
"Ngoài truyền hình còn trực tiếp trên sóng truyền hình Đài truyền hình quốc gia và Đài truyền hình tại các địa phương đăng cai thì các nền tảng mạng xã hội cũng là một trong những kênh thông tin tốt. SEA Games 31 tới đây là kỳ Đại hội đặc biệt đòi hỏi công nghệ cao vì người xem không thể đến sân xem trực tiếp. Hiện nay chúng ta chưa biết là tình hình dịch trong thời gian tới diễn ra như thế nào và Đại hội có được phép có khán giả hay không nên phải tính toán trước mọi trường hợp. Trong trường hợp không có khán giả thì chúng ta phải làm sao truyền tải thông tin qua mạng, truyền hình các hình thức khác để truyền tải thông tin tới khán giả" - bà Yến nhấn mạnh.