Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid -19
01/04/2020 | 16:44Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid -19; Tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; Phê duyệt Đề án Sân khấu truyền hình… là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng.
Hà Nam: Để tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 31/3, Sở VHTTDL Hà Nam có công văn yêu cầu các phòng, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Văn bản số 133/BCĐ- KGVX ngày 26/3/2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 tỉnh về việc tạm dựng một số hoạt động vui chơi giải trí, sự kiện tập trung đông người trên địa bàn tỉnh như: Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao trên địa bàn, đặc biệt là các điểm kinh doanh karaoke, rạp chiếu phim, hoạt động quảng cáo liên quan đến lĩnh vực giáo dục, tuyển dụng lao động… Tham mưu UBND các huyện, thành phố, thị xã các giải pháp quản lý, xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid -19 trên hệ thống cổ động trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, pano tại nơi công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng, bảng tin, trự sở làm việc theo hướng dẫn của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL.
Ngoài ra, tuyên truyền, vận động, phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên địa bàn thực hiện công tác xã hội hóa sử dụng các mẫu tranh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 đã được cung cấp để in, phóng, treo trên các bảng, băng zôn, bảng quảng cáo tấm lớn trên địa bàn. Hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng, băng zôn có nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid -19.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng Đại hội đảng các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong quý II/2020. Chú trọng xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh sau khi dịch kết thúc. Căn cứ tình hình thực tế, Sở sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc triển khai các hoạt động trong lĩnh vực của ngành.
Hà Nội: Ngày 31/3, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ban hành Công văn số 107/HD-BTGTU hướng dẫn tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba âm lịch), trong đó đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Thủ đô, bằng các hình thức đăng tải tin, bài, ảnh và thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan sinh động.
Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các cơ quan truyền thông thành phố, các sở, ngành liên quan, ban tuyên giáo các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền sâu rộng về lịch sử văn hóa thời đại Hùng Vương; giá trị truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam, từ đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chung tay xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lưu ý, việc tổ chức dâng hương tại khu di tích, đền thờ Vua Hùng trên địa bàn cần tuân thủ nghiêm các quy định của Chính phủ và UBND thành phố về phòng, chống dịch.
Hải Phòng: Nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện nghiêm quan điểm phát triển bền vững, với phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau… xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hải Phòng, mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 855/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng.
Thực hiện đề án, các chương trình, vở diễn được truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình phát lại 1 hoặc 2 lần/tháng, 12 số đến 24 số/năm. Tăng dần tần suất thực hiện truyền hình trực tiếp so với tổ chức ghi hình phát lại. Các chương trình sau khi tổ chức truyền hình trực tiếp được lưu diễn phục vụ nhân dân, đảm bảo đến năm 2022, nhân dân 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được xem trực tiếp các chương trình sân khấu nghệ thuật.
Các loại hình sân khấu được biểu diễn là thế mạnh của sân khấu Hải Phòng như Chèo, Cải lương, Kịch nói, Múa rối, Ca nhạc và các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như Ca trù, Chầu Văn, Xẩm… đảm bảo phân bổ đều, cân đối tương xứng các loại hình sân khấu được tổ chức công diễn. Dự kiến triển khai một số loại hình sân khấu truyền thống khác và sân khấu thể nghiệm, nhất là các loại hình nghệ thuật sân khấu tinh hoa quốc tế và khu vực.
Theo yêu cầu của Đề án, các chương trình biểu diễn phải có chủ đề, nội dung tư tưởng nhằm khơi dậy truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên, đặc trưng vùng đất và con người Hải Phòng xưa và nay; tuyên truyền, quảng bá những thành tựu đổi mới, nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong giai đoạn gần đây, thể hiện khát vọng vươn lên; cổ vũ, động viên quân và dân thành phố xây dựng và bảo vệ đất nước và thành phố phát triển theo định hướng Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị. Thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và con người, tôn vinh lịch sử, văn hóa và thiên nhiên Việt Nam. Đề cao các giá trị văn hóa nhân văn, có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến yêu cầu xây dựng và phát triển Hải Phòng trong giai đoạn tới.