Đẩy mạnh bảo tồn, phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
17/09/2021 | 11:00Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ, với 54 dân tộc và khoảng hơn 90 ngôn ngữ khác nhau. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số đều có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của mỗi dân tộc là một thành tố cơ bản của văn hóa, đồng thời là phương tiện để hình thành và lưu truyền các hình thái quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi...
Xu hướng giảm người biết nói, biết viết tiếng dân tộc
Tuy ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi dân tộc, nhưng đang tồn tại xu hướng giảm số người biết viết, biết nói tiếng của dân tộc mình.
Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019 cho thấy, hiện có 88,7% người DTTS từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc. Tuy vậy, sau 4 năm, từ 2015 - 2019, tỷ lệ này đã giảm 7,3%, bình quân mỗi năm giảm 1,8%.
Theo nhóm tuổi, người DTTS biết nói tiếng dân tộc cũng giảm dần. Ở nhóm 65 tuổi trở lên có 92,8% nói được tiếng dân tộc; ở nhóm dưới 18 tuổi, tỷ lệ này chỉ còn 58,6%. Trong 53 DTTS, dân tộc Ngái có tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng DTTS thấp nhất 30,5%.
Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc khá thấp, chỉ là 15,9%, so với năm 2015, tỷ lệ này đã giảm 0,9%, bình quân mỗi năm giảm 0,2%.
Nhiều việc làm ý nghĩa trong cộng đồng nhằm bảo tồn, phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất vùng Tây Nam Bộ; người Khmer chiếm 30% dân số của tỉnh. Cộng đồng dân tộc Khmer có tiếng nói, chữ viết riêng.
Thượng tọa Trần Văn Tha - Ủy viên Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, đa số đồng bào Khmer ở Nam Bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng theo Phật giáo Nam Tông. Những năm qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã vận động 92 chùa Phật giáo Nam Tông trên địa bàn duy trì truyền thống mở lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho tăng sinh và người dân. Các sư sãi, chức sắc, người có uy tín trực tiếp tham gia giảng dạy và vận động đồng bào tạo điều kiện thuận lợi cho con, em học chữ Khmer vào dịp hè. Kết quả hằng năm, có trên 200 tăng sinh, trên 7.700 sư sãi và con em phật tử học chữ Khmer trong dịp hè.
Là một trí thức của dân tộc Raglai được Đảng, Nhà nước đào tạo, hàng chục năm qua, bà Mẫu Thị Bích Phanh ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận luôn trăn trở việc người Raglai mới chỉ có tiếng nói truyền miệng mà không có chữ viết. Bà nghĩ, nếu chỉ dựa vào trí nhớ và truyền khẩu thì việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc rất khó khăn; bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một. Nỗi niềm đó là động lực giúp bà quyết tâm khắc phục khó khăn, bỏ ra rất nhiều công sức, trong nhiều năm, tiến hành sưu tầm ký hiệu ngôn ngữ, lập quy ước mẫu tự và chuyển ngôn ngữ Raglai sang mẫu tự Latinh, tạo thành chữ viết cho người Raglai. Bộ chữ đã được Viện Ngôn ngữ công bố. Bản thân bà được UBND tỉnh Ninh Thuận mời tham gia Ban chỉ đạo biên soạn tài liệu tiếng Raglai và trực tiếp làm giáo viên giảng dạy cho các đồng chí tham gia giảng dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra, bà còn dạy hàng chục lớp tập huấn tiếng Raglai phục vụ tiếp xúc với đồng bào cho hơn 300 cán bộ Công an tỉnh Ninh Thuận và nhiều giáo viên của huyện Bác Ái.
Ở thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, ai cũng kính trọng ông Chảo Láo Sử, người nặng lòng với chữ Nôm Dao của dân tộc. Nhiều năm nay, cứ dịp Tết Nguyên đán, ông Sử lại khai giảng lớp học chữ viết của dân tộc Dao bởi theo phong tục, học chữ đầu năm mới sẽ đem lại những điều tốt lành. Ngoài sự tận tâm của ông Sử, người thân trong gia đình ông cũng tham gia vào việc kèm cặp, hướng dẫn, góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy và học chữ dân tộc Dao cho trẻ em trong thôn.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những việc làm có ý nghĩa của các cá nhân, các cộng đồng xã hội đang chung tay cùng các cấp, các ngành bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế xu hướng người dân tộc thiểu số không biết nói, biết viết, biết đọc tiếng của dân tộc mình.
Nỗ lực bảo tồn, phát huy ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong lĩnh vực văn hóa
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ, các đơn vị chuyên môn đã bổ sung các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc - tiếng phổ thông để tăng cường tủ sách cho các thư viện công cộng và các tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở. Đến nay, đã có 51 thư viện cấp tỉnh, 541 thư viện cấp huyện, 2.191 thư viện cấp xã tại các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống có đầu sách song ngữ.
Nhiều thư viện đã nỗ lực số hóa tài liệu bằng tiếng dân tộc để lưu giữ lâu dài như: Thư viện tỉnh Yên Bái đã số hóa 100% tài liệu bằng tiếng dân tộc; Thư viện tỉnh Sơn La có trên 1.000 cuốn sách bằng tiếng Thái cổ, số hóa được 23.154 trang tài liệu bằng tiếng dân tộc; thư viện dân sinh ngoài công lập tại các chùa Khmer tổ chức phục vụ tài liệu bằng tiếng dân tộc cho đồng bào Khmer các tỉnh, thành phố phía Nam…
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dân tộc trên địa bàn đã có nhiều hình thức tổ chức các hoạt động, nội dung nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS như: Khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc; Lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: “Chữ Nôm của người Dao”, “Chữ Nôm của người Tày”, “Chữ viết cổ của người Thái”, “Nói lý, hát lý của người Cơ Tu” đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Nhiều tỉnh, thành phố đã có những cách thức bảo tồn hiệu quả di sản tiếng nói, chữ viết. Tỉnh Khánh Hòa mở lớp học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh Phú Thọ bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số thông qua truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian… Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đầu tư công trình nghiên cứu biên soạn bộ chữ viết tiếng Bhnong; huyện Nam Trà My sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn sách dạy và học tiếng dân tộc Cadong để đưa vào giảng dạy tại các trường học. Tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách chữ Chăm, tiến hành giao nhận Thư tịch cổ Chăm và được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh tu bổ, bồi nền, số hóa…
Những nỗ lực trong lĩnh vực văn hóa đã tạo điều kiện để tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được sử dụng nhiều hơn, rộng rãi hơn trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.