Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đầu tư nguồn lực nâng tầm vị thế thể thao Việt Nam

13/01/2025 | 10:59

Năm 2025 được xem là năm bản lề của thể thao Việt Nam (TTVN) với nhiều nhiệm vụ quan trọng như triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thi đấu tốt tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33); xây dựng lực lượng hướng tới Asian Games 2026 và Olympic 2028.

Năm bản lề cho chu kỳ phát triển mới

Chỉ mất ít ngày làm quen, bà Byambajavyn đang tích cực huấn luyện vận động viên (VĐV) tại đội tuyển bắn súng Việt Nam. Sự góp mặt của chuyên gia người Mông Cổ được kỳ vọng sẽ giúp tổ súng ngắn nữ nói chung và xạ thủ Trịnh Thu Vinh nói riêng nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu. Trước đó, Trịnh Thu Vinh xếp hạng 4 Olympic Paris 2024 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, được nhận định có đủ khả năng cạnh tranh huy chương ở kỳ Olympic kế tiếp.

Theo ông Đỗ Văn Bình, Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, sự góp mặt của chuyên gia Byambajavyn là khởi đầu cho việc đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ mời thêm một số chuyên gia nữa. Trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bắn súng là môn thể thao trọng điểm có thể tranh chấp huy chương Olympic. Bởi vậy, việc Cục TDTT, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam tích cực thuê chuyên gia nước ngoài chất lượng là định hướng đúng đắn.

Tương tự bắn súng, đội tuyển bắn cung Việt Nam tiếp tục gắn bó với chuyên gia người Hàn Quốc Park Chae-soon. Trong làng bắn cung thế giới, ông Park Chae-soon là chuyên gia có uy tín, từng giành nhiều huy chương vàng Olympic trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn cung Hàn Quốc. Trước đó, ông Park Chae-soon góp công để bắn cung Việt Nam giành hai suất dự Olympic Paris 2024, góp phần giúp các tuyển thủ bắn cung Việt Nam cải thiện về kỹ thuật, bản lĩnh thi đấu.

Đầu tư nguồn lực nâng tầm vị thế thể thao Việt Nam - Ảnh 1.

Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam mừng chiến thắng trước Thái Lan ở chung kết ASEAN Cup 2024 (lượt đi).

Sau nhiều năm gắn bó với chuyên gia người Hàn Quốc, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã chủ động thuê chuyên gia người Iran. Trong khi đó, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đang đàm phán thuê chuyên gia Uzbekistan cho nội dung tiếp sức; một số liên đoàn, hiệp hội đang tích cực huy động các nguồn lực để thuê chuyên gia, lên kế hoạch đầu tư cho đội tuyển đi tập huấn và thi đấu quốc tế.

Trong giai đoạn phát triển mới, TTVN cần phát huy tốt vai trò của các liên đoàn/hiệp hội để huy động nguồn lực nhằm đầu tư cơ sở vật chất tập luyện, chế độ dinh dưỡng, kế hoạch tập luyện, tập huấn cho đội tuyển quốc gia. Những năm qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã kêu gọi được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, cá nhân. Sau chức vô địch ASEAN Cup 2024, số tiền thưởng mà các tập thể, cá nhân dành tặng đội tuyển Việt Nam đã tạo nên khí thế mới, động lực mới để bóng đá Việt Nam hướng tới mục tiêu vươn tầm. Tất nhiên, bóng đá có lợi thế bởi sức hút đối với người hâm mộ, dễ thu hút tài trợ hơn nhiều so với các bộ môn khác.

Năm 2025 được xem là năm bản lề cho chu kỳ mới của TTVN nên thời gian qua, các liên đoàn/hiệp hội, đội tuyển thể thao quốc gia đang tích cực xây dựng giáo án, tuyển chọn và huấn luyện VĐV nhằm chuẩn bị hướng tới những sân chơi quan trọng mà trước mắt là SEA Games 33 diễn ra vào tháng 12-2025. Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) cho biết, từ nay đến năm 2045, TTVN sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ Asian Games và 11 kỳ SEA Games. “Dựa trên thực tế về lực lượng và khả năng tranh chấp huy chương của các môn, Cục TDTT thống nhất chọn 17 môn trọng điểm để TTVN tập trung đầu tư, gồm: Bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm, boxing, taekwondo, xe đạp, cầu lông, bắn cung, judo, vật, đua thuyền, wushu, cầu mây, karate. Đây là những môn trọng điểm có cơ hội tranh chấp huy chương Asian Games và Olympic, nhằm tạo ra sự khác biệt mang tính đột phá thay vì đầu tư dàn trải như trước”, ông Hoàng Quốc Vinh nhận định.

Cần sự bứt phá trong quản lý và đầu tư thể thao

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Ủy ban Olympic Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TTVN trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển; đồng thời chỉ ra mặt hạn chế là các liên đoàn/hiệp hội chưa phát huy hết khả năng, đặc biệt ở việc mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đưa những chuyên gia giỏi về Việt Nam và đưa các VĐV đi đào tạo ở những nền thể thao phát triển.

Trong giai đoạn trước đây, việc TTVN lấy đấu trường SEA Games làm trọng tâm khiến nguồn lực đầu tư bị phân tán; các VĐV và môn thể thao nằm trong nhóm tranh chấp huy chương Asian Games hay Olympic chưa nhận được mức đầu tư tương xứng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội thẳng thắn: “Hiện nay, việc tuyển chọn VĐV đều dựa vào các giải thi đấu toàn quốc vì nhiều địa phương có VĐV tài năng song không đủ kinh phí tổ chức tập luyện và thi đấu. Nhiều địa phương chỉ làm vài môn thể thao và không mang tính ổn định nên hạn chế về VĐV đóng góp cho quốc gia. Hiện chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quân đội mới đào tạo nhiều môn thể thao, trở thành nguồn bổ sung lực lượng chính cho các đội tuyển thể thao quốc gia".

Nhìn nhận trong năm 2024, ngành thể thao Việt Nam đạt được một số kết quả tích cực như giành 16 suất dự Olympic, 7 suất dự Paralympic và 1 tấm huy chương đồng Paralympic; bóng đá nam vô địch ASEAN Cup, bóng đá futsal nữ vô địch Đông Nam Á và lọt tốp 10 thế giới theo bình chọn của chuyên trang Futsalplanet, nhưng ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT bày tỏ sự tiếc nuối khi TTVN không thể giành huy chương Olympic, một số VĐV vẫn còn khoảng cách xa so với trình độ của VĐV thế giới. Nói về định hướng phát triển TTVN, ông Đặng Hà Việt khẳng định: “Trong năm 2025, TTVN không chỉ phấn đấu đạt thành tích tốt tại SEA Games 33 mà phải thể hiện sức vươn, phấn đấu hướng tới những sân chơi lớn như Asian Games 2026 và Olympic 2028. Ngành TTVN phải tăng tốc, cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự chung tay của những nguồn lực xã hội để bứt phá mạnh mẽ”.

Theo QĐND

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×