Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dấu ấn ngành VHTTDL tại Quốc hội năm 2017

16/02/2018 | 07:30

Năm 2017, ngành VHTTDL đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ tại nghị trường Quốc hội với nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra chất vấn, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi được thông qua, dự thảo Luật TDTT được đưa ra xem xét với nhiều ý kiến đồng thuận, đánh giá cao chất lượng xây dựng dự thảo.

Cùng Báo điện tử Tổ Quốc điểm lại những hoạt động nổi bật của ngành VHTTDL tại diễn đàn quan trọng này.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn

Sau khi được giao trọng trách là Bộ trưởng Bộ VHTTDL vào năm 2016, tháng 5/2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lần đầu tiên đã trả lời chất vấn trước diễn đàn Quốc hội. Hàng loạt vấn đề “nóng” của ngành như: E ngại về sự mai một của văn hóa truyền thống, các vấn đề phát triển du lịch bền vững, hay các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… được Bộ trưởng giải đáp thẳng thắn, cụ thể và nhận trách nhiệm về những vấn đề của ngành trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Ngay trong lần đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên của mình trước Quốc hội vào chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức nhận lỗi trước những sai sót của ngành thời gian qua. Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm tích cực về việc nhận lỗi của Bộ trưởng.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, ngành đang quản lý tới 4 lĩnh vực: văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện rất rộng và khi phần đặt câu hỏi kết thúc, nhiều đại biểu trong hội trường cũng nhận thấy, Bộ trưởng đã rất thẳng thắn, đưa ra giải pháp để tới đây thực hiện tốt hơn.

“Chúng tôi hy vọng Bộ trưởng thành công hơn trong điều hành quản lý, để ngành phát triển theo mục tiêu đề ra”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kỳ vọng.

Còn nhận xét tổng kết phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Bộ trưởng đã chủ động, nghiêm túc và thẳng thắn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. “Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã nỗ lực quán xuyến điều hành, nắm tình hình, công việc của Bộ, của ngành và thực trạng vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng cũng rất chủ động, nghiêm túc, thẳng thắn, nhận trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém thuộc lĩnh vực phụ trách của ngành trong thời gian gần đây cũng như những tồn tại chung của ngành”.

Cho rằng, VHTTDL là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội, liên quan đến đời sống tinh thần của con người vã xã hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được đề cao và phát huy.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn; tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, phát huy hiệu quả và nguồn lực để làm tốt công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, di sản văn hóa, lịch sử; Triển khai hiệu quả đề án nâng cao tầm vóc sức khỏe người Việt Nam, chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, nhất là trong thế hệ trẻ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, về lòng tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc nêu gương người tốt việc tốt, phê phán đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng, đạo đức chính trị vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống…

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi 2017 được thông qua tạo dấu ấn cho du lịch phát triển

Chiều 19/6/2017, với 89,21% tán thành, các Đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Du lịch sửa đổi. Cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch sửa đổi được thông qua đã đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này.

Với việc chuẩn bị kỹ càng của Ban soạn thảo, dự luật đưa ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến đã được hầu hết các ĐBQH đánh giá cao.

Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng, Luật Du lịch sửa đổi cởi mở hơn, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp du lịch phát triển. Điều này thể hiện ở việc các điều kiện kinh doanh cởi mở hơn.

Lấy ví dụ về cấp giấy phép hoạt động. Trước đây, điều kiện cấp giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh ra quốc tế yêu cầu phải có tối thiểu ba hướng dẫn viên. Hay  điều hành quản lý cũng có những yêu cầu cao hơn, nhiều điều kiện khắt khe hơn.

“Nhưng hiện nay, với xu hướng “khởi nghiệp”, điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp đã giảm đi. Chẳng hạn, xếp hạng khách sạn cũng đã tăng thêm tính tự chủ, chủ động của các khách sạn theo hướng khách sạn tự nguyện” – ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng nói.

Một trong những vướng mắc của ngành du lịch nhiều năm qua trong việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, Luật Du lịch sửa đổi 2017 đã có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Trong đó quy định Quỹ được hình thành từ các các nguồn sau đây: Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; Ngân sách nhà nước bổ sung hàng năm một phần trích từ nguồn thu phí thăm quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong Luật Du lịch sửa đổi có sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, giữa Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì với các bộ, ngành liên quan khác để cùng nhau đưa du lịch phát triển và có những đóng góp tích cực cho đất nước, đạt được mục tiêu mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đặt ra là tới năm 2020 sẽ đón được 17 – 20 triệu khách du lịch, tăng trưởng GDP đóng góp hơn 10%.

“Tôi nghĩ rằng, với nỗ lực và quyết tâm chính trị cũng như quyết tâm, cố gắng của bộ, ban ngành thì Luật Du lịch sửa đổi sẽ khả thi và đáp ứng được được nhu cầu hiện tại tốt nhất có thể”- ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ.

Dự thảo Luật TDTT sửa đổi: Nhấn mạnh xã hội hóa

Trong năm qua, Dự thảo Luật Thể dục Thể thao sửa đổi (TDTT) được đưa ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Trong đó, đưa ra chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, khuyến khích sử dụng đất đai, nguồn lực về tài chính, miễn giảm thuế, đất, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân toàn xã hội, huy động nguồn lực của xã hội để tổ chức các hoạt động TDTT và định hướng cơ chế chính sách định hướng đặt cược thể thao tăng thêm nguồn lực.

Đáng lưu ý, với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT có bổ sung thêm quy định là tăng thêm thẩm quyền, trách nhiệm các liên đoàn, hội nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, “tư tưởng chủ đạo của Ban soạn thảo khi xây dựng dự án luật này là đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, khắc phục bất cập các hoạt động thể thao, kinh doanh hoạt động TDTT, đề ra chính sách tạo ra nguồn lực để phát triển TDTT trong giai đoạn sắp tới”.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để phát triển thể thao cả quần chúng và thành tích cao. Trong đó đặc biệt là phát triển về cơ sở vật chất để thu hút ngày càng đông đảo người dân tham gia tập luyện, phát triển thể thao cho mọi người. Đồng thời huy động được nguồn lực trong xã hội đẩy mạnh thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp, giải quyết chế độ chính sách cho VĐV, HLV…

Đánh giá cao việc chuẩn bị của Ban soạn thảo dự án luật, ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mong đợi, nếu Dự thảo Luật được sửa đổi đúng theo tinh thần, quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT sau khi được ban hành sẽ tác động rất tích cực đến các vấn đề của hoạt động thể dục, thể thao.

Trong đó, có việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm phát huy hơn nữa sự đầu tư đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp thể dục, thể thao; tạo cơ chế để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao thực sự tự chủ trong tổ chức và hoạt động; tạo điều kiện cho hoạt động thể thao từng bước vận hành theo cơ chế thị trường./.

Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×