Dấu ấn nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh
14/12/2021 | 10:12Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, văn hóa luôn được coi là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra đầu tháng 12/2021, một lần nữa, Đảng ta khẳng định văn hóa là “sức mạnh mềm” của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Quảng Ninh là một trong số ít các tỉnh, thành của cả nước có Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Nghị quyết chính là cơ sở, đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn đặc sắc của Vùng mỏ.
Phát huy giá trị đặc trưng văn hóa
Ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” (gọi tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TU). Tỉnh đã xác định, văn hóa Quảng Ninh được hình thành nên bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ. Những vốn văn hóa quý giá, khác biệt, riêng có này luôn được tỉnh trân trọng, bảo tồn và phát huy.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân và các doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong phát triển KT-XH không ngừng được nâng lên. Mỗi cá nhân đều đã nhận thức, hình thành ý thức rèn luyện, tu dưỡng xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Với 5 nhóm giải pháp cụ thể và 11 mục tiêu đề ra, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 6/11 mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TU, góp phần tạo bước chuyển biến rõ rệt trong gìn giữ, phát huy, khắc sâu, nhân rộng văn hóa truyền thống, các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ. Theo đó, tỉnh ban hành các đề án, bộ tiêu chí, quy định văn hóa, tạo tiền đề cho việc hình thành những nét văn hóa đặc trưng riêng của Quảng Ninh, như: Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh; Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh...
Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử tiếp tục được quan tâm. Tỉnh dành nguồn ngân sách thỏa đáng cũng như đẩy mạnh xã hội hóa cho công tác đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy các giá trị khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng các làng văn hóa, nhất là đẩy mạnh việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng, nhiều công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế đã ra đời. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu đạt trên 98%. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh có 94% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn.
Minh chứng sinh động từ thực tiễn trong hai năm đương đầu với đại dịch Covid-19 đầy cam go đã cho thấy nền tảng, nét đặc trưng văn hóa của con người Quảng Ninh. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của con người Vùng mỏ với tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, nhân ái của dân tộc Việt Nam tỏa sáng trong gian khó, thách thức. Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân được phát huy, sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng nơi tuyến đầu đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, sự sẻ chia, đùm bọc trọn vẹn nghĩa tình đồng bào.... đã kết tinh thành sức mạnh Vùng mỏ, để cùng đất nước vững vàng chiến thắng đại dịch.
Khai thác tài nguyên văn hóa cho phát triển kinh tế xã hội
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vừa qua, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Thấm nhuần tư tưởng đó, để có thể phát huy những giá trị văn hóa, biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tập trung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các tầng lớp nhân dân. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp thời trang, dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Xây dựng con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện...
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 09/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả 5 nhóm giải pháp cơ bản của Nghị quyết 11-NQ/TU. Trong đó, đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của tỉnh Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cùng với đó là tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.