Dấu ấn mới của võ Việt trên đấu trường thế giới
20/07/2022 | 14:48Nữ võ sĩ Wushu Dương Thúy Vi và nam võ sĩ Muay Nguyễn Trần Duy Nhất vừa làm rạng danh võ Việt trên đấu trường quốc tế khi giành 2 HCV tại World Games 2022, Đại hội thể thao thế giới dành cho những môn và nội dung không được tổ chức tại Olympic diễn ra tại Birmingham (Alabama, Mỹ).
Tại đấu trường quốc tế bốn năm mới diễn ra một lần như World Games thì việc giành huy chương đã khó chứ đừng nói đến giành HCV. Điều này cho thấy thành tích của Thúy Vi và Duy Nhất là rất đáng tự hào, góp phần giúp võ Việt tạo dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế.
Sự bền bỉ của "Ngọc nữ"
Không lâu sau khi đoạt "cú đúp" HCV tại SEA Games 31, Dương Thúy Vi tiếp tục làm rạng danh Wushu Việt Nam khi giành HCV Wolrd Games 2022. Đây là lần đầu tiên Thúy Vi vinh dự được tham dự đấu trường lớn như World Games, sân chơi quy tụ những võ sĩ có thứ hạng cao nhất ở nội dung của mình trên bảng xếp hạng thế giới.
Đồng hành cùng Thúy Vi (thi đấu Kiếm thuật và Thương thuật) còn có Hoàng Thị Phương Giang (Đao thuật và Côn thuật) và Phạm Quốc Khánh (Nam quyền và Nam côn). Trong khi 2 đồng đội không nằm trong top nhận huy chương thì Thúy Vi xuất sắc mang về tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội này. Thậm chí cái cách mà cô gái người Hà Nội giành HCV cũng thuyết phục và rất đỗi tự hào. Trước các đối thủ hàng đầu thế giới, Thúy Vi hoàn thành bài Thương thuật với 9.513 điểm và Kiếm thuật 9.527 điểm để có được tổng 19.040 điểm, bỏ xa người xếp thứ hai là VĐV Winnie Cai (Canada, 18.340 điểm) và VĐV Heeju Seo (Hàn Quốc, 18.320 điểm). Thành tích này không chỉ mang lại HCV cho bản thân mà còn giúp Thúy Vi lập kỳ tích giống đàn chị Nguyễn Thúy Hiền, người đã giành HCV cách đây 19 năm cho thể thao Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, Thúy Vi có thể xem là một trong những VĐV thành công nhất trong lịch sử Wushu Việt Nam. Ngoài tấm HCV World Games, cô gái sinh năm 1993 này đã có cho mình 5 HCV SEA Games, 1 HCV ở kỳ ASIAD 2014 và 2 HCV ở giải vô địch thế giới năm 2013 và 2017. Để có được những tấm HCV lánh lấp đầy tự hào đó, Thúy Vi đã trải qua quá trình tập luyện và thi đấu bền bỉ, đam mê cùng lòng quyết tâm theo nghề đã giúp VĐV có biệt danh là "Ngọc nữ của làng võ Việt Nam" vượt qua những khó khăn để đi đến thành công. Tập võ từ năm 7 tuổi, Thúy Vi đã có hơn 2 thập kỷ gắn bó với Wushu. Thanh xuân của Thúy Vi là trong phòng tập, sàn thi đấu, những chuyến tập huấn và thi đấu xa nhà. Để đánh đổi vinh quang, Thúy Vi cũng trải qua những cơn đau của chấn thương hay những nỗi buồn khi thất bại. Thế nhưng càng thi đấu, càng gắn bó với nghề, Thúy Vi càng cho thấy sự bền bỉ.
"Tôi đã có thể nghỉ thi đấu từ năm 2014 khi bản thân đã giành tất cả huy chương trong tay, nhưng tôi luôn cảm thấy mình học chưa đủ trong Wushu. Tôi chưa muốn dừng lại. Lý do tôi duy trì tập luyện đến bây giờ bởi mình thực sự muốn tiếp tục. Tôi chẳng có bí quyết gì bởi bản thân đến giờ tôi vẫn đứng ở đây thì đó chính là bí quyết lớn nhất", Thúy Vi chia sẻ về lý do tại sao bản thân gắn bó với Wushu trong thời gian lâu như vậy. Ở tuổi 29, cái tuổi mà những cô gái cùng trang lứa đã lập gia đình và nghĩ đến chuyện giải nghệ thì với Thúy Vi, cô vẫn còn rất nhiệt huyết với nghề.
Thúy Vi nói rằng bản thân chưa muốn dừng lại, trước mắt là SEA Games 32 diễn ra vào giữa năm sau tại Campuchia. Hy vọng rằng tấm HCV World Games sẽ là động lực lớn giúp Thúy Vi tiếp tục tập luyện và có thêm những tấm huy chương trong chặng đường còn lại của sự nghiệp.
Nỗ lực của "Độc cô cầu bại"
Cũng giống như Dương Thúy Vi, Nguyễn Trần Duy Nhất cũng lần đầu tham dự World Games và võ sĩ có biệt danh "Độc cô cầu bại" này đã làm rạng danh Muay Việt Nam bằng tấm HCV ở hạng cân 57 kg.
Tại đấu trường quy tụ nhiều đối thủ mạnh hàng đầu thế giới, Duy Nhất đã có những chiến thắng nghẹt thở trước Rui Botelho, võ sĩ người Bồ Đào Nha từng 3 lần giành chức vô địch thế giới cùng 4 lần vô địch châu Âu tại tứ kết, sau đó tại bán kết tiếp tục đánh bại Vladyslav Mykytas (Ukraine), người đã bất ngờ loại nhà vô địch thế giới 2021 Phillips Delarmino (Philippines) ở tứ kết, cuối cùng là vượt qua nhà cựu vô địch thế giới và châu Á 2019 Almaz Sarsembekov (Kazakhstan) trong trận chung kết. Như vậy không lâu sau hoàn tất "giấc mơ vàng" tại SEA Games 31, Duy Nhất lại có thêm trong "bộ sưu tập" của mình HCV World Games danh giá. Trước đó, võ sĩ sinh năm 1989 đã từng giành 7 chức vô địch thế giới, 4 lần đăng quang tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á, Đại hội võ thuật và thể thao trong nhà châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á, nhiều lần giành đai vô địch các giải nhà nghề cũng như 12 lần đoạt chức vô địch quốc gia.
Duy Nhất không chỉ giành vinh quang cho bản thân mà anh còn làm rạng danh võ Việt khi đây là tấm HCV thứ hai liên tiếp mà Muay Việt Nam có được tại World Games (cách đây 5 năm tại kỳ đại hội ở Ba Lan, nữ võ sĩ Bùi Yến Ly đã giành HCV tại hạng cân 51 kg). Và tấm HCV World Games lần này càng quý giá hơn khi biết hạng cân (57 kg) mà Duy Nhất tranh tài không phải sở trường của võ sĩ này. Trong thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là các môn đối kháng, việc một VĐV chuyển xuống thi đấu hạng cân thấp lúc nào cũng khó khăn. Từ xưa đến nay, Duy Nhất vốn được biết đến ở hạng cân 60 kg (đây cũng là hạng cân anh giành HCV SEA Games 31), để thi đấu hạng 57 kg, Duy Nhất phải thực hiện ép cân. Đây là thử thách cho Duy Nhất, đặc biệt những ngày cận thi đấu, anh phải vừa ăn uống kiêng cữ, vừa vận động nhiều để cơ thể không vượt qua 57 kg. Điều này ảnh hưởng nhiều đến thể trạng cũng như thể lực, đòi hỏi Duy Nhất phải thực sự nỗ lực và cố gắng hơn 100% ở mỗi trận đấu.
Chưa kể khi sang Mỹ thi đấu, việc lệch múi giờ cũng là trở ngại lớn. Phần lớn những trận đấu của võ sĩ quê Nha Trang thường diễn ra khuya và rạng sáng theo giờ Việt Nam. Việc thích ứng nhanh cũng là một cố gắng rất lớn của Duy Nhất.