Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dấu ấn giao lưu, quảng bá quốc tế về văn hoá năm 2017

13/02/2018 | 10:48

Có thể nói, năm 2017 là năm sôi động nhất trong giao lưu, hội nhập và quảng bá quốc tế về văn hoá, không hoàn toàn ở số lượng hay quy mô, mà năm 2017 đánh dấu những dấu ấn văn hoá đủ đậm, đủ sâu và đủ sức lan toả đến bạn bè quốc tế.

Năm 2017, nhắc đến Việt Nam, thế giới chắc hẳn đầu tiên sẽ nói về một Năm APEC Việt Nam thành công trên mọi phương diện. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và internet đã chắp cánh cho thành công về phương diện quảng bá Việt Nam. Chưa bao giờ và sẽ hiếm khi Việt Nam hiện diện nhiều như thế trên các phương tiện truyền thông quốc tế với hàng triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến APEC Việt Nam trên internet ngay khi tuần Tuần lễ cấp cao APEC vừa kết thúc. Chưa bao giờ một lượng lớn đông đảo và hùng hậu các phóng viên báo chí quốc tế như thế đến Việt Nam và đưa tin về Việt Nam. Bên cạnh những cuộc họp, những cuộc gặp gỡ và những thảo luận chính trị, kinh tế sôi nổi, văn hoá Việt Nam chính là một phần của câu chuyện Việt Nam mà thế giới được chứng kiến.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm trong trang phục APEC Việt Nam 2017. Ảnh: ICD

Thật vậy, ở góc độ văn hoá, Nhà nước đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành, từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội chung tay tham gia để giới thiệu một Việt Nam với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, con người giàu lòng nhân ái và hiếu khách, những món ăn ngon, quảng bá nét đẹp văn hoá và những quan niệm truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đóng vai trò chính trong việc thông qua văn hoá truyền tải nét đẹp con người và văn hoá Việt Nam đến bè quốc tế.

Với hàng chục hoạt động văn hoá phong phú như các chương trình biểu diễn nghệ thuật đến chương trình trình diễn ẩm thực, thăm quan di sản Việt Nam; từ Tuần Phim APEC đến Vườn tượng APEC, văn hoá đã tạo dấu ấn góp phần đáng kể vào thành công chung của APEC.

Một trong những bức hình xuất hiện trên hầu hết các phương tiện đại chúng toàn cầu là bức ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân chụp cùng các trưởng đoàn các nền kinh tế APEC trong trang phục APEC. Chiếc áo ngắn năng động nhưng được kết nối tinh tế với tính truyền thống Việt Nam: Từ chất liệu dệt lụa tơ tằm Việt Nam do những người thợ Việt Nam dệt và nhuộm thủ công; đến chiếc khuy được làm bằng kim loại quý do thợ kim hoàn thực hiện tinh sảo. Từ chọn màu trắng ngà gần gũi thiên nhiên cát trắng miền Trung đến sắc xanh của biển Đà Nẵng thể hiện sự thân thiện và ước mong hoà bình; Từ hộp dựng mang chất liệu tre truyền thống cho đến hình trạm nổi hoa Sen, đều đại diện cho cốt cách, phẩm giá con người Việt Nam. Trang phục sang trọng và tinh tế này sẽ được bạn bè quốc tế mang về và lưu giữ như kỷ niệm đẹp về Việt Nam.

Chương trình văn hóa-nghệ thuật phục vụ tiệc chiêu đãi phu nhân trưởng đoàn các nền kinh tế APEC 2017 của Phu nhân Chủ tịch nước. Ảnh: ICD

              

Hoạt động văn hoá nổi bật nhất và được đưa tin rộng rãi trên toàn thế giới chính là chương trình nghệ thuật trong Tiệc chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chiêu đãi các Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện. Một chương trình có quy mô lớn với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật, nghệ nhân và nghệ sỹ trong cả nước. Được coi là một “công trình nghệ thuật đặc biệt” được dàn dựng công phu, chương trình là bức tranh toàn cảnh cùng thông điệp về một đất nước Việt Nam có nền văn hoá đậm đà bản sắc, có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp; là đất nước yêu chuộng hoà bình, trải qua những thăng trầm của lịch sử vẫn luôn mở rộng vòng tay chào đón bè bạn bốn phương, để gắn kết, sẻ chia, tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu cùng nhau phát triển”. Cũng trong tuần lễ cao cấp APEC, Chương trình văn hoá - nghệ thuật phục vụ tiệc của Phu nhân Chủ tịch nước chiêu đãi phu nhân trưởng đoàn các nền kinh tế APEC 2017 lại mang một diện mạo văn hoá duyên dáng, mềm mại hơn trong một không gian độc đáo, gần gũi thiên nhiên rất Việt Nam. Trong cả hai hoạt động này, ẩm thực Việt Nam và những chi tiết nhỏ nhất như đồ gốm sứ Việt Nam hay những chiếc khăn lụa Việt Nam đều là sứ giả văn hoá mang thông điệp tươi đẹp về Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
 
Năm 2017, năm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN cũng tạo nên những dấu ấn về giao lưu văn hoá khó quên. Đó là một chuỗi các sự kiện văn hoá với sự tham gia của các nước ASEAN và các nước đối thoại như: Liên hoan Múa rối ASEAN 2017; Liên hoan Ca Múa Nhạc ASEAN 2017; Liên hoan Múa quốc tế 2017 hay Triển lãm ảnh Đất nước, con người ASEAN, Sách ảnh Di sản ASEAN mừng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Năm 2017 cũng đánh dấu việc duy trì hàng chục các sự kiệngiao lưu, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam tại nước ngoài do Bộ VHTTDL thực hiện. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến chuỗi sự kiện văn hoá trong Năm Hữu nghị Việt - Lào nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác ViệtNam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017); Chuỗi hoạt động trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc lại để lại những dư vị không thể quên về sức ảnh hưởng và tính hấp dẫn của văn hoá đối với người dân của hai nước. Năm 2017 tiếp tục ghi đậm dấu ấn thành công của hai lễ hội văn hoá Việt Nam có quy mô lớn nhất tại nước ngoài: Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản 2017 (tại Tokyo) và Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa 2017. Hai lễ hội này thu hút tổng cộng gần 500 ngàn người tham dự với các chương trình ẩm thực Việt và biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam hấp dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng đoàn Việt Nam tham gia sự kiện triển lãm lớn nhất thế giới - EXPO 2017 Astana Kazakhstan. Ảnh Cinet

                                                            

Năm 2017 đánh dấu thành công của Việt Nam trong việc tham gia vào sự kiện triển lãm lớn nhất thế giới - EXPO 2017 Astana Kazakhstan. Là triển lãm phi thương mại quốc tế có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng lớn nhất và thời gian dài nhất trong số các triển lãm quốc tế. Đây là diễn đàn để các quốc gia khẳng định vị thế, giới thiệu tiềm năng, phát minh đóng góp cho sự tiến bộ nhân loại; nơi để quảng bá nét đặc sắc của quốc gia mình, thu hút du lịch và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển của thế giới.

Với Chủ đề của EXPO 2017 là “Năng lượng tương lai”, Nhà Triển lãm Việt Nam do Bộ VHTTDL thực hiện có chủ đề “Kết nối dân tộc và hiện đại” đã góp tiếng nói chung với cộng đồng thế giới về nhận thức những giá trị tốt đẹp của truyền thống trong việc sống hài hoà với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và coi trọng tận dụng năng lượng thiên nhiên; Cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu do khai thác và sử dụng năng lượng chưa phù hợp; Đánh thức tinh thần trách nhiệm về những thách thức toàn cầu mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất; Quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển nguồn năng lượng tương lai của Việt Nam. Nhà Triển lãm Việt Nam đã giới thiệu được những nét đẹp văn hoá phong phú của Việt Nam đến thế giới.Trong 3 tháng liên tục, Nhà triển lãm với nội dung và hình thức trưng bày đẹp mắt, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc cùng góc ẩm thực đã thu hút được khoảng 800 ngàn lượt người thăm quan và được truyền thông địa phương đưa tin rộng rãi. Nổi bật nhất chính là sự kiện “Ngày Việt Nam” do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thay mặt Chính phủ tham dự với nghi thức trang trọng như lễ kéo quốc kỳ, cử quốc ca tại quảng trường Trung tâm EXPO trước đông đảo bàn bè quốc tế. Những thông điệp về tình hữu nghị, trách nhiệm toàn cầu cùng âm nhạc truyền thống, lễ diễu hành là điểm nhấn của toàn bộ sự kiện Ngày Việt Nam sôi động này.

Chương trình nghệ thuật Việt Nam tại sự kiện triển lãm lớn nhất thế giới- EXPO 2017 Astana Kazakhstan. Ảnh ICD

                                                                                  

Một dấu ấn mang tính giao lưu nghệ thuật của năm 2017 là sáng kiến tổ chức lần đầu tiên chương trình giao lưu sáng tác ảnh giữa các nghệ sỹ nhiếp ảnh hàng đầu Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức 2 cuộc triển lãm mang ý nghĩa đặc biệt trong năm 2017: Triển lãm “Việt Nam trong con mắt nghệ sỹ nhiếp ảnh Trung Quốc” tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Trung Quốc tháng 5/2017 và cuộc triển lãm “Trung Quốc trong con mắt nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam” tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (11/2017). Hai cuộc triển lãm này đã một lần nữa minh chứng cho sức mạnh của giao lưu văn hoá trong vai trò là tiền đề, là cầu nối của việc tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Bên cạnh các sự kiện văn hóa lớn và ý nghĩa, hình ảnh Việt Nam trong năm 2017 đã không ngừng được những đoàn phim lớn của thế giới mang đến khán giả toàn cầu qua các chương trình hợp tác với hãng phim/kênh truyền hình như NHK, Fuji, Kansai (Nhật Bản), FASAD (Thụy Điển), Eccholine (Bỉ) ZDF, ARD (Đức), “Photo Face Off” (Singapore) ; Dự án làm phim truyện đầu tư lớn của Đức và Pháp quay phim tại Việt Nam.

Có thể nói Việt Nam đã có một năm 2017 với nhiều dấu ấn trong công tác giao lưu, hợp tác và quảng bá văn hoá trên phạm vi quốc tế, nó phản ánh sức sống và sự năng động của văn hoá Việt Nam, phản ánh sự hội nhập sâu rộng và cũng như vị thế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, nó còn truyền đi một sức hút và hơn thế - một sức mạnh của dân tộc, như Joseph Nye - giáo sư Đại học Haward trong tác phẩm của mình mang tên: Sức mạnh mềm: con đường giành thắng lợi trong chính trị thế giới từng nói "sức mạnh mềm là sức hội tụ quốc gia, là trình độ tham dự tổ chức quốc tế, là sức mạnh để người khác bị cảm hoá một cách tự nguyện, nó bắt nguồn từ sức thu hút của văn hóa và hình thái ý thức”.

Hy vọng rằng, chúng ta sẽ tiếp nối ”sức mạnh” và thành công của năm 2017, tạo đà quan trọng để nắm bắt những cơ hội mới rực rỡ hơn trong năm 2018./.

(Nguồn Bản tin tham khảo VHTTDL Quốc tế số đặc biệt)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×