Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dấu ấn của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế

06/12/2023 | 17:59

Những ngày qua, thể thao nước nhà liên tục nhận tin vui khi các đội tuyển Việt Nam thi đấu thành công tại các giải thế giới, đó là các môn bi sắt, Kurash, Wushu, Vovinam, cờ tướng, trước đó nữa là thể hình và cử tạ. Chính những thành tích này đã mang lại hiệu ứng tích cực cho thể thao Việt Nam trong thời điểm cuối năm 2023.

.

Dấu ấn của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế - Ảnh 1.

Bi sắt Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch thế giới. (Ảnh: Cục TDTT)

Đó sẽ là động lực rất lớn để các VĐV ở các đội tuyển khác tiếp tục nỗ lực tập luyện, hướng đến các sân chơi quốc tế của thể thao nước nhà trong năm 2024.

Lần đầu tiên cho bi sắt 

Thể thao Việt Nam sở hữu không nhiều nhà vô địch thế giới. Để có được danh hiệu cao quý này đòi hỏi VĐV hoặc tập thể đó ngoài tài năng nổi trội ở bộ môn của mình thì phải rất nỗ lực trong tập luyện, thi đấu cùng rất nhiều yếu tố khác. Sau rất nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng bi sắt Việt Nam cũng có được chức vô địch thế giới lần đầu tiên trong lịch sử khi Thạch Thị Ánh Lan, Kim Thị Thu Thảo, Trần Thị Diễm Trang, Trịnh Thị Kim Thanh giành HCV tại giải vô địch thế giới (VĐTG) vừa diễn ra ở Thái Lan. Để có được tấm huy chương lịch sử này, các cô gái Việt Nam đã vượt qua 2 đối thủ rất mạnh là Pháp và Thái Lan - những cường quốc bi sắt. Đặc biệt là trận chung kết với người Thái, đội tuyển Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trước sức ép của chủ nhà và chỉ có được chiến thắng nhờ bản lĩnh ở những thời điểm quyết định.

Còn tại giải Kurash VĐTG 2023 ở Turkmenistan, võ sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc đã bảo vệ được tấm HCV quý giá ở hạng cân 57 kg nữ. Bích Ngọc đã thi đấu ấn tượng khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh, trong đó có võ sĩ người Iran ở trận chung kết. Đây là nỗ lực đáng khen của Bích Ngọc bởi việc tập luyện duy trì phong độ để đứng trên đỉnh thế giới là chuyện không hề đơn giản. 

Với môn Vovinam, các võ sĩ Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của cái nôi Vovinam thế giới khi giành được 18 HCV sau 6 ngày thi đấu tại giải VĐTG diễn ra ở TP.HCM. Thành tích này giúp Vovinam Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn một cách thuyết phục. Trong chuỗi thành thích ấn tượng ấy, không thể không kể đến những tấm HCV của các võ sĩ kỳ cựu như Mai Thị Kim Thùy hay Huỳnh Khắc Nguyên - những người giàu thành tích bậc nhất ở nội dung quyền biểu diễn của Vovinam Việt Nam. Bên cạnh đó là những tấm HCV quý giá ở các hạng cân đối kháng của Bùi Xuân Nhật (hạng 48 kg), Lê Ngọc Vĩnh (hạng 60 kg), Nguyễn Đạt Duy Long (hạng 54 kg), Lê Thị Hiền (hạng 57 kg), Nguyễn Tiến Sơn (hạng 72 kg)… Những tấm HCV trên càng ý nghĩa hơn khi giải đấu diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái Vovinam - Việt võ đạo, cũng như môn võ này cũng chính thức được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng tới việc xây dựng và phát triển thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

“Tre già măng mọc”

Một môn võ khác cũng gây tiếng vang trên đấu trường thế giới đó là Wushu. Tại giải VĐTG ở Mỹ, võ sĩ Đặng Trần Phương Nhi xuất sắc giành đến 2 HCV. Chiến tích này của Phương Nhi giúp cô trở thành gương mặt triển vọng mới của Wushu Việt Nam, sẵn sàng thay thế các đàn chị như Dương Thúy Vi hay Hoàng Thị Phương Giang trên đấu trường quốc tế trong tương lai. Một VĐV trẻ khác cũng giành được chức vô địch thế giới trong tháng vừa qua là Trần Nguyễn Minh Hằng của môn cờ tướng tại nội dung U12 nữ giải VĐTG ở Mỹ. Minh Hằng cũng được xem là tương lai của cờ tướng nữ Việt Nam, việc được thường xuyên thi đấu các giải trong nước và quốc tế sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển kỳ nghệ của kỳ thủ trẻ này.

Một đội tuyển khác của Việt Nam cũng gây tiếng vang lớn trên đấu trường quốc tế trong tháng 11 là thể hình. Tại giải VĐTG diễn ra ở Hàn Quốc, các lực sĩ của chúng ta đã giành đến 8 HCV, nhiều nhất trong lịch sử tham dự giải thế giới, qua đó xếp hạng ba toàn đoàn - đây cũng là thứ hạng cao nhất trong lịch sử tham dự giải. Trước đó hồi tháng 9, bộ đôi Bao Phương Vinh và Trần Quyết Chiến đã gây “chấn động” làng Billiards Carom 3 băng thế giới, khi vượt qua hàng loạt cao thủ để tạo nên trận chung kết nội bộ lịch sử của Billiards thế giới. Bao Phương Vinh sau đó thắng người đàn anh để trở thành cơ thủ đầu tiên của Việt Nam vô địch thế giới. Chiến tích này của Phương Vinh mang lại niềm tự hào to lớn cho Billiards nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho phong trào trong nước.

Có thể nói, thành công của các đội tuyển trên mang lại rất nhiều điều tích cực cho thể thao Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023. Đó sẽ là nguồn động viên tinh thần không nhỏ cho các VĐV ở các bộ môn khác, đặc biệt là những bộ môn có trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024, sẽ tiếp tục nỗ lực tập luyện, hướng đến các sân chơi vòng loại Thế vận hội trong tháng 12 năm nay và đầu năm 2024. Hiện tại thể thao Việt Nam mới chỉ có 3 tấm vé dự Thế vận hội 2024 từ bơi, xe đạp và bắn súng. Hy vọng rằng thời gian tới, các VĐV Việt Nam sẽ có được thành công ở sân chơi vòng loại để mang về thêm cho thể thao nước nhà những suất tham dự Ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh tại Paris (Pháp) vào năm sau./.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×