Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đạo diễn Chua Soo Pong và tình yêu với sân khấu Việt

25/10/2017 | 08:00

Đạo diễn gạo cội người Singapore Chua Soo Pong đang phối hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở diễn "Hồng Lâu Mộng" dựa trên nguyên tác kinh điển của tác giả Tào Tuyết Cần.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với vị đạo diễn về cơ duyên đến với Việt Nam và hợp tác với Nhà hát Kịch Việt Nam.

Đạo diễn Chua Soo Pong chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên. Ảnh: Gia Linh

PV: Là một trong những đạo diễn quốc tế có duyên với Việt Nam, xin ông cho biết lý do ông lựa chọn Nhà hát Kịch Việt Nam để cùng phối hợp xây dựng vở diễn “Hồng Lâu Mộng”?

Tôi rất có duyên với Việt Nam. Tình hữu nghị giữa tôi và Việt Nam rất khăng khít và đã có từ rất lâu rồi. Tôi quen Nhà nghiên cứu Trần Văn Khê - một nhà nghiên cứu âm nhạc rất nổi tiếng của Việt Nam từ năm 1978. Năm 1996, Singapore đã mời Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam sang biểu diễn, tiếp đó là mời Nhà hát Tuồng Việt Nam sang biểu diễn. Năm 2008, 2010 tôi đều làm giám khảo của Liên hoan Múa rối Quốc tế… Thế nên, tôi có dịp hợp tác với các đoàn nghệ thuật Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: từ ca, múa, nhạc, múa rối, kịch nghệ, tuồng, cải lương…

Về lý do phối hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam dựng nhiều vở diễn, trong đó có vở “Hồng Lâu Mộng”, tất cả bắt đầu từ chữ “duyên” giữa tôi và Giám đốc Nguyễn Thế Vinh.

Năm 2013, tôi ở cương vị cố vấn đặc biệt của Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - Asean. Năm đó, Ban Tổ chức đã giới thiệu và mời Nhà hát Kịch Việt Nam sang tham dự. Lúc ấy Giám đốc Nguyễn Thế Vinh đã sang và xem vở “Đám cưới con gái chuột” do đoàn Trung Quốc diễn và rất thích. Do đó, năm 2014 đã mời tôi sang để dựng vở này cho Nhà hát Kịch Việt Nam.

Giám đốc Nguyễn Thế Vinh là người rất năng động. Mỗi lần hợp tác giữa tôi và Nhà hát Kịch Việt Nam đều rất thành công, hiệu quả công việc tốt, nên mỗi lần hợp tác tôi thấy rất vui. Tôi đã giới thiệu Nhà hát Kịch Việt Nam đi khá nhiều nước như: Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Singapore… Tôi cũng mong muốn có thể đưa sân khấu kịch Việt Nam đi ra nhiều sân khấu quốc tế để giới  thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi cũng phối hợp với trường Đại học Sân khấu Điện ảnh dựng cho sinh viên vở “Con gà trống”. Năm 2016 thì dựng vở “Kiều” cho Khoa Cải lương, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh; dựng vở “Kim Tử” cho trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; vở “Dưới bóng đa huyền thoại” cho Nhà hát Tuồng Việt Nam.

PV: Trong nhiều tác phẩm kinh điển, tại sao ông lại lựa chọn “Hồng Lâu Mộng” là một trong bốn tác phẩm văn học cổ điển danh tiếng nhất của Trung Quốc để dàn dựng?

Lúc đầu phía Nhà hát Kịch Việt Nam định mời tôi dàn dựng vở “Thanh xà, Bạch xà”, nhưng sau đó phía NSND Anh Tú có bàn với Giám đốc Nguyễn Thế Vinh về việc chuyển sang dàn dựng vở “Hồng Lâu Mộng”, vì năm nay kỷ niệm 65 năm, Nhà hát cũng ra mắt vở “Romeo và Juliet”. Hai vở diễn này đều là câu chuyện tình yêu, một vở là câu chuyện tình yêu phương Đông còn một vở là câu chuyện tình yêu phương Tây.

Hơn nữa, vở Hồng Lâu Mộng chủ yếu là nữ diễn viên, đây sẽ là cơ hội để mọi người biết đến các diễn viên nữ xinh đẹp của Nhà hát Kịch Việt Nam, cũng là cơ hội để rất nhiều diễn viên nữ cùng tỏa sáng. Bên cạnh đó, cũng để các diễn viên của Nhà hát học tập phong cách dàn dựng khác so với các vở diễn trước đây. Qua đó góp phần đào tạo, nâng cao trình độ diễn xuất của diễn viên.

“Hồng Lâu Mộng” là tiểu thuyết sau đó mới chuyển thể thành kịch bản kịch nói, do đó, đây cũng là cách để mọi người học cách chuyển thể từ tiểu thuyết sang kịch nói, như chuyển thể “Kiều” thành kịch nói và ca kịch.

PV: Vở diễn với nhiều lát cắt khắc nhau, phản ánh nhiều nội dung, quan hệ giữa tình yêu, bạn bè, gia đình, xã hội.., trong phiên bản này, ông lựa chọn giới thiệu tới khán giả những lát cắt nào?

Vở diễn này chủ yếu dựng theo câu chuyện tình yêu của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc. Ngoài ra cũng đề cập đến các quan hệ khác, như tình cảm bạn bè giữa Giả Bảo Ngọc và Kỳ Quan, quan hệ giữa tôi tớ với quan lớn, những ứng xử trong xã hội… Khán giả có thể thấy rất nhiều câu chuyện nhỏ trong vở diễn.

Tôi cũng hy vọng sau này có cơ hội dựng vở “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây Du ký”, “Thủy Hử” hoặc “Ramayana” tại Việt Nam.

PV: Liệu có sự phá cách nào trong diễn xuất của vở diễn để tạo nên sự hấp dẫn trong vai diễn?

Mỗi cảnh trong các vở tôi dựng đều có sự thu hút, hấp dẫn riêng. Có những cảnh có hát, có múa, có cảnh lại có xung đột, từng cảnh lại có những nhân vật khác nhau… nên qua từng cảnh khán giả sẽ hiểu về nhiều nhân vật hơn. Tôi dựng vở cũng hướng đến gây ấn tượng để khán giả sẽ ghi nhớ các tình tiết của vở diễn.

Vở này được dàn dựng theo lối cổ trang, do đó thể hiện phải lả lướt, uyển chuyển. Bên cạnh đó, trong vở còn có nhiều yếu tố khác như múa, hát. Thế nên tôi nghĩ anh Vinh mời tôi về dựng vở cũng một phần để mời tôi đào tạo các diễn viên học những cái mới mà trước đây họ chưa được học. Tôi nghĩ rằng sau khi tập xong vở “Hồng Lâu Mộng” thì diễn viên sẽ có những kỹ thuật múa cơ bản. Mọi người cũng biết cách làm thế nào để dùng hình thể để diễn xuất.

PV: Sau “Hồng Lâu Mộng”, ông có dự định  tiếp theo nào ở Việt Nam?

Năm 2018 sẽ kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore, nên tôi cũng muốn dàn dựng một tiết mục, có thể là ca, múa, nhạc hay kịch nói để các nghệ sĩ Việt Nam và Singapore cùng giao lưu với nhau.

Hơn nữa, tôi cũng muốn viết một quyển sách để giới thiệu về quá trình hợp tác giữa tôi với Việt Nam trong suốt 40 năm qua. Tôi cũng muốn dựng những tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ chuyển thể sang tiếng Anh, tiếng Trung hoặc chuyển thể tác phẩm “Kiều” để các nghệ sĩ Singapore diễn.

Tôi hy vọng có thể xây dựng ngày càng nhiều hơn nữa các hoạt động giao lưu giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Singapore./.

Thực hiện PV: Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×