“Đánh thức” tình yêu di sản của giới trẻ
17/01/2023 | 10:50Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực trong nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở cộng đồng nhưng bài toán làm sao để huy động được sức trẻ vẫn là vấn đề trăn trở. Di sản văn hóa được ví như sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, để tránh đứt gẫy, nhất định cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của thế hệ tương lai.
Lan tỏa tình yêu di sản
Mới đây, tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, hai bên đều khẳng định đã đến lúc phải nêu cao vai trò của giới trẻ trong công cuộc phát triển văn hóa. Hiểu rõ vai trò của họ trong việc giúp di sản văn hóa có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, nhiều địa phương đã lập tức bắt tay triển khai xây dựng hoạt động gắn kết di sản với giới trẻ. Thực tế cho thấy, những hoạt động này phát huy hiệu quả rất rõ. Giới trẻ nhiệt tình tham gia, nhiệt tình hưởng ứng. Tình yêu với di sản cũng vì thế được nhân lên và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tại bản Mơ H’ra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), âm nhạc cồng chiêng là phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa với dân bản. Tự hào vì nắm giữ báu vật do ông cha truyền lại, nhưng cùng với đó, bà con nơi đây trăn trở làm sao nối truyền cho thế hệ mai sau những di sản này. Rất may, dự án Di sản kết nối (do Hội đồng Anh và các chuyên gia về di sản văn hóa thực hiện) đã phần nào giúp bà con thực hiện mong muốn. Dự án đã triển khai chuỗi các buổi tập huấn về nhận diện giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh đương đại. Buổi tập huấn có sự tham gia của 20 thành viên cộng đồng làng Mơ H’ra và đại diện cơ quan quản lý văn hóa cấp xã và huyện.
Đặc biệt, làng Mơ H’ra đã lập ra đội cồng chiêng nhí với 40 thành viên ở độ tuổi từ 5-7. Các em đều là con em đồng bào dân tộc Ba Na. Đây cũng là đội cồng chiêng nhí được tỉnh Gia Lai đưa đi biểu diễn ở nhiều nơi và đạt được nhiều giải thưởng cao, được đông đảo du khách gần xa yêu mến. Hiệu quả đến khi nhiều khách du lịch phản hồi lại rằng họ đã “trót” yêu âm nhạc cồng chiêng của người dân Tây Nguyên.
Không chỉ là những dự án, thời gian qua, các bạn trẻ bằng nhiều cách khác nhau đã nỗ lực tham gia vào công cuộc “đánh thức” di sản văn hóa trong cộng đồng. Chảo Thị Yến (dân tộc Dao ở Lào Cai), Nguyễn Hoài Thương (dân tộc Tày ở Hà Giang) được ví như những sứ giả kết nối văn hóa khi dùng TikTok để quảng bá di sản; Vàng Thị Dế (dân tộc Mông, Hà Giang) với nỗ lực mang vải lanh vươn xa... Việt Nam đang có một thế hệ trẻ sẵn sàng hết lòng vì di sản văn hóa của đồng bào DTTS.
Để di sản văn hóa trường tồn cùng thời gian
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc giới trẻ ngày càng quan tâm đến di sản nói chung và di sản văn hóa DTTS nói riêng là những tín hiệu tích cực. “Chúng ta thấy giới trẻ có sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa DTTS thông qua các hoạt động trải nghiệm, nhu cầu du lịch đến những địa điểm di sản, đặc biệt là sử dụng chất liệu di sản văn hóa DTTS để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới... Tất cả đã tạo ra sự đa dạng, phong phú, thể hiện bản sắc mới cho nền nghệ thuật Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, vẫn đang có một bộ phận bạn trẻ sùng ngoại, thờ ơ, quay lưng, hoặc có hành động làm méo mó, sai lệch văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa DTTS nói riêng. Bức tranh xen lẫn sáng tối như vậy khiến các nhà quản lý, giới trẻ hiện nay phải cố gắng hơn nữa để những mảng sáng lấn át mảng tối, để di sản văn hóa DTTS góp phần cho sự phát triển bền vững đất nước. PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất: “Nâng cao nhận thức của giới trẻ đối với di sản văn hóa dân tộc là một giải pháp quan trọng. Khi họ hiểu, chúng ta cũng cần có hành động khuyến khích họ kể những câu chuyện về văn hóa vùng miền, DTTS bằng chính cách của chính họ, các phương tiện truyền thông mới như TikTok... Bên cạnh đó, chúng ta nên có thêm một số giải thưởng, sự kiện để tôn vinh những đóng góp này của giới trẻ đối với hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa DTTS”.
Đồng quan điểm, ông Cao Trung Vinh, người gắn bó với dự án Di sản kết nối nhận định: “Muốn bạn trẻ yêu di sản, nhất là di sản văn hóa DTTS của những tộc người chưa được đông đảo công chúng biết đến thì phải có cách phổ biến mới lạ, gây ấn tượng, thay vì quá phụ thuộc vào “sách vở”. Cần động viên các bạn trẻ tham gia CLB ảnh, phim… Ở mỗi CLB, chúng ta cũng không nên đặt nặng vấn đề phải thực hành được mà trước mắt hãy đặt mục tiêu giúp các bạn hiểu rõ về di sản. Một khi đã được trang bị kiến thức đầy đủ, chúng ta mới tính đến gợi mở nhiều giải pháp để các bạn trẻ có cách quảng bá di sản phù hợp với năng lực bản thân”.
Là một trong những bạn trẻ có nhiều đóng góp vào bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa DTTS, Vàng Thị Dế (dân tộc Mông ở Hà Giang) bày tỏ, các bạn trẻ nên thành lập hội nhóm, CLB yêu di sản để tạo nên những không gian, nơi có thể cùng nhau trao đổi kiến thức về di sản các tộc người và thực hành bảo vệ di sản. Cùng với đó, vận dụng công nghệ để đưa ra những sáng kiến bảo tồn di sản. Đừng nghĩ rằng giới trẻ tiếp cận các giá trị truyền thống theo cách hiện đại sẽ làm “biến dạng” di sản. Hãy thể hiện tinh thần giới trẻ ngày nay đang ngày một yêu di sản, văn hóa dân tộc, dù là di sản của tộc người DTTS hay dân tộc đa số, tất cả đều cần được bảo vệ.