Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

06/03/2024 | 07:40

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Có 389 nghệ sĩ, trong đó có 125 NSND, 264 NSƯT được trao tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này. Các nghệ sĩ chia sẻ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội.

Các nghệ sĩ có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT dịp này là những gương mặt nghệ sĩ tài năng, thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, múa, phát thanh - truyền hình, sân khấu… của các tỉnh, thành trên cả nước.

Có 5 Nghệ sĩ được truy tặng danh hiệu NSND gồm: NSND Lê Gia Hội (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam), NSND Hồ Quang (Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), NSND Thanh Kim Huệ (TP Hồ Chí Minh), NSND Võ Thị Tuyết Mai (Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Bình Định), NSND Chanh Sa Thea (tỉnh Sóc Trăng).

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội - Ảnh 1.

Hình ảnh các nghệ sĩ được trưng bày tại Nhà hát Lớn Hà Nội trước thềm Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10

Các NSND gồm những cái tên quen thuộc như NSND: Trần Lực, Quốc Khánh, Hà Thủy, Bùi Công Duy, Đức Trung, Trung Đức, Trần Đức, Khương Đức Thuận, Thu Huyền, Ngọc Huyền, Hương Dung, Thanh Lam, Phạm Phương Thảo, Xuân Bắc, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Đạt Tăng, Tấn Minh, Thanh Thúy…

Nghệ sĩ Đức Trung là một trong những nghệ sĩ lớn tuổi nhất được phong tặng danh hiệu NSND đợt này, ở ngưỡng 84 tuổi. NSND Lê Đức Trung sinh năm 1939, trước khi đến với sân khấu ông từng là một người lính. Ông có 20 năm làm việc trong quân ngũ và 5 năm hoạt động tại Trường Sơn. Ông là một trong những diễn viên gạo cội hoạt động tại Nhà hát Tuổi trẻ thời kỳ đầu tiên.

Trên sân khấu, ông luôn được giao những vai chính diện, có sự chỉn chu, đĩnh đạc, đặc biệt là nhiệm vụ thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. NSND Lê Đức Trung có ba lần thể hiện hình tượng Bác Hồ ở ba thể loại khác nhau: kịch nói (vở Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (vở Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình (Bác Hồ sống mãi với vùng than). Chia sẻ cảm xúc khi được trao tặng danh hiệu NSND, ông cho biết: "Sau nhiều năm cố gắng nỗ lực cho nghệ thuật, được nhà nước phong tặng NSND là niềm vui và là thành quả lớn ở tuổi xế chiều của tôi".

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội - Ảnh 2.

NSND Đức Trung ở tuổi 84 được trao tặng danh hiệu NSND

NSND trẻ tuổi nhất là Phạm Phương Thảo. NSND Phạm Phương Thảo sinh năm 1982 tại Nghệ An. Tham gia chương trình Tiếng hát truyền hình Sao Mai 2003, giành giải Ba dòng nhạc Dân gian và giải Ca sĩ được yêu thích nhất là bước ngoặt với Phạm Phương Thảo. Tên tuổi của giọng ca xứ Nghệ gắn với những ca khúc trữ tình bất hủ như Gần lắm Trường Sa, Ai vô xứ Nghệ, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Giận mà thương, Hết giận rồi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ… Bên cạnh vai trò ca sĩ, cô cũng có thể sáng tác, làm thơ. Nhạc phẩm Chàng vinh quy do chính cô sáng tác từng đoạt huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2018. Một số ca khúc nổi tiếng được cô chắp bút như Gái Nghệ, Cho em thôi chòng chành, Đất mẹ ngày về, Trăng sáng một mình. Tập thơ đầu tay Đi hết xuân thì là nỗi lòng về phận đời truân chuyên của chính nữ ca sĩ.Những sản phẩm âm nhạc của nữ ca sĩ được đầu tư chỉn chu như MV Dọc ngang đò tình, Mười đóa sen thơm, Chút tình gửi em… Những năm gần đây, cô xuất hiện nhiều trong vai trò giám khảo chuyên môn giải thưởng âm nhạc, nghệ thuật lớn, tiêu biểu là giải Sao Mai 2023.

Sân khấu kịch dịp này cũng đón thêm nhiều NSND như Xuân Bắc, Tạ Tuấn Minh, Hoàng Lâm Tùng - ba gương mặt thành danh ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Nghệ sĩ Quốc Khánh sau khi nghỉ chế độ năm 2022 ở Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nhận được danh hiệu cao quý cùng đồng nghiệp.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội - Ảnh 3.

Phạm Phương Thảo là NSND trẻ tuổi nhất trong dịp trao tặng danh hiệu lần này

Đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 10 cũng đem đến tin vui đặc biệt cho gia đình cặp đôi nghệ sĩ Tấn Minh và Thu Huyền khi cả hai cùng được phong tặng danh hiệu NSND trong dịp này. NSND Thu Huyền sinh năm 1975 tại Hà Nội, trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật. Chị được nhiều khán giả nhắc đến với biệt danh "Thị Mầu" hay "Huyền chèo".

Ngoài vai Thị Mầu, Thu Huyền thành công với nhiều vai diễn khác như Thị Phương trong Trương Viên, cô Son trong vở chèo cùng tên, Súy Vân trong Súy Vân giả dại, Hoạn Thư trong Kiều, nàng Sita trong vở cùng tên, Thuyến trong Điều còn lại... Năm 32 tuổi, Thu Huyền được đặc cách phong tặng danh hiệu NSƯT và là một trong những nữ nghệ sĩ được phong NSƯT trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó.

Nghệ sĩ Tấn Minh tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, được yêu mến nhờ giọng hát ngọt ngào, trầm ấm. Tên tuổi anh gắn liền với các ca khúc như: Bức thư tình đầu tiên, Phượng Hồng, Mối tình đầu, Em và tôi, Em ơi Hà Nội phố... Chặng đường nghệ thuật hàng chục năm giúp Tấn Minh trở thành giọng ca đa sắc màu. Anh có thể biến hóa từ pop ballad, bolsa, acapella... đến dân gian đương đại.

Đóng góp ở lĩnh vực múa, có những tên tuổi như NSND Trần Ly Ly, Đỗ Văn Hiền, Bùi Xuân Hanh. Trong đó, NSND Trần Ly Ly là tên tuổi nổi bật ở làng múa Việt Nam hiện nay. Chị bắt đầu học múa chuyên nghiệp khi mới 10 tuổi và giành nhiều giải thưởng tài năng múa trẻ toàn quốc vào các năm 1992, 1994. Hàng loạt tác phẩm múa của Trần Ly Ly ra đời sau thời gian chị tu nghiệp ở nước ngoài, gây tiếng vang trong công luận như One day, Zen, 7X, Yes yes no no...

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội - Ảnh 4.

Trịnh Kim Chi là Á hậu đầu tiên được trao tặng danh hiệu NSND

Cuối năm 2018, Trần Ly Ly rời vị trí Phó hiệu trưởng Trường Múa TPHCM để ra Hà Nội đảm nhận vai trò quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Chị trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong 60 năm lịch sử của Nhà hát. Hiện nay, NSND Trần Ly Ly giữ vị trí quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL).

NSND Trịnh Kim Chi được phong danh hiệu NSND trong dịp này, chị là Á hậu Việt Nam đầu tiên được phong NSND. Sinh năm 1971, từng theo học Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, năm 1994, Trịnh Kim Chi tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và giành ngôi vị Á hậu 2 chung cuộc. Năm 2014 Trịnh Kim Chi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Thời điểm đó, Trịnh Kim Chi là Á hậu đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam được phong tặng danh hiệu này. Chia sẻ về niềm vui nhận được danh hiệu cao quý, nữ nghệ sĩ cho biết: "Danh hiệu này là động lực để tôi phấn đấu, tự tin cống hiến cho nghệ thuật. Đó cũng là sự nhắc nhở để nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc, bảo vệ danh hiệu cao quý".

Trong những kỳ phong tặng các danh hiệu NSND, NSƯT thời gian gần đây, có rất nhiều nghệ sĩ trẻ được phong tặng. Điều này đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ sẽ còn có nhiều thời gian, tâm sức cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

Danh hiệu tạo động lực cho nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội - Ảnh 5.

NSND Thanh Thúy chia sẻ: Danh hiệu này sẽ thôi thúc cá nhân tôi không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội

Với cá nhân Thanh Thúy, nữ NSND chia sẻ, bản thân cũng là một nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý khi còn khá trẻ. "Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, không chỉ riêng với cá nhân tôi mà với cả gia đình. Trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, cống hiến cho nghệ thuật, với danh hiệu này, với tôi đó là sự công nhận đầy trân trọng của Đảng, Nhà nước và của công chúng, khán giả"- NSND Thanh Thúy chia sẻ.

NSND Thanh Thúy cũng cho rằng, với mỗi danh hiệu, công chúng không chỉ ghi nhận những thành tích nghệ thuật mà ở đó còn có sự gửi gắm với người nghệ sĩ, với mong muốn họ không ngừng cống hiến cho dòng chảy văn hóa nghệ thuật của đất nước. "Danh hiệu này sẽ thôi thúc cá nhân tôi không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm mình đối với xã hội. Đồng thời, cố gắng lan tỏa những giá trị Chân- Thiện- Mỹ mà bản thân đã gây dựng trong suốt quá trình hoạt động để đóng góp nhiều hơn cho nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc…", NSND Thanh Thúy tâm sự./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×