Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

23/08/2023 | 20:32

Ngày 23/8, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị, trong thời gian qua, với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người nghèo, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2022 giảm 2,66%, vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ giải ngân đạt 41% kế hoạch, các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục - đào tạo, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin cơ bản năm sau đều giảm so với năm trước. Các sở, ngành đã nỗ lực trong việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện Chương trình; các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng phát biểu tại hội nghị

Từ nửa đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Chính sách dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ tiền điện…

Các chính sách này được triển khai đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động; đào tạo nghề cho hơn 14.600 người; hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 124.507 lượt học sinh nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền ăn cho 34.200 lượt học sinh; hỗ trợ tiền điện cho trên 110.000 lượt hộ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 430.000 đối tượng chính sách xã hội...

Toàn tỉnh hiện có 106/108 xã (98,1%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 98,22% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.145 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn với số tiền gần 128 tỷ đồng...

Ngoài ra, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đa chiều, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh chủ động đổi mới nội dung, liên kết với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng để hội viên phụ nữ tự lực vươn lên thoát nghèo; tập trung triển khai Cuộc vận động Xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", chú trọng tiêu chí "Không đói nghèo" với nhiều cách làm sáng tạo.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, Bắc Kạn có trên 88% đồng bào dân tộc thiểu số, có 2/8 huyện nghèo, 67/108 xã đặc biệt khó khăn. Giảm nghèo về thông tin được xem là giải pháp hiệu quả hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững. Khi người dân nắm bắt thông tin đầy đủ, dân trí được nâng cao thì hướng thoát nghèo sẽ rộng mở.

Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 2.

Không gian hội nghị

Để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin.

Tiếp tục triển khai sâu rộng và hiệu quả công tác giảm nghèo

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình giảm nghèo, nhất là các giải pháp về thực hiện nguồn vốn sự nghiệp đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giải pháp vận động xã hội hóa, cách thức sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các đơn vị tài trợ…

Đến tham dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong hơn 2 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để nâng cao công tác thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh hơn nữa trong thời gian tới, ông Phạm Duy Hưng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào "Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; thường xuyên cập nhật, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay về công tác giảm nghèo bền vững để tuyên truyền trong Nhân dân.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, định hướng phương pháp, cách làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không né tránh, tạo động lực, nguồn cảm hứng trong tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 3.

UBND tỉnh tặng bằng khen cho 22 tập thể, 12 hộ gia đình và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2023.

Các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên. Quan tâm định hướng thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình, dự án liên kết theo tiềm năng, lợi thế, phù hợp với quy hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", giúp hộ nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, kết nối đồng bộ giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm, chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm.

"Các đơn vị, địa phương cần tận dụng tối đa nguồn lực của Chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, phấn đấu giải ngân đạt kết quả cao nhất năm 2023 và đến cuối năm 2025. Đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của đối tượng và nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình, góp phần nâng cao tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.

Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 22 tập thể, 12 hộ gia đình và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2023./.




Linh Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×