Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dâng sao giải hạn: Mê tín, không đúng giáo lý nhà Phật

18/02/2019 | 22:31

Nhận thức không đầy đủ, tâm lý đám đông đã đẩy một bộ phận người dân tin vào việc dâng sao giải hạn. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, dâng sao giải hạn là niềm tin mù quáng.

Vài năm trở lại đây xuất hiện xu hướng người dân đổ xô đi dâng sao giải hạn ở các đình, chùa vào dịp đầu năm. Nhiều nhà nghiên cứu, thậm chí là các vị chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng đây là hành động mê tín, không đúng với giáo lý nhà Phật. Nhưng rất tiếc là một bộ phận quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa, tín ngưỡng ấy mà chỉ chạy theo một cách mù quáng, theo tâm lý đám đông.

Dâng sao giải hạn: Mê tín, không đúng giáo lý nhà Phật - Ảnh 1.

Hàng nghìn người dân ngồi tràn cả ra đường để dâng sao giải hạn tại Tổ đình Phúc Khánh (ảnh Bảo Trung)

Ở các chùa, mỗi người khi tham gia dâng sao giải hạn phải nộp một số tiền (khoảng 200 nghìn đồng), với những người năm đó gặp sao xấu, phải mua hình nhân thế mạng, tiền vàng để đốt trong lễ dâng sao.

Nhưng việc dâng sao giải hạn không có khả năng kỳ diệu, biến xấu thành tốt như người ta vẫn tưởng.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trần Lâm Biền khẳng định: "Có dâng đến ngàn lần, vạn lần, triệu lần đi chăng nữa thì các ngôi sao vẫn vận động như thế, không thay đổi. Và vì thế, không thể ảnh hưởng đến số phận của con người. Làm sao dâng sao mà giải hạn được. Vấn đề đầu tiên ảnh hưởng đến số phận con người là do chính người đó tạo nên".

PGS.TS Trần Lâm Biền cũng khẳng định, con người muốn tránh được "hạn", hãy sống hướng thiện.

"Cuộc sống của con người, trước hết là vận hành theo nhân quả - sống như thế nào thì có kết cục tương ứng. Thứ hai là do môi trường sống, cách quan hệ, ứng xử trong cuộc sống. Thay vì dâng sao giải hạn thì không gì tốt hơn bằng việc hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, quan tâm tới thiện tâm, ứng xử tốt với mình, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng truyền thống thì tự nhiên tinh thần thanh thản. Phải xây dựng lối sống lành mạnh, lành mạnh trong cả nền tảng vật chất cũng như tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt hơn"- PGS.TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Còn theo Hòa thượng Thích Gia Quang- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo chỉ có lễ cầu an cho người còn sống và cầu siêu cho những người đã mất. Dâng sao giải hạn là phát sinh từ văn hóa Trung Quốc. Quan niệm cho rằng hàng năm, mỗi người ứng với một sao chiếu mệnh, năm nào sao tốt thì gặp việc tốt, sao xấu thì gặp vận hạn, việc không hay. Cúng sao giải hạn là để một năm được khỏe mạnh, bình an, nếu gặp điều không may thì sẽ nhẹ nhàng đi.

Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng: "Cúng sao giải hạn thuộc về mong muốn, nguyện vọng của người dân, sao cho được bình an, mạnh khỏe, may mắn, đỡ vận hạn, cầu cho cuộc sống bình yên. Đó là mong muốn chính đáng, không sai tâm linh".

Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, đang có sự sai lệch trong nghi thức này qua việc cúng sao giải hạn.

Hạt nhân của giáo lý nhà Phật là khuyên chúng sinh ăn ở hiền lành, ngay thẳng, đức độ. Người hiền lành, ví dụ khi tham gia giao thông giữ tốc độ hợp lý, đi đúng luật thì không thể gây tai nạn và cũng ít khi gặp tai nạn, sẽ gặp điều lành. Sống ngay thẳng, sống trong hành lang pháp lý thì liệu có bị can án, bị tù đầy không? Ngược lại, muốn nhanh giàu và nhất là làm giàu bất chính thì luôn phải lách luật, không sớm thì muộn, ắt sẽ vướng vòng lao lý. Đó là luật nhân quả mà chẳng thần phật nào cứu được!.

Theo Hòa thượng, chỉ nên gộp chung là lễ cầu an, không còn lễ cúng sao giải hạn và hướng dẫn người dân thực hiện sao cho đúng. "Cầu an, tụng kinh niệm phật, cầu điều chính đáng chứ không phải là thêm vào hình nhân thế mạng, đốt vàng mã nhiều. Có như vậy, cũng là lễ cầu an, giải hạn nhưng được làm đúng, thể hiện được nguyện vọng một cách chính đáng, không hại gì đến đời sống tâm linh, tinh thần, vật chất của nhân dân, của xã hội"- Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.

Dâng sao giải hạn: Mê tín, không đúng giáo lý nhà Phật - Ảnh 2.

Hạt nhân của giáo lý nhà Phật là khuyên chúng sinh ăn ở hiền lành, ngay thẳng, đức độ chứ không có dâng sao giải hạn (ảnh Bảo Trung)

Còn theo TS Trần Hữu Sơn, xã hội xuất hiện xu hướng mê tín tới cực đoan. Ngày Thần tài tất cả đổ xô đi mua vàng, trước rằm tháng Giêng phải dâng sao giải hạn, hoặc mê tín quá mức như đến Đền Bà Chúa Kho đốt tiền mã, vàng mã để "trả nợ"… đó là những mê tín cực đoan như vậy cần phải phê phán.

"Trong bối cảnh xã hội chuyển đổi sang cơ chế thị trường cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi. Xã hội phát triển, bênh cạnh mặt tích cực cũng kéo theo những tiêu cực. Cuộc sống vội vã, nhiều khi là bấp bênh, kinh doanh không cẩn thận là mất sạch, ra đường thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kể lúc nào…Những điều bất an trong cuộc sống khiến người ta cần có một niềm tin"- ông Trần Hữu Sơn lý giải.

Vì vậy, theo ông Trần Hữu Sơn, người dân đến đền, chùa để cầu xin, về mặt tâm lý là nhằm giải tỏa bất an trong tâm. Nhưng việc đổ xô đi dâng sao giải hạn, nộp tiền cho một bộ phận người "đầu cơ niềm tin tín ngưỡng" thể hiện sự thiếu hiểu biết, tâm lý đám đông của một bộ phận người dân.

Theo giáo lý Phật giáo, lời dạy răn của Phật là không cuồng tín, mê tín dẫn đến mê muội. Đạo Phật không có chuyện cúng sao, đốt vàng mã. Thay vào đó, hãy làm việc thiện, nghĩ điều thiện, cẩn trọng trong đi lại, ăn uống…. thì sẽ gặp điều lành. Bởi chẳng có sao nào chi phối được đời sống con người./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×