Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đảm bảo quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao của trẻ em

15/08/2014 | 13:58

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch phù hợp với lứa tuổi theo Điều 29 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 2004), trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong toàn ngành từng bước triển khai hiệu quả các quy định có liên quan.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 4.200 điểm vui chơi trẻ em của xã phường, (đạt 38,4% số xã, phường, thị trấn). Tại các nhà văn hoá thiếu nhi đã tăng cường đầu tư các loại hình vui chơi giải trí ngoài trời, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư các trò chơi mới lạ, phù hợp, hấp dẫn đối với trẻ em như: Xây dựng khu vườn vui chơi, khu vườn cổ tích; đầu tư phòng máy vi tính có tốc độ truy cập cao và xây dựng các sân thể thao đa năng với nhiều trang thiết bị hiện đại thu hút các em thiếu nhi tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí.

Xuất phát từ nhu cầu xã hội, nhiều loại hình và khu vui chơi giải trí được hình thành bằng nguồn vốn xã hội hoá đã tạo nên những điểm vui chơi rất hiệu quả. Từ những khu vui chơi quy mô lớn như: Khu du lịch Công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hoà, Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, Khu Công viên nước, Công viên Vầng trăng, Thiên đường Bảo Sơn... đến các các điểm vui chơi nhỏ trong các Trung tâm thương mại (VINCOM, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Royal City...) đã cung cấp cho các gia đình địa chỉ vui chơi cuối tuần lành mạnh.

Cũng theo thống kê, cả nước có 59 Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, 410 Trung tâm văn hóa cấp huyện, 184 Nhà Văn hóa cấp huyện, 4197 Nhà Văn hóa cấp xã, phường. Hệ thống Trung tâm văn hóa cấp huyện, thị xã và nhà văn hóa cấp xã, phường đã được đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ hoạt động.

Bên cạnh đó, hệ thống nhà hát phục vụ thiếu nhi (Nhà hát Múa rối, Xiếc, Nhà hát Tuổi trẻ...) xây dựng nhiều tiết mục phong phú và luôn được đổi mới đã thu hút nhà trường và gia đình đưa các em thiếu nhi đến rạp rầm rộ. Đồng thời, trong mấy năm gần đây, các chương trình ca nhạc thiếu nhi nhân dịp ngày lễ có quy mô ngày càng lớn, nội dung phong phú, từng bước trở thành phong trào và là hoạt động văn hoá được đón đợi trong các dịp lễ, tết.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là mức kinh phí dành cho các nhà thiếu nhi hiện nay còn thiếu, chưa phát huy hết công suất cơ sở vật chất hiện có. Nhiều nhà văn hoá được xây dựng khang trang nhưng trang thiết bị phục vụ hoạt động chưa đủ, các hoạt động không phong phú.

Trong lĩnh vực điện ảnh dành cho thiếu nhi, hiện nay, phim nước ngoài đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường tại Việt Nam, phim truyện Việt Nam về đề tài trẻ em trong giai đoạn sau năm 2000 rất hiếm hoi. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam vẫn sản xuất khoảng 10 phim hàng năm, tuy nhiên hình thức còn nhiều hạn chế. Số lượng phim nước ngoài nhập khẩu hàng năm về đề tài trẻ em khoảng trên 10 phim/năm, phần lớn là phim hoạt hình.

Về Mỹ thuật, câu lạc bộ Mỹ thuật của nhà văn hoá thiếu nhi ở một số địa phương đã trở thành những địa chỉ tin cậy như Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thành phố Hải Dương, Thủ đô Hà Nội... thành tích trong hội hoạ của thiếu nhi Việt Nam rất đáng tự hào, có những cuộc triển lãm dành riêng cho tranh thiếu nhi, có tranh dự thi nhiều cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế và đạt số lượng lớn giải thưởng.

Công tác bồi dưỡng, phát hiện năng khiếu thể thao trẻ em được quan tâm hơn bao giờ hết. Tại các tỉnh, việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng thể thao do các trường năng khiếu, các trung tâm thể dục thể thao tiến hành, Nhà nước cũng đầu tư để các em từ 7 đến 9 tuổi ra nước ngoài học tập và nhiều em đã đạt giải cao, giành được nhiều huy chương cho nước nhà tại các giải thi đấu quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: Hệ thống Nhà Văn hóa, Cung Thiếu nhi hầu hết đều ở trung tâm đô thị vì thế chỉ có 10-15%  trẻ em ở các vùng đô thị và 5% trẻ em các vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tham gia vui chơi, giải trí đầy đủ. Vẫn còn sự phân hoá giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành phố, điều đó tạo ra khoảng chênh lệch về cơ hội học tập, sinh hoạt vui chơi giải trí cũng như các điều kiện phát triển khác của trẻ em.

Mặt khác, những năm gần đây còn nhiều trường hợp xâm hại và bạo hành trẻ em gây tổn thương cho trẻ em và tạo bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện tượng lạm dụng sức lao động trẻ em có xu hướng tăng. Dưới danh nghĩa sử dụng trẻ em biểu diễn nghệ thuật nhưng thực chất là khai thác "siêu lợi nhuận". Mặc dù pháp luật quy định các trường hợp này, có cha, mẹ là người đại diện cho trẻ em tham gia giao dịch dân sự, nhưng để trẻ em tiếp xúc với đồng tiền quá sớm, trẻ "thu nhập cao" nếu quản lý không tốt sẽ có nguy cơ làm biến đổi nhân cách trẻ em.

Đề xuất

Do ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo một phần nhu cầu, vì vậy cần tăng cường đầu tư đồng bộ, huy động sự ủng hộ của quốc tế, tăng cường xã hội hoá, cấp trang thiết bị cho các khu vui chơi của trẻ em, nhất là trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Trong quá trình xây dựng Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thay thế Luật năm 2004, cần chú trọng các biện pháp đảm bảo thi hành Luật, mang tính khả thi; cần xây dựng chính sách ưu đãi đối với các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng trẻ em để trục lợi; đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong đó chú ý đến vấn đề bạo lực đối với trẻ em trong gia đình.

Việc bảo vệ chăm sóc trẻ em phải xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu nhằm xây dựng cho các em những cơ sở ban đầu vững chắc để trở thành người công dân tốt của đất nước, thành con người xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện. Đó vừa là vấn đề đã được luật hóa, vừa là đạo lý truyền thống của dân tộc./.

Ngọc Oanh/ Vụ Pháp chế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×