Đắk Nông: Sức sống văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ
03/01/2024 | 17:21Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Giữ gìn văn hóa chính là giữ nét đẹp của dân tộc. Xác định được điều đó đồng bào các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, sáng tạo để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Điểm sáng bon Pi Nao
Bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp là một trong những bon gìn giữ văn hóa truyền thống của người M’nông được chính quyền các cấp ghi nhận. Không chỉ duy trì được các đội cồng chiêng, truyền dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần… mà những bài chiêng cổ bị thất truyền cũng được khôi phục, gìn giữ.
Theo chị H’Yon, Bí thư Chi bộ thì ngay từ xa xưa, cuộc sống của người M’nông nơi đây đã gắn liền với tiếng cồng và tiếng chiêng như là cội nguồn của bản sắc văn hóa mà ông bà xưa để lại. Năm 2008, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bon Pi Nao đã thành lập được một đội cồng chiêng với 10 thành viên tham gia sinh hoạt. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên luôn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để tham gia luyện tập vào những lúc rảnh rỗi. Định kỳ ngày cuối tháng, các thành viên cùng với các nghệ nhân trong bon lại cùng nhau luyện tập đánh cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ… Đến nay, đội chiêng đã quy tụ hơn 20 thành viên và hoạt động có hiệu quả.
Đội chiêng của bon đã từng đại diện cho tỉnh đi dự các ngày hội văn hóa lớn của khu vực và toàn quốc. Năm 2012, bon vinh dự được đại diện cho các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh đi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Kon Tum và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Năm 2016, các nghệ nhân của bon cũng được Bộ chọn tham gia biểu diễn tại Hội thảo về âm nhạc bộ gõ do Học viện âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch tổ chức, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Giờ đây, mỗi khi bon làng hay địa phương có sự kiện gì quan trọng thì bà con lại tham gia hưởng ứng một cách nhiệt tình. Đặc biệt, năm 2020, đội chiêng cũng đã tham gia biểu diễn tại “Triển lãm thế giới EXPO 2020 Dubai” tổ chức ở Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất-UAE.
Cùng với đó, được sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền địa phương, bon Pi Nao cũng đã thành lập được Tổ hợp tác dệt thổ cẩm và Tổ hợp tác sản xuất rượu cần. Mỗi tổ thu hút hơn 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Sau những ngày lên nương rẫy các thành viên trong tổ lại chia ra các nhóm để cùng tập trung dệt vải. Qua từng lời chỉ dẫn, góp ý, tay nghề của các thành viên trong tổ ngày càng được nâng cao.
Chị H’Yon chia sẻ: “Tổ hợp tác dệt thổ cẩm và rượu cần được thành lập cũng đã tạo cơ hội cho bà con trong bon tăng thêm thu nhập khi đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh ngày một nhiều. Đời sống của bà con cũng dần khá hơn lúc xưa nhiều”.
Ấn tượng buôn Nui
Bản sắc văn hóa truyền thống đã mở ra cơ hội để bà con buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút phát huy làm du lịch cộng đồng thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và thông qua Dự án 06 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch), buôn Nui đã thành lập Đội văn nghệ truyền thống với 28 thành viên. Dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân Y Sim và các thành viên khác, thanh niên trong buôn theo học hát dân ca vào những ngày cuối tuần, với các bài hát tiêu biểu như Hát ru con, Đối đáp Ay Ray, Chim K’Trao cao nguyên, Ru em, Lời kêu gọi, Gọi cháu về…
Hiện nay, buôn Nui duy trì được ba đội cồng chiêng đại diện cho ba thế hệ là người lớn, thiếu nhi và phụ nữ. Sự trao truyền nét văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ của bon đã khiến cho âm thanh của cồng chiêng mãi ngân vang.
Bên cạnh việc truyền dạy và biểu diễn cồng chiêng thì một số nghệ nhân trong đội chiêng còn biết chỉnh chiêng. Nhờ đó, danh tiếng của đội cồng chiêng ở buôn Nui vang xa, nhiều đội cồng chiêng khác trên địa bàn đã đến giao lưu, học hỏi cách đánh chiêng và chỉnh chiêng.
Nghệ nhân Y Sim cho biết: “Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng Đội văn nghệ truyền thống đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình không chỉ riêng đồng bào Ê đê trên địa bàn mà còn của Nhân dân địa phương. Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực nhằm khôi phục, tập luyện và biểu diễn những giá trị văn hóa truyền thống của người Ê đê được bà con hết sức thích thú. Sắp tới, không chỉ cố gắng phục dựng, trao truyền cho thế hệ trẻ nét văn hóa bản địa đặc trưng, chúng tôi mong muốn được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để có thể phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào từ những nét văn hóa đặc sắc ấy”.
Đến với buôn Nui, du khách sẽ được tìm hiểu văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng của cộng đồng dân tộc Ê đê vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Nét văn hóa ấy được thể hiện rõ nét qua các lễ hội như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới; kiến trúc nhà dài, với những chiếc ghế Kpan đặt bên trong. Đặc biệt, du khách còn được hòa mình vào văn hóa cồng chiêng, múa xoang, hát aray của các chàng trai, cô gái Ê đê…
Gìn giữ cho muôn đời sau
Có thể thấy, sự đồng lòng gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ M’nông, Mạ, Ê đê… đã làm cho văn hóa Đắk Nông thêm nguồn sống mới. Đây còn là tiềm năng lớn để khai thác phát triển du lịch cộng đồng dựa trên bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh còn 186 bộ chiêng (trong đó 157 bộ chiêng M’nông, 12 chiêng Mạ và 17 chiêng Ê đê); 194 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; 12 nghệ nhân nhớ và hát kể được Ót N’drông; khoảng 301 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca; 698 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống (cả dân tộc phía Bắc); 53 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống; 363 nghệ nhân biết đan lát truyền thống của dân tộc mình; khoảng 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ; khoảng 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng.
Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 28 lễ hội truyền thống của 3 dân tộc thiểu số tại chỗ trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và đồng bào tự thực hiện để vừa khôi phục lại môi trường văn hóa dân gian truyền thống vừa phát huy được giá trị các di sản phi vật thể…