Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đắk Lắk: Sẽ loại bỏ lễ đâm trâu

08/03/2016 | 14:32

Cùng với nhiều lễ hội khác, lễ đâm trâu (ăn trâu) là nghi lễ truyền thống trong các ngày hội lớn của buôn làng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, trước những biến tướng với những hình ảnh phản cảm đã tồn tại mấy năm nay khiến dư luận bức xúc, Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 sắp tới, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định loại bỏ nghi lễ đâm trâu và điều này đã nhận được sự đồng thuận cao của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Từ nghi lễ ăn trâu truyền thống…

Theo một số già làng, Lễ đâm trâu là nghi lễ độc đáo trong các ngày hội lớn của buôn làng như: Mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa… Đó là ngày hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng, tình yêu thiên nhiên. Lễ ăn trâu có nơi còn gọi là lễ đâm trâu là lễ hiến sinh, là sự “thông quan” giữa con người với giàng (trời) và thần linh, là lời cảm ơn giàng, cảm ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hoà, giúp cho dân làng ngăn cản muông thú, chim chóc không phá hoại nương rẫy, cho mùa màng tươi tốt, dân làng sống hoà thuận, vui vẻ, không xảy ra dịch bệnh...

Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên quan niệm khi giàng và các vị thần linh nhận lễ vật, nhất là trâu, sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, dân làng không bị “chết xấu”, mùa màng sẽ bội thu, cuộc sống sẽ ấm no quanh năm. Trâu cho lễ hội phải là con trâu đực, to khỏe, có cặp sừng đẹp, bốn chân cứng cáp, không phá phách... Trâu sau khi được chọn, sẽ được dẫn đến trước nhà dài và buộc vào gốc cây nêu dựng trước nhà dài của buôn.

Sau lễ hội đâm trâu, mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội, ai nấy hăng hái trở lại chuỗi ngày lên nương xuống rẫy...

… đến nghi lễ đâm trâu phản cảm

Tuy nhiên, ngày nay lễ hội này dần thay thế bằng lễ đâm trâu với những hình ảnh phản cảm, nhiều biến tướng, chủ yếu là phục vụ du khách để… thu tiền. Có dịp chứng kiến một lễ đâm trâu như thế nhiều người cho rằng khó chấp nhận vì nó mang tính ghê rợn nhiều hơn. Mở đầu nghi lễ, người chủ trì sẽ đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Cả làng nhảy múa, ca hát, uống rượu, biểu diễn võ thuật. Sau các màn múa hát là nghi lễ đâm trâu - phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Một con trâu được buộc vào cây cột giữa bãi đất trống, xung quanh là những người đàn ông khỏe mạnh, đóng khố, cầm một đoạn tre chừng vài mét có buộc một con dao nhọn trên đầu. Họ xếp hàng và nhảy múa xung quanh, lần lượt đâm con trâu cho tới khi...

Theo TS. Buôn Krông Tuyết Nhung, người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, lâu nay nhiều người thường gọi lễ Sa-rơpu - ăn trâu là đâm trâu. Cùng với đó, nghi thức tạ ơn thần linh cũng thay đổi. Con trâu được cột lại và nhiều người xoay quanh lao giáo vào thân nó khiến máu phun tung tóe. Trong các lễ ăn trâu trước đây, trước khi đâm chết con trâu, người ta thường làm nghi thức khóc trâu rồi đâm một nhát trúng tim để nó chết một cách nhanh chóng. Còn ngày nay, người ta lâu lâu lại đâm một nhát để con trâu đau đớn, lồng lộn, đầy máu me... Cứ thế, sau một nhát đâm, người ta lại nhảy múa, reo hò, cảnh tượng rất bạo lực. Cũng theo TS. Buôn Krông Tuyết Nhung, ngày nay ở Tây Nguyên, khó lòng mà có được một lễ ăn trâu theo phong tục cổ truyền nữa. Lễ ăn trâu thực sự có ý nghĩa khi cả cộng đồng đó mong muốn thực hiện và phải được gắn vào không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, bến nước..., chứ không đơn thuần là mang một con trâu ra đâm rồi ăn thịt. Hiện nay, người ta còn thực hiện lễ đâm trâu trong một số sự kiện nào đó để… thu tiền.

Theo Sở VHTTDL Đắk Lắk, trước những biến tướng với những hình ảnh dã man, phản cảm nên khi tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 sắp tới, thực hiện các văn bản của Bộ VHTTDL, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định loại bỏ nghi lễ đâm trâu và điều này đã nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền cũng như đồng bào các dân tộc nơi đây. Việc tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 được tổ chức từ 12-14.3, tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Krông Na chỉ có những nghi thức như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho Voi; Lễ khai mạc; Lễ ăn trâu mừng mùa…; Hội trại, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca dân vũ, nhạc cụ các dân tộc; Hội thi văn hóa ẩm thực các dân tộc, Hội Voi; Phần sinh hoạt văn hóa truyền thống…


"Lâu nay nhiều người thường gọi lễ Sa-rơpu - ăn trâu là đâm trâu. Cùng với đó, nghi thức tạ ơn thần linh cũng thay đổi. Con trâu được cột lại và nhiều người xoay quanh lao giáo vào thân nó khiến máu phun tung tóe. Trong các lễ ăn trâu trước đây, trước khi đâm chết con trâu, người ta thường làm nghi thức khóc trâu rồi đâm một nhát trúng tim để nó chết một cách nhanh chóng. Còn ngày nay, người ta lâu lâu lại đâm một nhát để con trâu đau đớn, lồng lộn, đầy máu me... Cứ thế, sau một nhát đâm, người ta lại nhảy múa, reo hò, cảnh tượng rất bạo lực.

Hiện nay, người ta còn thực hiện lễ đâm trâu trong một số sự kiện nào đó để… thu tiền." (TS. Buôn Krông Tuyết Nhung)



Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×