Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại hội đại biểu Paralympic Việt Nam khóa IV 2013-2017

23/07/2013 | 09:32

(VP) - Sáng ngày 21/7, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Paralympic Việt Nam khóa IV 2013-2017 đã chính thức diễn ra. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đã tới dự.

Cùng dự Đại hội có hơn 80 đại biểu của các đơn vị tỉnh, thành phố trong cả nước;  các huấn luyện viên đã nhiều năm gắn bó với phong trào thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Báo cáo tại đại hội, ông Vũ Thế Phiệt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện và có nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật được hưởng thụ đầy đủ và bình đẳng các quyền công dân, tạo điều kiện cho họ hoà nhập với cộng đồng và đóng góp tài năng, sức lực, trí tuệ để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tại các giải trong khu vực Đông Nam Á, thể thao người khuyết tật Việt nam luôn nằm trong tốp ba và đứng thứ 12 ở khu vực châu Á. Tại hai kỳ Đại hội Thể thao người khuyết tật thế giới (năm 2008 tại Bắc Kinh – Trung Quốc và 2012 tại London – Vương quốc Anh), đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam luôn có bốn vận động viên đứng trong xếp hạng tư là Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Bình An (môn cử tạ), Nguyễn Thị Hải (môn điền kinh) và Cao Ngọc Hùng (môn ném lao).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hiệp hội Paralympic Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ở nhiều địa phương, phong trào thể thao giành cho người khuyết tật thực sự chưa được quan tâm và hỗ trợ đúng mức; công tác phối hợp hoạt động giữa Hiệp hội và các tổ chức, đơn vị ở cơ sở còn yếu, chưa tạo dựng được mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết; công tác tuyên truyền về nhận thức vai trò vị trí của thể thao cho người khuyết tật chưa được sâu rộng; nhiều chính sách, pháp lệnh của Nhà nước ban hành về người khuyết tật chưa được thực hiện nên đã làm giảm sút phong trào tại một số địa phương.

Đánh giá cao sự nỗ lực cũng như những thành tích rất đáng tự hào của Hiệp hội Paralympic Việt Nam trong nhiệm kỳ III. Hướng tới việc đẩy mạnh phát triển phong trào, nâng cao thành tích thể thao Paralympic trên đấu trường quốc tế trong nhiệm kỳ IV, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đề nghị Hiệp hội thể thao Paralympic cần tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm như:

Thứ nhất, Ban chấp hành Hiệp hội khoá tới cần tập trung nghiên cứu sửa đổi Điều lệ, trong đó cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hiệp hội và của các tổ chức thành viên; đẩy mạnh phát triển các câu lạc bộ ở địa phương, ngành và các câu lạc bộ ngoài công lập; tổ chức và điều hành hoạt động của Hiệp hội theo đúng quy định của điều lệ; tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần dân chủ trong mọi hoạt động của Hiệp hội.

Thứ hai, Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan để phát triển phong trào, qua đó phát hiện, tuyển chọn, đào tạo các vận động viên trở thành các vận động viên khuyết tật tài năng, đồng thời tích cực đổi mới và hoàn thiện hệ thống thi đấu theo hướng vừa phát triển phong trào, vừa tạo động lực phát triển lực lượng vận động viên người khuyết tật để thi đấu quốc tế.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá, công tác vận động tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ, tài trợ cho các vận động viên tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ cho các giải thể thao Người khuyết tật trong nước và cho Đoàn Thể thao người khuyết tật tham dự các Đại hội lớn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, Hiệp hội cần đổi mới công tác vận động tài trợ, tạo nguồn tài chính và có kế hoạch sử dụng các nguồn lực tài chính một cách có hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp,  ngành và toàn xã hội đối với phong trào thể thao người khuyết tật, khẳng định ý nghĩa nhân văn của việc tạo điều kiện và cơ hội cho người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng, thông qua các tấm gương tiêu biểu của các vận động viên mà giáo dục, động viên những khát vọng và nghị lực phi thường, làm cho cuộc sống của người khuyết tật có ý nghĩa hơn.

Thứ năm, Hiệp hội Paralympic Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc mở rộng mối quan hệ hợp tác với Hiệp hội thể thao người khuyết tật các quốc gia và các tổ chức quốc tế để tận dụng kinh nghiệm và sự hỗ trợ của họ trong việc mở rộng phong trào, đào tạo đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, đồng thời chủ động cử cán bộ có trình độ, năng lực tham gia ngày càng nhiều và sâu hơn vào các tổ chức thể thao người khuyết tật quốc tế. Đặc biệt, chú ý chăm lo việc giáo dục và đề cao tinh thần thể thao, lý tưởng sống khoẻ, sống có ích, hoà nhập, đoàn kết, trung thực, cao thượng, không đặt nặng thành tích khi đi thi đấu quốc tế.

Thứ sáu, đề nghị Tổng cục Thể dục thể thao cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất với lãnh đạo Bộ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho Hiệp hội, đặc biệt là về trụ sở làm việc và kinh phí hoạt động, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách cho các vận động viên thể thao người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng mong toàn thể cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và những người làm công tác thể thao người khuyết tật cùng đồng lòng, quyết tâm đưa phong trào thể thao người khuyết tật ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tích cao hơn trong những năm tới, để góp phần xứng đáng vào sự phát triển thể dục thể thao nước nhà.

Nhân dịp này, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT đã trao tặng Bằng khen, Giấy khen cho 14 cá nhân, 7 tập thể có nhiều đóng góp cho phong trào thể thao người khuyết tật nhiệm kỳ 2006- 2012.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×