Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại biểu Quốc hội: Quỹ Di sản văn hóa nhằm huy động kịp thời nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp

26/06/2024 | 08:24

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 26/6, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tổ về nội dung này.

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP của Chính phủ.

Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay là cơ hội để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “đô thị di sản”

Tại tổ thảo luận 3, các ĐBQH tỉnh Nghệ An đã đóng góp nhiều ý kiến về dự Luật này. Đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa, đại biểu Trần Nhật Minh góp ý về Điều 3 giải thích từ ngữ. Tại Khoản 1 về di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “liên tục” sau cụm từ “kế thừa, tái tạo và trao quyền”, bởi trong thực tế có nhiều di sản bị thất truyền một thời gian, sau đó mới được nghiên cứu, phát hiện và tiếp tục duy trì (theo luật hiện hành cũng không quy định “liên tục”)… Mặt khác, tại Khoản 16 Điều 3 cũng có khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền”.

Đại biểu Quốc hội: Quỹ Di sản văn hóa nhằm huy động kịp thời nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Nhật Minh

Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, dự thảo Luật quy định di sản văn hóa phi vật thể phải được “kế thừa, tái tạo và trao quyền liên tục qua nhiều thế hệ” là chưa phù hợp, không khả thi. Đề nghị quy định lại theo hướng nêu trên.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “đô thị di sản” nhằm lấy đó làm cơ sở xây dựng các quy chế bảo vệ và phát huy di sản kiến trúc đô thị vốn rất cần thiết hiện nay.

Về xếp hạng và hủy bỏ xếp hạng di tích, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về hồ sơ khoa học di tích phải được Hội đồng khoa học thẩm định… Tại Nghệ An, kết quả thực hiện quy trình này trong nhiều năm qua cho thấy, các hồ sơ được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định rất chất lượng vì tranh thủ, tiếp thu được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động di sản văn hóa.

Từ thực tế đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị bổ sung trường hợp di tích có tranh chấp liên quan đến đất đai kéo dài không hòa giải được vào quy định về trường hợp quyết định hủy bỏ quyết định xếp hạng đối với di tích.

Quỹ Di sản văn hóa nhằm huy động kịp thời nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật lần này nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan…

Đại biểu Quốc hội: Quỹ Di sản văn hóa nhằm huy động kịp thời nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp - Ảnh 2.

Đại biểu Thái Văn Thành

Đồng thời, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình cần xây dựng một chương riêng trong luật về di sản tư liệu, vì trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cần phát huy loại hình văn hóa này.

Tham gia ý kiến về Luật này, đại biểu Thái Văn Thành cũng đề nghị xây dựng quy định quản lý nhà nước về di sản văn hóa bảo đảm logic, tránh nhầm lẫn với phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước…Đồng thời, đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ xây dựng Quỹ Di sản văn hóa nhằm huy động kịp thời nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp… “Dự thảo cũng đã quy định nguyên tắc hoạt động quỹ rất rõ ràng, có kiểm tra, quản lý, định kỳ có kiểm toán công khai minh bạch”, đại biểu nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), song góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế di sản để phù hợp tình hình hiện nay trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; thêm nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước cho hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích và khoanh vùng, cắm mốc và tổ chức các hoạt động khác cho việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích; quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt các chủ trương, dự án về tu bổ, tôn tạo di tích từ các nguồn xã hội hóa.

Về hình thức ghi danh di sản văn hóa, đại biểu cho rằng, Dự thảo quy định di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu chỉ có 2 hình thức ghi danh (gồm: bằng danh mục quốc gia và danh sách của UNESCO) là chưa phù hợp.

Trong khi hình thức ghi danh di sản văn hóa vật thể có 2 cấp độ ghi danh là quốc gia (tỉnh, quốc gia, quốc gia đặc biệt) và thế giới... đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung hình thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu cấp tỉnh để bảo đảm tương ứng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể quản lý di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu; giúp phát huy các di sản.

Về hệ thống bảo tàng, đại biểu đề nghị không nên dùng thuật ngữ “bảo tàng ngoài công lập”, mà thay bằng “bảo tàng tư nhân”; đồng thời, nên có một quy định thiết kế chung về điều kiện thành lập bảo tàng công lập và bảo tàng tư nhân… Song, theo đại biểu Thái Thị An Chung, cần bổ sung các điều kiện khác chặt chẽ hơn đối với thành lập bảo tàng công lập; cũng như có thêm quy định về cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo quản, trưng bày, trải nghiệm, nhân lực để quản lý đối với bảo tàng tư nhân./.

Thế Công - Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×