Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại biểu Quốc hội: "Mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa không thể dễ dãi"

26/05/2022 | 08:25

Chiều ngày 25/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận hội trường về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đều đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của ĐBQH và đồng tình với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình lần này.

Không thể dễ dãi khi mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM), điện ảnh vừa là ngành văn hóa vừa là ngành kinh tế sáng tạo, tạo ra sản phẩm kép, vừa là tinh thần vừa là vật chất. Ở một số quốc gia phát triển, họ sử dụng điện ảnh thâm nhập thị trường ở các nước khác, một mặt để quảng bá văn hóa, hình ảnh, thương hiệu quốc gia của họ thông qua xuất khẩu văn hóa, đồng thời cạnh tranh với điện ảnh quốc gia sở tại tạo ra lợi nhuận rất lớn không chỉ qua bán phim, còn qua thu nhập quảng cáo.

ĐBQH: "Mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa không thể dễ dãi" - Ảnh 1.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM)

Nước ngoài họ rất biết khai thác điều này để thu lợi, đẩy lùi nhu cầu văn hóa Việt Nam trên chính sân nhà của chúng ta. Một số quốc gia còn tài trợ rất lớn cho ngành điện ảnh để xâm chiếm thị trường điện ảnh quốc tế.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc nhập khẩu văn hóa phẩm, điện ảnh nói riêng đều có mặt tích cực nhưng vẫn tồn tại mặt tiêu cực cả trước mặt và lâu dài. Ví dụ như khiêu dâm, xâm phạm chủ quyền, hay xu hướng bắt chước, sùng bài quá mức thời trang, thị hiếu, thần tượng của nước ngoài.

Vị ĐB đoàn TP.HCM cho biết, trong hội nhập kinh tế, cụ thể là xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ đầu tư, WTO có những nguyên tắc quy định cho phép các nước đang phát triển được tự vệ, bảo vệ nền kinh tế còn yếu kém, non trẻ. Chúng ta được áp dụng rào cản kỹ thuật, thuế chống phá giá…để bảo vệ nền kinh tế nội địa.

"Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu những biện pháp này. Mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa phải khác, không thể dễ dãi hơn so với sản phẩm dịch vụ hàng hóa, vật chất" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ĐB này, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ nền điện ảnh quốc gia đáp ứng với nhu cầu thẩm mỹ, giáo dục của xã hội, bảo vệ phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Phải có biện pháp hỗ trợ, bảo trợ hợp lý và hợp lệ đối với ngành điện ảnh trong nước để trở thành một trong những ngành kinh tế sáng tạo mạnh của Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý cho việc hội nhập văn hóa với thế giới, cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn kịp thời hiệu quả các sản phẩm điện ảnh trái thuần phong mỹ tục, đạo đức, vi phạm chủ quyền an ninh của Việt Nam.

Đối với các dự án quay phim một lần tại Việt Nam, cần nộp toàn bộ kịch bản chi tiết bằng tiếng Việt, từ đó mới biết được họ sử dụng hình ảnh của đất nước ta vào mục đích gì. Đồng thời, cần có biện pháp thu thuế, phí từ các nền tảng OTT xuyên biên giới khi họ có doanh thu từ thuê bao trong nước. Bên cạnh đó, phải có chính sách huy động nguồn lực tư nhân cùng với Nhà nước để bảo hộ, hỗ trợ sản phẩm điện ảnh trong nước, ưu đãi xuất khẩu sản phẩm điện ảnh ra nước ngoài trước hết là đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp thu văn hóa không thể ồ ạt

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, để xây dựng điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cần bổ sung nội dung quy định tại điều 43 về mục đích Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

ĐBQH: "Mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa không thể dễ dãi" - Ảnh 2.

ĐBQh Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định)

Cụ thể, cần bổ sung thêm một khoản có nội dung hỗ trợ các hoạt động tiếp cận các công trình kiến trúc, điêu khắc, tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn hóa, sân khấu, nhiếp ảnh.

Vị ĐB đoàn Bình Định cho rằng, khi có quy định này, các nhà làm phim sẽ giảm chi phí tiếp cận các loại hình nghệ thuật trong nước, đưa các công trình, loại hình nghệ thuật có tính chất lịch sử văn hóa vào phim, giúp tạo ra nhiều phim có đề tài cách mạng, lịch sử đến công chúng, góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc khi chúng ta tiếp cận các loại hình văn hóa nước ngoài.

"Mô hình phát triển kinh tế, khoa học chúng ta phải tiếp thu nhanh để tạo ra đột phá, nhưng đối với văn hóa phải giữ gìn, kế thừa, phát huy, tiếp thu có chọn lọc chứ không thể ồ ạt" - ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh  nêu quan điểm.

Góp ý về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh và phát triển nguồn nhân lực điện ảnh quy định tại điều 5, 6 của dự thảo luật, ĐB Trần Quang Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, điện ảnh là các hoạt động sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân của người lao động nghệ thuật và người tham gia thì phải có năng khiếu và đam mê. 

"Việc Nhà nước bao cấp sẽ không kích thích lao động sáng tạo. Vì vậy, chỉ nên có chính sách khuyến khích chứ không nên có quá nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi và cần hướng đến các sản phẩm đầu ra chứ không nên bao cấp đầu vào" - ĐB Trần Quang Tiến nêu quan điểm.   

Phát biểu giải trình, làm rõ các ý kiến về dự thảo Luật tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đều bày tỏ cảm ơn các ĐBQH đã tham gia đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn tạo ra một bộ Luật Điện ảnh (sửa đổi) đáp ứng hai yêu cầu vừa là lĩnh vực kinh tế, vừa là lĩnh vực nghệ thuật.

Trên tinh thần cầu thị, Cơ quan soạn thảo đã ghi chép, tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ 19 ý kiến phát biểu của ĐBQH, tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn trong buổi thảo luận đó là: Bố cục, kỹ thuật lập pháp; Đề cập sâu hơn, phân tích rõ hơn các chính sách hỗ trợ cho điện ảnh; Phân loại, cấp phép, phổ biến phim trên không gian mạng; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.


Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×